Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thiên hạ luận: ‘F0, F1 ở nhà’

Loan Thảo

 

(VNTB) – Nếu không phải là trường hợp có triệu chứng lâm sàng cần chăm sóc đặc biệt, tự cách ly ở nhà có lợi rất nhiều mặt.

 

“80% không triệu chứng, tức sức khỏe bình thường. Những ca không triệu chứng như vầy ở bên Mỹ thì cho ở nhà lướt, tám chuyện FB,  khi nào chuyển nặng thì gọi 911, nó rước vô bệnh viện thở Ecmo”.

Nhà báo Cù Mai Công, Chưởng môn của Karate Shorin-ryu Việt Nam đời thứ 4, có nhận xét như trên.

Bác sĩ Võ Xuân Sơn làm phép tính như sau, giả sử chúng ta có 1.000 người bị xác định nhiễm virus cúm Tàu, tức dương tính với xét nghiệm Sars-Cov 2.

Theo cái cách chúng ta đang làm, thì chúng ta phải có 1.000 giường bệnh, và phải kiểm soát 22.500 người cách ly, cứ 1 F0 chúng ta cách ly bình quân 22,5 người.

Còn nếu chúng ta thay đổi lại, tập trung điều trị người nhiễm virus cúm Tàu có triệu chứng thực sự cần chăm sóc y tế, không cách ly F1, F2… thì chúng ta sẽ phải có 13 giường bệnh (theo tỷ lệ bệnh nặng do Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM, HCDC đưa ra), hoặc 49 giường bệnh (theo tỉ lệ nhập viện của Mỹ). Và chúng ta sẽ phải kiểm soát 987 người (hoặc 951 người) cách ly.

Sẽ có ý kiến phản biện, rằng nếu chúng ta bỏ cách ly F1, F2, thì số người lây nhiễm sẽ tăng cao.

Cứ cho là con số người được xác định là bị nhiễm virus cúm Tàu tăng lên gấp 10 lần, thì việc phải có 130 giường bệnh (hoặc 490 giường bệnh) so với 1.000 giường bệnh, vẫn là rất nhẹ nhàng hơn nhiều. Đồng thời, việc quản lý cách ly 9.870 người (hoặc 9.510 người) cũng sẽ nhẹ nhàng hơn việc quản lý cách ly 22.500 người.

Tuy nhiên, theo những diễn biến hiện nay thì cách chúng ta đang làm không có hiệu quả, nên cái giả định là do áp dụng các biện pháp cực đoan, con số lây nhiễm giảm được đến 90%, là không tưởng. Tức là, nếu áp dụng theo cách làm chỉ quản lý người nhiễm (F0), thì số người nhiễm virus cúm Tàu nếu có tăng thêm thì cũng tăng không nhiều.

Nhà báo Võ Trung Dung, sinh sống và làm việc tại Paris, cho biết ông và con gái của ông đều từng dương tính. Con gái của ông cách ly ở nhà và tự khỏi sau một thời gian. Ông, ban đầu cũng cách ly ở nhà, sau đó triệu chứng nặng mới phải đến bệnh viện. Theo ông, nếu không phải là trường hợp có triệu chứng lâm sàng cần chăm sóc đặc biệt, tự cách ly ở nhà có lợi rất nhiều mặt. Tuy nhiên, bất lợi là cần phòng riêng cho người cách ly.

Ở Việt Nam không phải nhà ai cũng có nhiều phòng. Tuy nhiên, theo nhà báo Võ Trung Dung, ngay cả chung phòng mà tuân thủ nghiêm việc đeo khẩu trang y tế, rửa tay bằng cồn, ăn riêng, nhà mở thoáng không khí, tránh lây truyền qua dịch cơ thể (như nước bọt…) thì cũng tránh được khả năng lây bệnh.

Ủng hộ các ý kiến trên, nhà báo Cù Mai Công làm một thống kê ‘bỏ túi’: Sau một tháng bùng nổ, dù chưa đỉnh dịch, tới sáng 30-6-2021, số ca Covid ở TP.HCM là 3.651; áp sát con số dự kiến 5.000 ca của Sở Y tế TP.HCM mấy tháng trước. Và cũng tính đến sáng 30-6-2021, TP.HCM cũng chỉ 8 ca không qua khỏi (đều do bệnh nền có sẵn)/ 3.651 (0,2%). Trên cả nước thì 80 người chết/ 16.507 ca (0,5%).

“Mỗi nước có đặc điểm dịch tễ khác nhau; mỗi chủng gien có cơ địa khác nhau với mỗi loại bệnh. Ví dụ cúm mùa thông thường mỗi năm khiến 200.000 người trên thế giới như Mỹ, phương Tây… chết, nhưng ở Việt Nam thì coi bộ ai cũng bị hoài…” – nhà báo Cù Mai Công cảm nhận.

Thật ra thì ngay cả kết quả ‘âm – dương’ nhiều khi các nhân viên y tế cũng không lý giải được vì sao lại tróe ngoe như vậy.

Cụ thể, tối 30-6, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn – phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM – cho biết “Trong 6 mẫu gộp dương tính này có 27 người, tiếp tục được xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp RT-PCR và tất cả đều cho kết quả âm tính”.

Một vấn đề được nhiều người thắc mắc là tại sao cùng một xét nghiệm RT-PCR (phương pháp xét nghiệm có độ nhạy, độ đặc hiệu rất cao và được chọn để khẳng định một ca mắc Covid-19 hiện nay) lại cho ra hai kết quả hoàn toàn trái ngược?

Vấn đề này, theo bác sĩ Tuấn, hiện HCDC chưa có lý giải. Tuy vậy, theo ông, cũng có thể do “kỹ thuật” và thực tế bất cứ phương pháp xét nghiệm nào cũng có dương tính giả, âm tính giả.

Một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực xét nghiệm đánh giá khả năng nhầm mẫu là “không thể xảy ra”. Vấn đề này nhiều khả năng do quy trình kỹ thuật và cách tính chu kỳ đọc kết quả của mỗi phòng xét nghiệm.

“Hệ thống xét nghiệm RT-PCR cũng có nhiều hãng với nhiều loại hóa chất và ngưỡng khác nhau. Có thể với loại hóa chất này ngưỡng là dương tính, nhưng khi làm lại của một hãng khác ngưỡng lại âm tính” – chuyên gia này phân tích.

Được biết hai lần xét nghiệm này do hai đơn vị khác nhau thực hiện. Lần 1 (mẫu gộp) do HCDC thực hiện và lần 2 (mẫu đơn, giải gộp) là do bBệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM thực hiện.


Tin bài liên quan:

VNTB – “Công lý phục hồi” với Phạm Chí Dũng – Nguyễn Tường Thụy – Lê Hữu Minh Tuấn?

Phan Thanh Hung

VNTB – An dân

Phan Thanh Hung

VNTB – Nguy cơ bùng dịch sau bầu cử có lẽ là thật

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo