Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thiền Am và những cái oan ngút trời

Tim Dang 

(VNTB) – Lấy mẫu máu để xét nghiệm DNA mà không có sự đồng thuận của họ là vi phạm đạo đức y khoa và vi phạm nhân quyền

 

Mấy năm qua, Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ là đối tượng của rất nhiều vu khống từ báo chí quốc doanh và những cá nhân bất thiện. Những cá nhân là chức sắc trong Giáo hội Phật Giáo Việt Nam và những kẻ ăn theo một doanh nhân.

Tôi tìm hiểu thông tin và cho đến nay tôi nghĩ mình đã có đủ dữ kiện để có thể viết một bài tóm lược về Tịnh Thất Bồng Lai. Tôi nghĩ họ là một nhóm tu chân chính và người tử tế hiếm hoi trong xã hội ngày nay.

Thiền Am và Bửu Sơn Kỳ Hương

Thiền Am là nơi tu tập của một nhóm tu sĩ theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Bửu Sơn Kỳ Hương  là gì? Trang web của Ban Tôn Giáo Chính phủ cho biết đây là một đạo do ông Đoàn Minh Huyên sáng lập từ năm 1849 tại xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Tín đồ của Bửu Sơn Kỳ Hương lấy Phật giáo làm nền tảng để trở thành “tu nhân”.

Tu Nhân có nghĩa là “luôn sống đúng với đạo làm người, giúp ích gia đình, xã hội, có luân thường đạo lý, có đầy đủ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.’ Đặc điểm của Bửu Sơn Kỳ Hương là không có chức sắc, không có giáo hội, mà chỉ phát triển theo mô hình ‘truyền thừa.”

Bửu Sơn Kỳ Hương không phải là Đạo Phật như chúng ta hiểu, và không thuộc sự quản lý của Giáo hội PGVN của nhà nước (Có người gọi mỉa mai là “Giáo hội Quốc doanh”).

Ông Lê Tùng Vân, năm nay đã 91 tuổi, là người trụ trì gia trang có tên là Tịnh Thất Bồng Lai, nay đổi tên là Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ. Tôi sẽ gọi ngắn là “Thiền Am”. Ông Vân từng là Tỉnh hội trưởng Bửu Sơn Kỳ Hương ở An Giang. Có thể nói rằng ông Lê Tùng Vân không hẳn là một nhà tu trung bình. Ông xuất thân trong một gia đình có học, với thân phụ là một nhà thơ. Bản thân ông Vân cũng là người có học. Năm 60 tuổi ông vẫn đi học và đã tốt nghiệp cử nhân. Quan trọng hơn, ông còn tỏ ra là người có kiến thức đạo giáo rất tốt (so với các sư quốc doanh).

Chỉ cần xem qua cách ông đặt những cái tên ý nhị cho các trung tâm tu tập và đặt tên cho các thành viên trong Thiền Am cũng thấy ông là người uyên thâm, đọc nhiều, chứ không phải dạng trung bình.

Ông Lê Tùng Vân lên Hóc Môn lập trang trại lấy tên là Tâm Đức. Ông nuôi một số trẻ mồ côi và giúp đỡ những người cơ nhỡ. Trung tâm (hãy tạm gọi thế) Tâm Đức bị giải toả, ông Vân di cư về huyện Đức Hoà (Long An) xây một trung tâm mới và đặt tên là Tịnh Thất Bồng Lai.

Ở đây, ông vẫn nuôi dạy trẻ mồ côi, và họ cũng như ông, xuống tóc, mặc áo nâu, và cúng Phật. Họ hoàn toàn sống tự lực cánh sinh và được mạnh thường quân giúp đỡ, chớ không có sự hỗ trợ nào của Nhà nước.

Thiền Am không truyền đạo. Họ không lấy danh Phật Giáo. Họ không tự nhận là “tu sĩ”. Họ chỉ hoạt động như là một đại gia đình. Trong xưng hô, các thành viên gọi ông Lê Tùng Vân là Thầy Ông Nội”. Đó là một danh xưng trong Bửu Sơn Kỳ Hương.

Tiếng vang và sóng gió

Các thành viên của Thiền Am đã tỏ ra là những tài năng hiếm hoi. Năm 2014, một thành viên của Thiền Am là Huyền Trân, trong trang phục áo nâu và mũ ni, đi thi chương trình “The Voice” và được trao giải Á Quân.

Năm 2017, hai thành viên khác là Nhất Nguyên và Nhị Nguyên, vẫn trang phục áo nâu, đi thi “Tuyệt Đỉnh Song Ca” và được khen vang dội.

Năm 2019 và 2020, lại có thêm thành viên nhỏ từ Thiền Am được trao giải cao nhấtt trong chương trình “Thách thức Danh hài“.

Từ những lần “trình làng” như thế Thiền Am trở nên nổi tiếng, và thu hút hỗ trợ từ các mạnh thường quân trong và ngoài nước. Có nhà hảo tâm ở Úc còn sẵn sàng bảo lãnh Huyền Trân, Nhất Nguyên và Nhị Nguyên đi du học ở Úc, nhưng vì nhà cầm quyền địa phương gây khó khăn nên họ không đi được.

Nhưng những thành công vang dội đó gây nên sóng gió cho Thiền Am. Các chức sắc Giáo hội Phật giáo nhà nước cho rằng các thành viên như Huyền Trân, Nhất Nguyên và Nhị Nguyên là “giả sư”, là “tu trái phép”, là “trục lợi”.

Một sự kiện khác cũng gây sóng gió cho Thiền Am là cô sinh viên Diễm My. Năm 2019, Diễm My, con gái của một gia đình giàu có, quen với Huyền Trân trong đại học và xin tu ở Thiền Am. Tuy nhiên, Diễm My qui y ở một chùa khác. Sau đó, ba má Diễm My dẫn 50 du côn đến Thiền Am vây bắt Diễm My về nhà. Nhưng Diễm My không có mặt ở Thiền Am!

Đám người du côn hung hăn đập phá tài sản của Thiền Am và gây thương tích lên đến 13% cho một thành viên trong Thiền Am. Thủ phạm gây thương tích chỉ bị phạt 7.5 triệu đồng. Đó là công lý ở Việt Nam!

Vài tháng sau, Diễm My lại xin ở lại Thiền Am và được ba má cô ấy đồng ý. Nhưng sau đó thì công an cùng ba má cô ấy bày mưu và bắt cóc cô ấy về nhà.  Diễm My cho rằng cô ấy bị giam giữ trong nhà cả 1 năm trời và bị xâm phạm thân thể.

Diễm My trốn khỏi nhà và cho đến nay không ai biết cô ở đâu. Nhưng cô có lên youtube cho biết rằng cô ấy đã có tờ trình cho Hội Phụ Nữ Trung Ương và đâm đơn kiện ba má về bạo hành. Điều trớ trêu là Hội Phụ Nữ chuyển đơn về công an địa phương. Công an địa phương thì đã bị ba má Diễm My mua chuộc (xem dưới đây).

Sự việc này cũng nói lên cái Hội Phụ Nữ đó rất ư là vô dụng, nó không có bảo vệ cho phụ nữ, mà chỉ suốt ngày lo đánh bóng hình ảnh trên báo chí. Sự thật thì Hội Phụ Nữ cũng như giáo hội Phật Giáo quốc doanh chỉ là một cánh tay nối dài của Mặt Trận Tổ Quốc mà thôi.

Những bôi nhọ của báo chí nhà nước

Thiền Am là đối tượng của rất nhiều vu khống. Vu khống đến từ giáo hội quốc doanh, từ hệ thống truyền thông của Nhà nước, và đặc biệt là từ bà Nguyễn Phương Hằng và đạo quân youtuber kền kền của bà.

Thiền Am bị vu khống từ cả 5 năm qua chứ không phải mới đây. Có thể nói rằng chưa có một trung tâm tu tập nào mà chịu nhiều sóng gió và bị vu vạ nhiều và lâu dài như Thiền Am và ông Lê Tùng Vân.

Báo chí Nhà nước chạy những cái tít và bản tin chỉ có thể mô tả bằng hai chữ “dơ bẩn”. Dơ bẩn là vì cách dùng chữ và hoàn toàn không có bất cứ một bằng chứng gì khả tín cho những chữ viết đó. Ví dụ:

  • Ông Lê Tùng Vân dụ dỗ phụ nữ và trẻ em cùng những việc trái luân thường đạo lý khác” (afamily.vn)
  • Nóng: Ba chú tiểu là con các ni cô ở trong Tịnh Thất của ông Lê Tùng Vân” (Dân Trí)
  • Công an tỉnh Long An khẳng định đã vạch trần việc chủ Tịnh thất Bồng lai lợi dụng tôn giáo, lợi dụng trẻ em để kêu gọi từ thiện để cảnh báo người dân nhưng chưa đủ pháp lý để xử phạt.” (Dân Trí)
  • 6/8 trẻ em ở “Tịnh thất Bồng Lai” sống cùng mẹ ruột (vtv)
  • Lật tẩy chiêu trò nhằm trục lợi của ‘Tịnh thất Bồng Lai’” (vietnamnet)
  • Tịnh thất Bồng Lai’ là cơ sở thờ tự bất hợp pháp” (vietnamnet)
  • Nhiều trẻ sống tại ‘Tịnh thất Bồng Lai’ cùng mẹ ruột nhưng không được biết thân nhân” (tuoitre.vn)

Xin nhắc lại là tất cả những cái tít trên đều không có bằng chứng.Chỉ là những vu khống. Điển hình là bài báo trên Dân Trí cho biết như sau “Công an tỉnh Long An khẳng định đã vạch trần việc chủ Tịnh thất Bồng lai lợi dụng tôn giáo, lợi dụng trẻ em để kêu gọi từ thiện để cảnh báo người dân NHƯNG CHƯA ĐỦ PHÁP LÝ ĐỂ XỬ PHẠT” (phần viết hoa là tôi nhấn mạnh).

Thật là một cách viết báo quái đản! Câu đầu thì khẳng định là đã vạch trần, nhưng câu sau thì chưa đủ pháp lý! Chưa có bằng chứng và lý do pháp lý mà đã kết tội người ta! Những kẻ viết báo quên rằng người ta vô tội cho đến khi toà án kết tội. (Thật ra, ở Việt Nam, ngay cả toà án kết tội thì chưa chắc người ta đã có tội).

Lại có những bài đậm tính câu view như “Tịnh thất Bồng Lai bị đập nát, thầy trò chắp tay đứng nhìn – sự thật bức ảnh trên MXH“. Sự thật là gì? Hoá ra, chính bài báo tiết lộ “[…] khuôn viên này là đất thổ cư, được phép xây dựng cao tầng. Họ cũng muốn xây lên 2 – 3 lầu, nhưng kinh phí không đủ nên chỉ xây vừa phải, đủ chỗ để mọi người sống.”

Hài hước nhất là còn có một dạng “phân tích khoa học” cho rằng “những nghi vấn xung quanh vấn đề cận huyết hay loạn luân ở Tịnh Thất Bồng Lai tiềm ẩn nguy cơ đột biến gen, gây ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ con người.” Đi từ nghi vấn đến ảnh hưởng lên trí tuệ con người thì chỉ có thể nói là khoa học… dỏm.

Dùng tiền để đánh gục Thiền Am”

Nhưng người gây ồn ào nhứt không hẳn là báo chí Nhà nước mà là một doanh nhân tên là Nguyễn Phương Hằng, phu nhân ông Dũng Lò Vôi. Trong một buổi livestream vào ngày 24/10, bà Hằng có những lời vu khống và bịa đặt về Thiền Am cùng ông Lê Tùng Vân.

Những vu cáo của bà Hằng cũng chỉ là loại “nghe nói” và dựa vào những thông tin không được xác tín. Điều đáng kinh tởm là ngôn ngữ bà dùng trong việc vu khống ông Lê Tùng Vân vô cùng tởm lợm không thể nào viết ra trên giấy được.

Trong buổi livestream đó, có một người tên là Lê Thanh Minh Tùng, tự xưng là con trai ruột của ông Lê Tùng Vân. Tuy nhiên, đây là một sư đặt chuyện, bởi ông Vân giải thích rằng Tùng là trẻ mồ côi được em gái ông Vân (nay đã qua đời) xin về nuôi, và ông Vân lúc đó đặt tên là Lê Thanh Minh Tùng. Ông không có nuôi Tùng một ngày nào. Ấy thế mà rộ vu khống kinh tởm rằng ông Vân loạn luân!

Theo sau bà Hằng là những youtuber mà có người mô tả là “kền kền”. Cứ mỗi lần livestream của bà Hằng thì đội quân kền kền này phát thanh lại, kèm theo cắt ghép những hình ảnh tục tĩu để bôi nhọ Thiền Am và xúc phạm danh dự đến các thành viên trong Thiền Am.

Người bình thường không thể nào xem qua những video clip và những cách nói của đội quân kền kền này. Nhưng trớ trêu thay, họ cũng thu hút khá nhiều người tò mò và cả tin, và những người này lại tiếp tục tung ra những thông tin bịa đặt và sai lệch.

Không chỉ bị tấn công bởi báo chí nhà nước, giáo hội quốc doanh, bà Hằng và đội quân kền kền, Thiền Am còn bị tấn công bởi ba má của Diễm My, người mà Thiền Am từng cưu mang. Cần nói thêm rằng trước đó, ba Diễm My (tên là Thắng) thuê giang hồ xông vào đập phá và đánh đập người trong Thiền Am. Không tìm thấy con trong Thiền Am, y hăm doạ:

Tao sẽ còn đến đây để quậy nhiều lần nữa“.

Người này (Thắng) mướn một thám tử tư (từng là công an) để ám hại Thiền Am. Trích một đoạn họ trao đổi như sau:

Thắng: “Chuyện đó là cứ yên tâm, sẵn sàng dùng tiền để đánh gục cả cái đám Thiền Am“.

Thám tử: “Vấn đề hại thiền Am 100 triệu thì em làm“.

Họ bàn chuyện hãm hại người khác một cách công khai. Họ bàn chuyện dùng tiền ra để mua công an và mua công lý một cách công khai! Ôi! Thật là một xã hội vô pháp vô luân.

Cũng xin nói thêm rằng viên thám tử tư này sau đó đã “qui chính”. Anh ta đã lên youtube nói rõ rằng Thiền Am là một trung tâm tu tập chân chính, những người trong Thiền Am rất thân thiện và những người tu thật sự, và hoàn toàn không có loạn luân trong Thiền Am. 

Những vu khống và sự thật

Báo chí Nhà nước viết rất nhiều về Thiền Am, nhưng chữ thì nhiều mà thông tin thì rất ít. Đọc qua những bài báo này chúng ta dễ dàng nhận ra 3 đặc điểm như sau:

  • Võ đoán: Phóng viên chưa bao giờ đến tận nơi hay phỏng vấn người trong cuộc; họ chỉ dùng thông tin của các youtuber kền kền trên mạng. Họ có cách làm báo không chuyên nghiệp, vì họ không bao giờ hỏi những người trong Thiền Am về những cáo buộc, mà chỉ nói một chiều.
  • Nguỵ biện: Phóng viên tận dụng những chiêu nguỵ biện, và phổ biến nhứt là tấn công cá nhân. Họ còn áp dụng chiêu nguỵ biện dựa vào đám đông, như “Cư dân mạng lên án” mà không có bất cứ một cá nhân cụ thể nào. Một nguỵ biện khác là tung ra những nghi ngờ chung chung (như “trái luân thường đạo lý”) để người đọc khó phân biệt hư thực. Đó là cách làm báo không chỉ không chuyên nghiệp mà còn bất lương.
  • Câu view: Phóng viên dùng những tựa đề gây tò mò ở người đọc, nhưng khi click vào nội dung thì không có thông tin gì đáng chú ý, ngoài những trích dẫn từ các chức sắc trong hội tôn giáo quốc doanh. Các chức sắc quốc doanh thì họ không nói chúng ta cũng biết họ nghĩ gì, bởi họ chỉ là những công cụ của Nhà nước mà thôi, mà Nhà nước thì không muốn một xã hội dân sự với sự hiện diện của những nhóm tôn giáo như Thiền Am.

Nhưng để hiểu thêm vấn đề, chúng ta thử xem qua những vu cáo và vu khống mà báo chí nhà nước tung ra trong thời gian qua. Để xem qua những vu cáo này chúng ta phải đặt trong bối cảnh chính sách kiểm soát tất cả các tôn giáo của nhà nước.

Cần nói thêm rằng trước đây, Nhà nước và bọn giáo hội quốc doanh đã đàn áp các vị trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất và thiền viện của thiền sư Nhất Hạnh như thế nào.

Cáo buộc 1: Thiền Am không phải là chùa?

Điều này thì có vẻ thừa và vô lý, bởi Thiền Am có bao giờ xưng là chùa đâu. 

Chính ông Thích Nhật Từ, một kẻ lớn tiếng và hung hăn chỉ trích Thiền Am, năm 2017 cho biết:  “[…] khu Bồng Lai Viên chỉ là một tịnh thất, không có bảng hiệu chùa, nên không có đăng kí từ viện với Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An. […] Họ là những người cư sĩ tại gia sống trong tịnh thất, được thầy của họ là người xuất gia cạo đầu, cho mặc áo nâu sòng từ nhỏ.”

Cáo buộc 2: “Mượn danh tôn giáo để trục lợi”?

Đó là tựa đề của một bài báo, nhưng nếu đọc kĩ thì chỉ thấy bài báo mô tả những hoạt động tu tập của ông Lê Tùng Vân và những cáo buộc về vi phạm hành chính (như chưa đăng kí hộ khẩu, không đăng kí xin con nuôi), mà hoàn toàn không thấy họ trục lợi chỗ nào. Thật ra, có những kẻ youtuber nhân danh Thiền Am đi xin tiền vào túi cá nhân. Những người này vẫn ngày đêm có mặt trên mạng vu khống Thiền Am. 

Thay vào đó là những nguỵ biện phổ biến như “cộng đồng mạng và nhiều phật tử lên án” (mà không biết cộng đồng mạng là ai), như trích dẫn ý kiến của một sư quốc doanh nói rằng Thiền Am “lợi dụng hình thức cơ sở của Giáo hội, lợi dụng hình thức nuôi dạy trẻ mồ côi làm từ thiện, lừa gạt lòng tin của tín đồ Phật giáo để trục lợi” mà chính ông sư này cũng không chứng minh được trục lợi cái gì!

Có lẽ ông nên hỏi tại sao cha mẹ các đứa bé đó không gởi con mình trong chùa quốc doanh. Ông sư đó cũng nên tự hỏi tại sao công chúng miền Nam không ưa giáo hội quốc doanh mà ông đang phục vụ.

Cáo buộc 3: Những người ở Thiền Am là “giả sư”?

Đây là một cáo buộc vô căn cứ. Thật ra, các thành viên trong Thiền Am có bao giờ tự gọi là “sư” đâu. Ông Lê Tùng Vân cũng có bao giờ tự xưng là “Thượng toạ” hay “Hoà thượng” đâu. Ở miền Tây rất nhiều người tu tại gia, và họ đâu có xưng thượng toạ hay hoà thượng gì đâu.

Chính ông Thích Nhật Từ cũng từng nói vào năm 2017 rằng: “Thật ra, cụ Thích Tâm Đức chưa bao giờ từng xưng mình là Hoà Thuợng và chưa nói mình là trụ trì Chùa Bồng Lai. […] Thực tế thì Hoàng Nguyên và Nhất Nguyên không phải là người giả mạo tăng sĩ để lừa đảo bất kỳ ai như một số báo chí đã cáo buộc.”

Lại có người bắt bẻ: tại sao các em bé trong Thiền Am dùng danh xưng “Chú Tiểu”. Nhưng tôi thấy đây là một câu hỏi nguỵ biện, đáng lẽ phải hỏi là “Tại sao không dùng danh xưng Chú Tiểu?” Cái danh xưng đó đâu phải là “độc quyền” của Phật Giáo. Tương tự, danh xưng “Thầy” đâu phải là độc quyền của bất cứ tôn giáo nào. Dùng cách nguỵ biện đó, người ta cũng có thể hỏi “Sao không dùng chữ Tổng Thống, mà dùng Chủ Tịch?” Thật buồn cười cho những bắt bẻ ấu trĩ này!

Cáo buộc 4: Lợi dụng trẻ em để trục lợi?

Có một tờ báo quốc doanh viết “có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi, lợi dụng trẻ em vận động kêu gọi từ thiện, có nhiều việc làm trái luân thường đạo lý“, nhưng không cho biết trục lợi gì và bằng chứng về trái luân thường đạo lý.

Sự thật là Thiền Am chưa bao giờ đi gây quĩ như giáo hội quốc doanh; họ chỉ tự lực cánh sinh và được các mạnh thường quân ủng hộ. Tôi không hiểu sao báo chí lại nói là ‘trục lợi’. Làm báo gì mà bất lương vậy? Ở trên ông Thích Nhật Từ cũng đã xác định trước công chúng rằng Thiền Am không giả mạo tăng sĩ để lừa đảo bất kỳ ai.

Cáo buộc 5: Loạn luân?

Đây là một vu cáo vô luân nhất, bẩn thỉu và độc địa nhất, nhưng là vu cáo vô căn cứ. Báo chí nhà nước viết: “Đáng nói hơn, phần lớn những người sinh sống ở đây lại có quan hệ huyết thống, là con ruột, cháu ruột của ông Lê Tùng Vân“. Mấy người này dựa vào những trẻ mồ côi được nhận về nuôi có cùng họ của người nhận nuôi và thế là họ nói các trẻ này có liên hệ huyết thống! 

Thật ra, công an đã bày kế cho một người ghé Thiền Am, rồi sau đó hô hoán lên rằng người đó bị nhiễm covid19, và bắt buộc tất cả các thành viên Thiền Am phải đi cách ly. Trong thực tế thì Thiền Am trích xuất camera cho thấy không có ai viếng thăm Thiền Am lúc đó như công an nói. Tuy nhiên, nhân danh cách ly vì covid19, công an lấy máu và xét nghiệm DNA các thành viên trong Thiền Am và chẳng phát hiện quan hệ huyết thống nào cả.

Nhưng bản chất của công an là ác ôn, nên họ im lặng để cho báo chí và các youtuber kền kền tha hồ vu khống. Vu khống mãi cũng không có bằng chứng, một số youtuber kền kền hung dữ nhất cũng phải thú nhận là KHÔNG CÓ LOẠN LUÂN trong Thiền Am.

Thật khó tưởng tượng một xã hội mà người ta có thể dùng cách vu cáo vô đạo và vô luân như vậy! Càng khó tưởng tượng báo chí quốc doanh có những con người có thể hạ bút viết ra những chữ đó trên giấy! Chỉ có một xã hội đang suy đồi đạo đức mới có những con người tâm địa bệnh hoạn như vậy.

Ở đây, cũng phải nói thêm rằng việc lấy mẫu máu để xét nghiệm DNA mà không có sự đồng thuận của họ là vi phạm đạo đức y khoa và vi phạm nhân quyền.

Sự thật

Rất nhiều bài báo nhà nước có tựa đề “Sự thật đằng sau” Thiền Am, nhưng những thông tin họ đưa ra thì không phải sự thật mà là vu khống, nguỵ biện và câu view. Như trình bày trên, Thiền Am chẳng làm gì sai, hay nếu ‘vạch lá tìm sâu’ thì có lẽ là sai về hành chính (?) Dưới đây là sự thật về Thiền Am:

Sự thật 1: Thiền Am không phải là chùa

Thiền Am chỉ là một trung tâm tu tại gia. Các thành viên của Thiền Am không theo Đạo Phật như Giáo hội Phật giáo Việt Nam (quốc doanh) mà là Bửu Sơn Kỳ Hương. Họ chẳng làm gì vi phạm pháp luật Việt Nam. Tôi thì xem Thiền Am như là một “Tịnh Học Xá” tự lực cánh sinh, nơi mà các thành viên vừa tu vừa học, và lấy Phật giáo làm nền tảng đạo đức.

Sự thật 2: Các trẻ em và thành viên trong Thiền Am sống hạnh phúc.

Các bạn có thể xem qua video của trung tâm (“Năm Chú Tiểu”) thì thấy họ sống và lao động vui vẻ, họ lễ độ và có trí tuệ tốt. Thiền Am còn tuyên bố rằng “Chương trình Giáo Dục của Thiên Am có thể giáo dục được những đứa bé lì lợm nhất, hung dữ nhất, quậy phá nhất, cứng đầu nhất, ngỗ nghịch hỗn hào nhất, bất trị nhất trở nên thành những đứa bé ngoan ngoãn nhất, hiền lành nhất, vâng lời nhất, có đạo đức có giáo dục nhất.”

Sự thật 3: Thiền Am đào tạo ra những nhân tài

Điều này thì chúng ta đã thấy qua các thành viên trong Thiền Am đoạt những giải thưởng quan trọng trong các lần tranh tài cấp quốc gia. Điều thú vị là họ có vẻ chẳng qua trường lớp chuyên nghiệp, nhưng có khả năng và kĩ năng khá chuyên nghiệp, chứng tỏ họ có quá trình luyện tập rất tốt.

Những sóng gió trong thời gian qua được tạo ra bởi những thế lực và cá nhân muốn ám hại Thiền Am. Họ là những chức sắc tôn giáo quốc doanh đầy sân hận; những cá nhân có tiền và tin rằng họ có thể mua công lý và mua bạo lực; và những kẻ kền kền ăn theo những kẻ có tiền. Sau cơn sóng gió, bụi cát cũng lắng xuống và làm lộ một Thiền Am như là một Tịnh Học Xá, nơi mà thành viên tu tập làm người có đầy đủ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

Qua sự kiện Thiền Am, tôi kêu gọi đồng bào ở nước ngoài nên cảnh giác trước những chiêu trò quyên tiền của những cán bộ mang danh “thượng toạ” hay “sư” thuộc giáo hội quốc doanh. Đừng tốn một xu nào cho những cán bộ tôn giáo vận đó!

 


 

Tin bài liên quan:

RFA – Công an Long An lại triệu tập LS Đặng Đình Mạnh, HRW nói “công lý đã chết ở Việt Nam

Do Van Tien

VNTB – Phiên tòa công khai và khách mời VIP

Trương Thế Tử

RFA – Luật sư Đặng Đình Mạnh và Luật sư Nguyễn Văn Miếng đã tới Mỹ

Do Van Tien

1 comment

Lam 08.01.2022 8:20 at 20:20

Bài báo phân tích xác thực và đầy sức thuyết phục. Mong được đọc nhiều hơn những bài viết như thế này.

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo