Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thiên hạ luận: Báo chí thời Covid đã nghèo, giờ thêm cái eo

Nguyệt Đán

 

(VNTB) – Trong trường hợp sai quy định về quảng cáo được hiển thị do thói quen của người dùng thì việc quy trách nhiệm cho chủ sở hữu, vận hành một website hoặc cơ quan báo chí như thế nào cho phù hợp và đúng đối tượng?

 

Đó là một thắc mắc của giới IT phụ trách trang báo điện tử ở Việt Nam, khi ngày 01-6 tới đây, Nghị định 38/2021/NĐ-CP ban hành ngày 29-3-2021 có hiệu lực thi hành.

Quy định của nhà chức trách nói rằng sẽ phạt vạ từ 10 đến 15 triệu đồng nếu như thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin, bài. Gọi là ‘phạt vạ’, vì điều này là không hợp lý.

“Hiện có nhiều trang thông tin điện tử, báo điện tử có dịch vụ Google Adwords (quảng cáo trên hệ thống của Google), thông qua các từ khóa được thể hiện trên website; cùng với đó là cách thức hiển thị nội dung quảng cáo theo thói quen người dùng một cách tự động.

Trong trường hợp sai quy định về quảng cáo được hiển thị do thói quen của người dùng thì việc quy trách nhiệm cho chủ sở hữu, vận hành một website hoặc cơ quan báo chí như thế nào cho phù hợp và đúng đối tượng?” – đại diện một nhật báo thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, thắc mắc.

Đại diện một tờ báo từng thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam TP.HCM, nay có chủ quản mới là Thành ủy TP.HCM, nói rằng khi tòa soạn hợp tác với các công ty quảng cáo chuyên nghiệp, họ nhúng vào website của báo, vậy khi bài đăng, phần quảng cáo tự động nhảy lên thì xem xét phạt thế nào? Đặc biệt quy định “thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây” (mục b, khoản 2, điều 38 của Nghị định) là thiếu thực tế, vì trong 1,5 giây thì người đọc chưa kịp thấy gì, thường thì quảng cáo hiện lên báo tự động sau 5 giây mới tắt.

Dường như những người soạn thảo nghị định 38 nói trên, đã ngồi quá lâu trong phòng máy lạnh, thiếu thực tế về thị trường báo chí, cũng như các tiến bộ trong ứng dụng về quảng cáo truyền thông.

Đại diện Đài truyền hình TP.HCM nêu cụ thể: luật Quảng cáo nay đã quá lạc hậu, ví dụ như quy định truyền hình phát quảng cáo không được quá 2 lần, quá 4 lần rồi mỗi lần không quá 2 phút…

Quy định không được phép chèn quảng cáo trong các chương trình chính trị thì đúng, còn chèn trên các kênh giải trí thì nên cho phép các đài tự chủ.

Vì thực tế nếu đài nào quảng cáo nhiều, người xem tự động chuyển kênh thôi.

Về nội dung quảng cáo thì nên giao cho tổng biên tập cơ quan báo đài chịu trách nhiệm.

“Nay tìm được một sản phẩm quảng cáo đã khó, đằng sau đó lại phải bị ràng buộc quá nhiều quy định về thời lượng, khung giờ nữa… Thực sự chúng tôi thấy khó và rất mong các cơ quan quản lý tạo điều kiện cho báo chí vừa hoạt động trong khuôn khổ pháp luật vừa giữ được nguồn thu cho hoạt động của mình”, đại diện HTV ‘van nài’.

Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nhìn nhận, một thách thức với báo chí hiện nay là việc bảo đảm nguồn thu.

“Bởi một thị phần rất quan trọng của quảng cáo hiện nay đang chuyển dần từ các cơ quan báo chí sang các nền tảng xuyên biên giới (60-70%). Các cơ quan báo chí chỉ còn 30% thị phần chung nhau dẫn dến giảm sút nguồn thu. Báo chí đang đứng trước những thách thức lớn về sút giảm lượng báo in và giảm nguồn thu từ quảng cáo…” – ông Hồ Quang Lợi xác nhận.

Đại dịch Covid-19 để lại những dư chấn nặng nề lên nền kinh tế nói chung và ngành công nghiệp truyền thông nói riêng. Phần lớn các toà soạn bị sụt giảm tới 50% doanh thu và có thể còn tiếp tục giảm nhiều hơn nữa.

“Trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, phát hành đã giảm nhiều năm qua, độc giả ngày càng có xu hướng tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội thì việc tìm kiếm nguồn thu bằng cách nào để vẫn làm tròn sứ mệnh thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, vừa giúp báo chí ổn định và phát triển, thực sự là bài toán cần có lời giải kịp thời”, ông Lê Trần Nguyên Huy – Tổng Biên tập báo Nhà báo và Công luận, kêu gọi.

Góc nhìn khác từ chuyện dường như đang hăm he bớt xén ‘nồi cơm’ báo chí.

Báo chí đóng góp tích cực vào chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng” – ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khóa XII, đã khẳng định như vậy ở Hội nghị gặp mặt, tuyên dương Người làm báo tiêu biểu nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 (1925 – 2020).

Vậy thì nếu dùng tiền phạt để quản lý quảng cáo báo chí như những quy định của Nghị định 38/2021/NĐ-CP, cho thấy dường như đang có xu hướng muốn hạn chế sự phát triển của báo chí vốn đang ngắc ngứ vì khó khăn kéo dài của nền kinh tế, qua đó tất yếu sẽ lơi bớt về những tin tức chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng


Tin bài liên quan:

VNTB – Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc quảng cáo sâm Ngọc Linh

Trương Thế Tử

VNTB – Facebook khởi kiện 4 người Việt Nam

Phan Thanh Hung

VNTB – Doanh nghiệp Việt Nam bất chấp lệnh cấm quảng cáo trên Facebook và Youtube

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo