Việt Nam Thời Báo

VNTB- Thiếu vắng tình bạn và tình người trong văn chương hiện đại

Phùng Hoài Ngọc

(VNTB) – Họ để mặc cho lời nói gió bay qua truyền hình, còn trên giấy trắng mực đen thì vẫn phải né tránh lưới văn tự ngục!
Tình trạng con người Việt bây giờ hay gây gổ, tranh đoạt, xung đột chết người kéo dài vài chục năm qua. Tệ nạn xã hội lộng hành từ phố thị đến thôn quê, nạn bạo hành gia đình phổ biến. Xung đột do quyền lợi thì dễ hiểu, có khi xung đột chỉ vì chuyện nhỏ nhặt như nhìn nhau kiểu khó chịu, nhìn thấy không chào hỏi, đụng quệt xe trên đường… thì thực khó hiểu. Người ta quá dễ dàng nổi giận. Nói rộng ra là văn hóa xuống cấp, đạo đức suy đồi. Đảng cộng sản còn ra “nghị  quyết” về việc đó, ra vẻ ưu thời mẫn thế. Ban hành một nghị quyết coi như xong nhiệm vụ.
Nguyên nhân là gì đây?
Đã nhiều lần báo chí và giới khoa học lên tiếng lý giải nhưng coi bộ chưa trúng gốc rễ. Hoặc biết đó mà không dám nói thẳng nói thực.
Vậy thực chất nguyên nhân là gì? Thử kể vài nguyên nhân chính:
Các cuộc chiến tranh liên miên không dứt gần một thế kỷ khiến lòng người chai sạn. Thi thoảng cảnh chiến tranh lại được “ôn tập” trên hệ thống thông tin đại chúng nhà nước, tuyên giáo sửa soạn “cúng giỗ” quanh năm.
Đột ngột kinh tế thị trường tự do (Việt Nam thiếu sức đề kháng và thích nghi).
Đột ngột bộ mặt quan chức quan liêu tham nhũng tróc nước sơn lộ mặt thật, gây sốc mất niềm tin từ trong đảng ra ngoài đảng, từ cao cấp tới bình dân. Từ thành thị tới làng quê nhìn đâu cũng thấy những bộ mặt quan chức và công quyền giàu bất chính nhởn nhơ.
Đột ngột ý thức hệ khủng hoảng rã rời, nhất là trong tầng lớp trí thức, sinh viên.
Đột ngột các tư liệu lịch sử bung tóe ra trên internet gây ngỡ ngàng hoặc rùng mình người đọc.
Nghệ thuật ngơ ngác văn học ngẩn ngơ, viết ra sao đây?
Đó là tình trạng văn nghệ sĩ, như quân lính của Từ Hải khi đã đầu hàng Hồ Tôn Hiến, “Ngọn cờ ngơ ngác, trống canh trễ tràng” (Kiều – Nguyễn Du).
Trong các nguyên nhân trên, người chịu trách nhiệm nhẹ nhất có vẻ là văn học nghệ thuật và sách dạy học trò.
Chúng tôi tâm đắc ý kiến của nhà văn Nguyên Ngọc: văn chương nghệ thuật hiện đại triền miên thiếu vắng tình bạn. Nói chung văn chương thiếu vắng những giá trị nhân văn cơ bản vì phải nhường đất cho “văn chương cách mạng”. Đương nhiên học trò không có bài học bài đọc xứng đáng, sâu sắc. Trách nhiệm này thuộc về “giới lãnh đạo hệ ý thức” và người cầm bút thường được gọi hoa mỹ là nhà văn “cách mạng”.
Đứng trước sự suy đồi xuống cấp không phanh của xã hội, nghệ thuật hài kịch cũng cười không nổi hoặc tự bịt miệng không dám cười. Chỉ có một tờ báo phụ trương “Tuổi Trẻ Cười” ở Sài Gòn là có cố gắng giữ bản sắc dù trong muôn một. Hài kịch ngày nay chủ yếu kinh doanh tiếng cười rẻ tiền phát đạt, cố gắng lắm mới có được một chương trình “Táo quân- Gặp nhau cuối năm- Tết 2016” vừa rồi, may có chút dư âm cho cả năm nay. (Nhóm nghệ sĩ hài Đỗ Thanh Hải gồng mình cả năm để cho ra một tiểu phẩm khá công phu diễn trong hai giờ truyền hình. Gần cuối tiết mục, một vị Táo quân bật lên câu nói đỉnh cao của chương trình “Ngay cả Ngọc Hoàng đây bao nhiêu năm qua cũng có đổi mới gì đâu !Ngọc Hoàng giả bộ cúi mặt quay đi, không ý kiến. Dường như tất cả bức xúc của nhóm nghệ sĩ hài VTV3 dồn vào câu này. Tuy nhiên sau 30 Tết không kênh nào dám phát lại. Còn các báo chí cũng tâm đắc bình luận lai rai, và đều tránh dẫn lại câu văn đỉnh điểm kể trên (?!). Họ để mặc cho lời nói gió bay qua truyền hình, còn trên giấy trắng mực đen thì vẫn phải né tránh lưới văn tự ngục!
Văn học xưa nay thường là mũi nhọn tiên phong, đỉnh cao của nghệ thuật trong mọi thời đại. Văn học vừa mang tính hàn lâm đồng thời mang tính đại chúng và ảnh hưởng sâu bền nhất là đi qua nhà trường. Nhưng hơn nửa thế kỷ qua, văn học chỉ biết liên miên kháng chiến và xây dựng “lâu đài ảo mộng XHCN”. Chủ đề cảm hứng ca ngợi vẻ đẹp tình người và tình bạn quả là rất thiếu vắng và nhạt nhẽo.
Đáng thương thay các nhà soạn sách dạy học Văn, hoặc chưa ý thức chủ đề quan trọng này cho sách giáo khoa trải qua nhiều lần thay sách, hoặc vì họ phải lục tìm đỏ mắt trong số tác phẩm hiện đại mà không thấy bóng dáng. Vậy thì phải nhập khẩu tác phẩm nước ngoài, giống như nhập khẩu máy móc điện tử ngày nay tràn ngập thị trường? Trong khi đó, ca nhạc tả pí lù cũ và mới,  dân gian và đương đại lên ngôi bá chiếm truyền hình băng đĩa và mạng internet, ca khúc tiếng Anh cũng chiếm dung lượng đáng kể rồi…Bộ máy tuyên truyền của Đảng bây giờ cũng chẳng còn trông cậy được vào văn học như xưa nữa. Họ chỉ cần bố trí đảng viên quản lý chặt các tổ chức văn học nghệ thuật, vốn dĩ là tổ chức xã hội dân sự, như các hội văn học nghệ thuật từ trung ương đến địa phương, lấy tiền thuế trả lương cho một số ít biên chế ngồi ghế nóng. Thế là xong. Sáng tác hay dở không thành vấn đề… Bây giờ họ tận dụng ca nhạc phổ thông để tuyên truyền, vì nó dễ ăn nhất, rẻ nhất, lấy mỡ nó rán nó. Theo đó Việt Nam ngày nay có vẻ đang trở nên “cường quốc nhạc trẻ”… Dẫu sao, phần nhiều nhà văn ngày nay khó cam tâm làm cây bút tuyên truyền thô thiển, nhưng họ vẫn cảm thấy xơ cứng, chưa quen được với thời đại mới… Bộ máy tuyên truyền cũng khó kích thích và lợi dụng được họ. Thế là, họ trở nên vô thưởng vô phạt.
Nhớ lại một tình trạng tương tự khi chuyển giai đoạn qua cột mốc 1945 (hoặc 1954), các nhà văn tự trọng thời tiền chiến như Kim Lân, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân một phần nào… lặng lẽ gác bút trước giai đoạn mới với chế độ mới, im lặng làm biên tập viên lĩnh lương công chức, quay ra viết hồi ký… Họ cũng có viết chút ít cho có, khỏi mang tiếng bất hợp tác chế độ mới. Văn chương đương đại miêu tả được một ít hiện thực gồ ghề, bức xúc lặt vặt, tránh chủ đề nhạy cảm và chủ đề quán xuyến đời sống tinh thần dân chúng. Khi qua đời được đặt tên phố như là biểu tượng.  Văn học đương đại cũng có nhiếc móc một chút bộ mặt quan liêu tham nhũng, mất dân chủ, qua loa một tý cho hợp thời thượng. Văn chương hiện thực thua xa báo chí, dù báo chí chính thống số lượng đông đảo chất lượng vẫn là èo uột. Văn chương lãng mạn thì cụt hứng, ngẩn ngơ, quờ quạng không vỗ cánh lên được… Tác phẩm của những cây bút công chức ăn lương khá nhạt nhẽo, in được sách xong thì thôi. Chẳng cần giới phê bình bàn luận. Ngành xuất bản thì nhập dịch sách “ngôn tình”- thứ văn chương loại hai của Tàu cộng dành cho tuổi teen, tương tự hàng tiêu dùng và hàng lậu tràn qua biên giới Trung Việt cho người nghèo… Tình trạng đó triền miên diễn ra từ khoảng hai ba chục năm qua, đến nỗi nhà văn đương đại không được biểu dương trong “Thành tựu ba mươi năm Đổi Mới” của “đảng ta”.

Kết: Trong khi ngồi chờ cây bút hiện đại sáng tác gấp, bù vào lỗ trống nhân văn sâu hoắm, trong đó chủ đề tình bạn-tình người khan hiếm nhất, cần phải nhập khẩu tinh hoa văn chương nhân loại. Trước hết đây là vấn đề báo động với các nhà văn và nhà soạn sách giáo khoa giai đoạn mới.

Tin bài liên quan:

VNTB- Cá biển chết 4 tỉnh miền Trung, xin hỏi ai là đại diện UNEP ở Việt Nam ?

Phan Thanh Hung

VNTB – Truyện kịch ngắn cuối tuần: Chiếc bình quý

Phan Thanh Hung

VNTB- Luật Dịch biến và giáo dục của cha con Trịnh Xuân Thanh

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo