Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thị trường điện cạnh tranh trong thể chế chính trị ‘không đối thủ’

Hàn Lam

(VNTB) – Không có sự cạnh tranh của thể chế chính trị đa nguyên, thì việc xây dựng thị trường điện cạnh tranh sẽ rất chật vật….

 

“Chật vật” chứ không hẳn là “không được”. Thị trường điện thoại di động với các nhà mạng cạnh tranh nhau là một ví dụ. Tuy nhiên điểm khác biệt nằm ở chỗ điện là sản phẩm mà muốn hay không đều phải cần đến, nên độc quyền luôn mang đến lợi nhuận đến mức… ‘tối thượng’.

Giá điện đang ‘ngáng chân’ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội?

Trong không gian chính trị đơn nguyên của Việt Nam, theo đánh giá chung được nêu tại hội thảo “Chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam – Một số vấn đề đặt ra và giải pháp” do Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức mới đây, thì chính sách giá điện, thị trường điện còn nhiều bất cập, hạn chế.

Có ý kiến cho rằng, cơ cấu phát điện, điều chỉnh giá điện chưa bù đắp được chi phí đầu vào và đảm bảo lợi nhuận hợp lý; công thức tính toán, xác định biến động của các thông số đầu vào cơ bản lên giá điện chưa được hoàn thiện. Cơ cấu biểu giá bán lẻ chưa phù hợp, chưa có lộ trình cụ thể để áp dụng giá điện hai thành phần…

Công tác tái cơ cấu ngành năng lượng để từng bước hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh, trong đó có thị trường điện thực hiện còn chậm, còn tình trạng độc quyền Nhà nước trong một số lĩnh vực năng lượng.

Việc hình thành thị trường điện triển khai chậm, nhiều vướng mắc, chưa thực sự cung cấp tín hiệu khách quan cho các nhà đầu tư cũng như người sử dụng điện. Chính sách giá năng lượng sơ cấp còn một số bất cập, có ý kiến cho rằng cần rà soát, đánh giá lại việc trợ giá than cho sản xuất điện, giá khí cho sản xuất đạm, giá điện cho một số hộ tiêu thụ điện…

Cơ chế giá bán lẻ điện hiện nay chưa đồng bộ với thực tế phát triển thị trường điện. Bên cạnh đó, chưa dự báo tốt và tính toán đầy đủ những yếu tố ảnh hưởng từ thị trường năng lượng khu vực và thế giới.

Những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc về giá điện, thị trường điện hiện nay ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành điện, ngành năng lượng và sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước.

Một cách hình tượng, có lẽ trong số vật ngáng chân giấc mơ tìm kiếm con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, có thể gọi tên “thị trường điện”.

Lỗi ở tầm nhìn chiến lược “chủ trương của Đảng”?

Ở đây cần thẳng thắn với nhau một điều là dường như truyền thông mang tính định hướng đang làm méo mó, khi ở các báo cáo, diễn văn của Đảng và Nhà nước vẫn luôn đưa ra ‘kết luận’ rằng, “thời gian vừa qua và giai đoạn 2016-2021, ngành năng lượng nước ta đã bám sát chủ trương của Đảng có những bước phát triển nhanh chóng, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận” – trích phát biểu của ông Lê Quang Huy – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Phó Trưởng đoàn thường trực đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nếu nhận xét trên là đúng, thì lỗi ở đây thuộc về tầm nhìn chiến lược “chủ trương của Đảng”, bởi lập pháp ở Việt Nam là phải tuân theo nghị quyết Đảng.

Phía truyền thông của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến thời điểm diễn ra cuộc hội thảo kể trên, họ vẫn đưa ra quan điểm có lẽ là theo “chủ trương của Đảng” với tính giai cấp được viện dẫn – trích:

“Luật số 03/2022/QH15 của Quốc hội sửa lại Luật Điện lực cho phép tư nhân xây dựng và vận hành lưới điện truyền tải. Cũng không ít doanh nghiệp đầu tư nhà máy và bán điện cho EVN, nhưng nếu để họ tự kéo đường dây đến nhà dân rồi bán điện thì chắc chắn không thể cạnh tranh được với EVN dù có tăng giá gấp ba vì chi phí cho hệ thống truyền tải, điều độ, đường dây khiến họ không biết đến khi nào mới thu hồi đủ vốn đầu tư.

