Diệp Chi
(VNTB) – Thượng tuần tháng 7-2021, Sở Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM được thành lập. Ông Nguyễn Thành Phong làm Chỉ huy trưởng.
Chiều 20-8-2021, tin tức cho biết Bộ Chính trị đã ‘trảm tướng’ giữa lúc chiến trận đang ngổn ngang.
Ngày 29-8-2020, báo chí đưa tin, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND TP Hà Nội, để điều tra hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.
Cho đến gần tròn năm, ngày 20-8-2021, Bộ Chính trị quyết định ông Nguyễn Thành Phong, ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND TP.HCM, thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và thôi giữ chức Phó bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2020 – 2025, Chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2021 – 2026; điều động, phân công giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
“Hơi bất ngờ. Tại sao? Tại sao chức vụ của thành phố đã được bầu rồi mà. Vì sao lại có sự thay đổi như thế? Nếu có thể dễ dàng thay đổi như thế thì tổ chức đại hội làm gì? Bầu cử làm gì? Lúc đó, chức vụ của một ai, không còn do dân tín nhiệm mà lệ thuộc vào một tổ chức à? Muốn ai lên là lên, muốn chuyển ai đi là chuyển?
Nhất là vào thời điểm đang dịch bệnh diễn ra căng thẳng. Tôi nhớ, điều này cũng có phần tương tự như ở Bình Dương của tôi, cũng đang diễn biến căng thẳng, người dân lo lắng, thì đùng một phát, có tin bắt mấy quan chức ở Bình Dương. Họ phạm lỗi gì thiết nghĩ, khoan tính, trước mắt là lo chống dịch đã. Việc bắt người hay chuyển công tác như vậy, chẳng khác nào mất chủ tướng? Một trận chiến mà không chủ tướng thì ai chỉ huy?
Nên nhớ, chống dịch như chống giặc”, – một trưởng ấp ở Bình Dương chia sẻ cảm nghĩ khi nghe tin ông Nguyễn Thành Phong không còn là chủ tịch thành phố.
“Chuyện biết từ sau tết!”, một nhà hoạt động xã hội dân sự bình luận ngắn gọn.
“Tôi quý trọng ông Phong, một lãnh đạo năng nổ, hết lòng vì người dân và vì sự phát triển của thành phố. Mong một ngày nào đó ông sẽ trở lại với cương vị lãnh đạo mới của thành phố” – một ý kiến khác từ Sài Gòn.
“Đúng là thời gian qua, cảm giác có lúc thành phố lúng túng trong chống dịch. Có thể nói, thời gian qua, không chỉ ông Phong mà cả ông Nên, ông Đức… cùng dàn lãnh đạo thành phố cố gắng chống dịch. Song, cũng nên thông cảm, vì đây là đợt dịch bùng lớn nhất hồi nào giờ và kẹt cái với thành phố lớn, trung tâm kinh tế của cả nước.
Mặc dù giãn cách tới giãn cách lui, công việc, đi lại khó khăn thiệt, rồi giờ sắp sửa siết chặt hơn nữa, nghĩ cũng thấy chán, không biết bao giờ mới hết cảnh này. Nhưng xét đi cũng xét lại, cũng trân trọng những gì lãnh đạo làm cho thành phố. Nếu không có họ, không biết bao giờ mới tiếp cận được vắc xin. Chính quyền cũng có phát hỗ trợ, mặc dù kẻ có người không. Cho nên, với mình, cũng khá bất ngờ khi ông Phong không còn làm chủ tịch” – ý kiến từ góc nhìn khác về vụ ‘trảm tướng’.
Có thể nói, điểm chung giữa hai vị cựu chủ tịch của hai thành phố lớn, đó là cùng xảy ra vào tháng 8, những ngày cận Quốc khánh 2 tháng 9 và đang trong thời gian dịch bệnh xảy ra, nhất là tình hình dịch bệnh của TP.HCM căng thẳng hơn câu chuyện ở Hà Nội một năm trước.
Khuyết chủ tịch, khuyết trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 ở TP.HCM – dù là ngắn ngủi, song xem ra hành động này có vẻ nhuốm màu sắc chính trị, nhất là tin tức cho hay quân đội tạm thời ‘tiếp quản’ thay cho lực lượng dân sự ở phần việc nội chính của chống dịch Covid-19.