VNTB – Thoái vốn?

VNTB – Thoái vốn?

Hàn Lam

 

(VNTB) – Người sáng lập TTC  đã rời bỏ doanh nghiệp này sau khi bán toàn bộ cổ phiếu SBT.

 

Ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch Tập đoàn TTC, người có liên quan của người nội bộ Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC Sugar, SBT – sàn HOSE) đã bán xong gần 10 triệu cổ phiếu SBT.

Giao dịch thực hiện theo phương thức thỏa thuận từ ngày 13/4 đến 11/5. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông Đặng Văn Thành tại SBT giảm từ 1,54% về 0%.

Ông Đặng Văn Thành là chồng của bà Huỳnh Bích Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) TTC Sugar – người đang sở hữu hơn 69,7 triệu cổ phiếu SBT, tương đương 10,71% vốn điều lệ. Ông là thân phụ của Đặng Huỳnh Ức My, Phó chủ tịch HĐQT TTC Sugar. Bà Đặng Huỳnh Ức My đang sở hữu hơn 100 triệu cổ phiếu SBT, tương đương 15,39% vốn điều lệ.

TTC Sugar là công ty thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Thành Thành Công, nơi ông Đặng Văn Thành là Chủ tịch HĐQT. Như vậy, sau cơn biến động gần 10 năm trước với cuộc sáp nhập đầy ồn ào với Ngân hàng Phương Nam của đại gia Trầm Bê, ông Đặng Văn Thành đã rút khỏi đứa con cưng do chính mình sinh ra.

Tên tuổi của tập đoàn này gắn liền với ông Đặng Văn Thành, người từng tạo tiếng vang lớn khi thành lập cơ sở sản xuất cồn lớn nhất tại TP.HCM vào những năm 70 và cũng là người nổi danh một thời trong ngành ngân hàng.

Năm 1979 ông cùng vợ thành lập cơ sở sản xuất cồn có quy mô lớn nhất ở TP.HCM. Hồi đó, công ty của ông chỉ có vốn điều lệ 100 triệu đồng và 20 nhân viên. Chục năm sau đó, công ty chuyển đổi thành Công ty TNHH thương mại – sản xuất Thành Thành Công. Sau nhiều lần điều chỉnh, vốn điều lệ của công ty đã tăng lên mức 3.000 tỉ đồng vào năm 2011, sau đó công ty được đổi tên thành Tập đoàn Thành Thành Công (TTC).

Sau khi thành lập TTC, ông Thành đã giao cho vợ quản lý, còn ông bắt đầu chuyển sang lĩnh vực tài chính ngân hàng. Năm 1989, ông Thành đảm nhiệm vị trí Chủ nhiệm Hợp tác xã Tín dụng Thành Công. Đến năm 1991, ông Thành tham gia sáng lập Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), với vốn điều lệ ban đầu là 3 tỉ đồng.

Giai đoạn năm 1993-1994, ông trở thành Uỷ viên HĐQT Sacombank. Một năm sau, ông giữ chức Chủ tịch HĐQT.

Dưới sự điều hành của ông, Sacombank dần trở thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần lớn tại Việt Nam và vươn ra quốc tế. Ông Thành đã định hướng Sacombank có những bước đi chiến lược và thành công nhất định. Năm 2006, Sacombank niêm yết trên sàn chứng khoán (mã giao dịch: STB), và là ngân hàng đầu tiên lập công ty quản lý quỹ và công ty cho thuê tài chính.

Trong một chia sẻ tại lễ kỷ niệm 28 năm thành lập Sacombank, ông nhắc lại chuyện tin đồn về việc Sacombank bị thâu tóm bắt đầu nổ ra vào tháng 7-2011. Trước nguy cơ ngân hàng rơi vào tay một nhóm cổ đông, gia đình ông đã dùng nhiều phương án phòng thủ để ngăn chặn thâu tóm từ đối thủ. Cũng khi đó, xuất hiện hàng loạt động thái mua bán hàng chục triệu cổ phiếu STB xuất phát từ các công ty của người nhà ông Thành.

Nhóm thâu tóm chính thức lộ diện vào tháng 2-2012 khi Chủ tịch Eximbank lúc đó là ông Lê Hùng Dũng tuyên bố đã nắm trong tay số cổ phiếu đại diện cho 51% vốn điều lệ ngân hàng, và đưa ra yêu cầu thay đổi ban lãnh đạo Sacombank. Đàng sau vụ việc là Trầm Bê, một doanh nhân Hoa kiều và cũng là người bạn đồng hương thân thiết một thời của ông Thành.

Cuối cùng những nỗ lực của ông Thành đã không thành công. Cuộc thâu tóm dần hạ màn vào tháng 5-2012 và kết thúc bằng cuộc họp đại hội cổ đông của ngân hàng này hôm 26-5. Theo đó, dù vẫn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị nhưng ông Thành không còn là đại diện pháp luật của Sacombank.

Sau Đại hội đồng cổ đông, ông Thành cũng đã ủy quyền quản trị Sacombank cho ông Phạm Hữu Phú, Phó chủ tịch Thường trực HĐQT vì lý do cá nhân. Đến ngày 2-11-2012, ông Thành thôi chức chủ tịch. Sau đó, ông cùng con trai buộc phải rời ngân hàng.

Liệu lần ‘thoái vốn’ này trên thương trường của ông Đặng Ngọc Thành có ẩn tình gì trước sóng gió hiện tại, khi không ít doanh nhân đã vướng lao lý trong những áp phe làm ăn đang được ‘hình sự hóa’?

Giới làm ăn có lý khi ngờ vực, bởi năm 2012, dư luận từng rúng động khi bầu Kiên bị bắt. Tiếp đó là hàng loạt đại gia ngân hàng phải theo chân bầu Kiên. Trong đó, ông Đặng Văn Thành và con trai Đặng Hồng Anh cũng nằm trong nghi án “bị bắt”. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, sự việc được sáng tỏ, cha con đại gia họ Đặng chỉ phải “làm việc” với cơ quan chức năng.

Tuột tay Sacombank nhưng dường như ông Thành chưa bao giờ nguôi suy nghĩ trở lại với nghề buôn tiền…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)