Hiền Vương
(VNTB) – Hai bên đang trao đổi các biện pháp để tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt – Mỹ
Liệu ngày 10 và 11-9 tới đây là thời điểm phù hợp để nâng tầm quan hệ Việt – Mỹ?
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có thông báo về sự kiện Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm Việt Nam trong hai ngày 10 và 11-9, theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Dự kiến Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm Việt Nam từ ngày 10 đến 11-9 theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chúng tôi tin rằng các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam – Mỹ, đưa quan hệ hai nước phát triển ổn định, thực chất và lâu dài trên tất cả các lĩnh vực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực cũng như trên thế giới” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng thông báo.
Trước đó một ngày, phía Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Biden sẽ đến Hà Nội ngày 10-9 và có các cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam để “thảo luận các biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam”.
Thông báo cũng cho hay các nhà lãnh đạo sẽ “khám phá các cơ hội để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, tập trung vào công nghệ và đổi mới, mở rộng quan hệ nhân dân thông qua trao đổi giáo dục và các chương trình phát triển lực lượng lao động, chống biến đổi khí hậu cũng như tăng cường hòa bình, thịnh vượng và ổn định ở các nước khu vực”.
Quan sát từ hai bản tin ngoại giao cho thấy ông Biden sẽ từ Hà Nội bay về Alaska dự lễ tưởng niệm sự kiện 11-9 (giờ Mỹ). Với lịch trình như thế này, ông Biden có lẽ sẽ không ở Việt Nam quá 24 tiếng đồng hồ, thậm chí có thể chưa đến 12 tiếng.
Hôm 17-8-2023, trong một họp báo quốc tế, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định nhưng không nêu cụ thể thời gian và các điều kiện phù hợp mà đôi bên đặt ra là gì: “Hai bên đang trao đổi các biện pháp để tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt – Mỹ theo hướng ổn định, thực chất, lâu dài, hướng tới tầm quan hệ mới khi điều kiện phù hợp, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực cũng như trên thế giới”.
Nếu xâu chuỗi các sự kiện chính trị diễn ra gần đây, tạm cho thấy trục cuộc “tầm quan hệ mới” có thể là tương tự như việc phía Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho rằng Hà Nội và Tokyo đang cùng chí hướng.
Cụ thể của vấn đề “cùng chí hướng” này là các quan chức ngoại giao Nhật Bản đang xem xét đưa các quốc gia, bao gồm Việt Nam, Philippines, Indonesia, Papua New Guinea, Mông Cổ và Djibouti vào danh sách nhận viện trợ an ninh của năm tài chính 2024. Đây là những quốc gia được nhận định là đối tác địa chính trị quan trọng của Nhật Bản.
Báo chí ở xứ Phù Tang viết rằng trong năm tài chính 2023, các nước như Philippines, Malaysia, Bangladesh và Fiji dự kiến sẽ nhận viện trợ an ninh từ Nhật Bản. Cụ thể, hơn 2 tỉ yên (khoảng 13,6 triệu USD) đã được phân bổ trong ngân sách chính phủ ban đầu.
Dưới dạng hỗ trợ an ninh chính thức (OSA), khoản viện trợ an ninh trong năm tài chính 2024 được công bố với mục đích hỗ trợ các nước có chung mục tiêu ngoại giao và một số mục tiêu khác với Nhật Bản trong việc tăng khả năng cảnh báo và giám sát lãnh thổ, cũng như trong các lĩnh vực như chống khủng bố và cướp biển.
Khoản viện trợ sẽ bao gồm trang bị quốc phòng, như hệ thống vệ tinh liên lạc, thiết bị radar và tàu tuần tra, cùng các hình thức viện trợ khác như xây dựng cảng phục vụ chung mục đích dân sự và quân sự. Tất cả đều miễn phí.
The Asahi Shimbun dẫn lời giáo sư Tsutomu Kikuchi (Đại học Aoyama Gakuin): “Cần duy trì cân bằng quyền lực để cùng tồn tại với Trung Quốc. OSA sẽ khiến Trung Quốc phải kiềm chế, qua đó đảm bảo hòa bình và an ninh trong khu vực”.