Điện gió, điện mặt trời công suất không ổn định phụ thuộc vào sự biến động của thời tiết để đấu nối lên mạng điện khi công suất trồi sụt thất thường cần xây dựng hệ thống lưới truyền tải và điều độ với chi phí lớn khác với loại điện truyền thống như nhiệt điệt hay thuỷ điện. Vậy mà EVN mua lại với giá còn cao hơn giá EVN bán ra, tức là càng mua càng lỗ cũng đã là ưu đãi hết sức rồi.

Hệ thống lưới điện là hệ thống phức tạp, cần bộ phận điều độ để điều tiết lưu lượng dòng điện, nếu phụ tải quá cao gây sụt áp thì có thể làm rã lưới gây tổn hại đến cả hệ thống.

Kết hợp thuỷ điện, nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời phải nhịp nhàng như lái xe trên cao tốc với bốn bánh đầy hơi, nếu một trong bốn lốp xe bị nổ hay xẹp hơi thì tai nạn như rã lưới chắc chắn sẽ xảy ra. Lượng điện tiêu thụ cũng không ổn định khi vào giờ cao điểm thì phụ tải tăng rất cao, nhưng giờ thấp điểm thì tiêu thụ điện ít hơn hẳn. Nếu điều độ cân không chính xác thì phải dùng máy phát chạy dầu phát bù thì chi phí đội lên cao vút, càng bán càng lỗ.

EVN bán điện cho vùng sâu, vùng xa, hải đảo với giá điện không khác so với thành phố, nếu làm phép tính đơn thuần thì không biết bao nhiêu đời bán, thu tiền điện ở đó mới thu hồi được vốn xây dựng đường dây chứ chưa nói gì đến lãi lỗ…”.

Rõ ràng EVN có cái lý của họ.

EU làm được, Hà Nội thì không

Thế nhưng người tiêu dùng cũng có quyền so sánh với viện dẫn số liệu của sàn giao dịch Epex Spot SE, cho biết giá điện ở khu vực châu Âu trong phiên giao dịch ngày 4-7-2023 đã giảm xuống dưới 0 do hiệu suất cao của các nhà máy điện mặt trời.

Ví dụ, tại Đức, thị trường điện lớn nhất ở châu Âu, giá đạt mức âm trong khoảng thời gian từ 13g00 đến 15g00 giờ địa phương ngày 4-7-2023. Ngày 5-7-2023, giá điện sẽ giảm xuống dưới 0 tại các phiên giao dịch ở Đức, Đan Mạch và Hà Lan.

Giá điện âm đang trở nên phổ biến hơn ở châu Âu trong bối cảnh các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tích cực xây dựng các trang trại năng lượng mặt trời để giảm nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch không bền vững.

Tuy nhiên, việc sản xuất điện ở châu Âu đôi khi rất khó điều tiết, đặc biệt là khi các chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo cho mục đích này. Kết quả là, đôi khi có quá nhiều điện trên thị trường nên việc các nhà máy điện trả thêm tiền cho người tiêu dùng để sử dụng điện sẽ rẻ hơn so với việc ngừng sản xuất trong 1 hoặc 2 giờ.

Tạm gác qua vấn đề thể chế đơn nguyên – đa nguyên, người dân không hề ‘phản động’ chút nào khi đặt vấn đề so sánh như các viện dẫn trên đối với cái gọi là theo “chủ trương của Đảng”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Ai chủ động, ai thích ứng và ai sẽ phục hồi nhanh?

Trương Thế Tử

VNTB – Tỷ giá ngoại tệ ở Việt Nam sắp biến động mạnh?

Do Van Tien

VNTB – Thôi thì đỡ đồng nào hay đồng nấy…

Phan Thanh Hung

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 21.07.2023 9:16 at 21:16

Có thể cạnh tranh với sức mua của dân

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo