VNTB – “Công lý phục hồi” với Phạm Chí Dũng – Nguyễn Tường Thụy – Lê Hữu Minh Tuấn?

VNTB –  “Công lý phục hồi” với Phạm Chí Dũng – Nguyễn Tường Thụy – Lê Hữu Minh Tuấn?

Hà Nguyên

 

(VNTB) – “Công lý phục hồi” cho rằng, nghĩa vụ của người phạm tội là đối mặt với trách nhiệm, và tham gia khắc phục hậu quả.

 

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã đồng tình với ‘gợi ý’ là hãy áp dụng biện pháp xử trí “công lý phục hồi” đối với vụ việc liên quan lây lan dịch Covid ở cộng đồng đến từ Vietnam Airlines.

Bên lề Hội nghị chuyên đề mở rộng lần thứ 2 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI sáng 4/12, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trả lời Zing liên quan đến vụ việc nam tiếp viên Vietnam Airlines mắc Covid-19 và làm lây lan cho cộng đồng (*). Theo đó, Bí thư Nên cho rằng “Quan điểm xử lý là răn đe, cảnh báo, cảnh tỉnh chứ không phải trừng trị”.

Ngay sau câu trả lời này của Bí thư Nên, phía phỏng vấn đã đặt câu hỏi khá khôn ngoan: “Tức là công lý phục hồi chứ không phải công lý trừng phạt?” – và câu trả lời tiếp theo của Bí thư Nên, “Đúng vậy. Tác dụng của nó là tác dụng cảnh báo”.

Ông Đinh Văn Quế, cựu Chánh Tòa Hình sự Tòa án nhân dân tối cao, nhìn nhận “công lý phục hồi” là một hình thức của “hòa giải”. Theo ông Quế, thì, “Việc hòa giải để người phạm tội thấy được tội lỗi của mình trước người bị hại là việc làm nhân văn cần được khuyến khích. Khi còn sinh thời, Bác Hồ cũng đã nói đại ý là: “xét xử đúng pháp luật là tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn”!”.

Vẫn theo cựu thẩm phán Đinh Văn Quế, lợi ích của việc hòa giải trong vụ án hình sự nhiều khi đem lại những tiện ích to lớn không chỉ đối với các bên, mà còn đối với xã hội. “Với tinh thần này, thiết nghĩ không chỉ đối với các vụ án ít nghiêm trọng mà ngay cả đối với những vụ án nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, thậm chí đặc biệt nghiêm trọng vẫn nên hòa giải” – ông Quế nêu ý kiến.

Vấn đề đặt ra là trong những vụ án liên quan đến cáo buộc mang yếu tố chính trị, thì việc “hòa giải” nên hiểu như thế nào, khi mà trên thực tế không có một đối tượng cụ thể nào là “bị hại”?

Điểm khác biệt lớn nhất của hai hình thức “trừng phạt” – “hòa giải” này là vai trò của người có lợi ích bị xâm hại: trong phiên tòa của “công lý trừng phạt”, vai trò của họ rất ít, vai trò chính thuộc về hệ thống xét xử. Còn trong phiên hòa giải của “công lý phục hồi”, họ đóng vai trò cực kỳ quan trọng, là trung tâm của việc hòa giải.

Như vậy, giả dụ như trong vụ án liên quan cáo buộc Điều 117, Bộ luật hình sự thì “bị hại” là “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, vậy thì cụ thể những ai ở đây sẽ là trung tâm của việc hòa giải: Chủ tịch nước – Chủ tịch Quốc hội – Thủ tướng chính phủ?

Về nghĩa vụ của người phạm tội, thì “công lý trừng phạt” cho rằng nghĩa vụ của người phạm tội là nhận lấy hình phạt. Trong khi đó, “công lý phục hồi” cho rằng, nghĩa vụ của người phạm tội là đối mặt với trách nhiệm, và tham gia khắc phục hậu quả.

Đây là một điểm rất thú vị và đặc biệt. Nếu xét về phiên tòa của “công lý trừng phạt”, thì nếu người được cho là phạm tội có thể tránh mọi ánh nhìn, trừ ánh nhìn của thẩm phán – còn trong “công lý phục hồi”, người đó phải đối diện với người được pháp luật ủy nhiệm là đại diện cho “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đã bị xâm hại lợi ích.

Người được cho là phạm tội sẽ bị xem xét về những điều sai sót của bản thân trong phiên tòa “công lý trừng phạt” bằng cách tập trung vào tiền án, hành vi phạm tội và nguy cơ trong tương lai. Còn trong phiên hòa giải “công lý phục hồi”, người được cho là phạm tội sẽ bị xem xét về khả năng khắc phục hậu quả nhiều hơn.

Một phiên tòa đương nhiên sẽ áp dụng quan hệ đối lập về mặt lợi ích, một phiên hòa giải thì tất nhiên sẽ áp dụng đối thoại và đàm phán nhiều hơn. Và chính điều này cho thấy thêm nhiều cơ hội nữa về “đối thoại cởi mở”, để những công dân bị cáo buộc vi phạm hình sự, cùng với bên được cho là “bị hại” cùng đưa ra các lập luận cho lằn ranh phản biện ôn hòa, so với thái độ thù địch mang tính đối chọi trong phản biện cần được hiểu ra sao?

Xu hướng nhân đạo và nhân văn hóa thì hình thức Restorative Justice – Công lý phục hồi ngày càng có đất diễn. Có thể đã đến lúc việc xét xử nên thôi “đấm” và bắt đầu “xoa”.

Còn nói như cách của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên ở lần trả lời phỏng vấn đăng trên báo điện tử Zing, thì, “Quan điểm xử lý là răn đe, cảnh báo, cảnh tỉnh chứ không phải trừng trị”.

_______________

Chú thích:

(*) https://zingnews.vn/bi-thu-nen-viec-xu-ly-bn1342-la-de-canh-bao-khong-phai-trung-tri-post1159725.html

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)