VNTB – Thời gian vàng đã qua rồi…

VNTB – Thời gian vàng đã qua rồi…

Diệp Chi

(VNTB) – Thời gian vàng trong y tế đã bị bỏ lỡ, vậy liệu trong cuộc sống có hay không giờ vàng?

 

Một người bạn đã từng nói với tôi rằng, về đột quỵ, có cái khái niệm gọi là thời gian vàng. Tìm tòi thêm trên phương tiện truyền thông đại chúng: “Giờ vàng đề cập đến khoảng thời gian sau chấn thương trong đó điều trị y tế và phẫu thuật kịp thời sẽ có khả năng cao nhất ngăn ngừa được tử vong. Mặc dù ban đầu được định nghĩa là một giờ, khoảng thời gian chính xác phụ thuộc vào bản chất của chấn thương và có thể nhiều hơn hoặc ít hơn 1 giờ”.

Đó là giờ vàng trong y tế, vậy liệu trong cuộc sống có hay không giờ vàng?

“Theo mình nghĩ thì có lẽ là có, những giây phút đó có thể bạn không nhận ra đâu, đến khi hậu quả không hay xảy ra, ngồi nghiệm lại, mới thấy đã quá muộn. Như trường hợp của mình, nhớ đến tận bây giờ, người thân mình trước đó vài tiếng đã có dấu hiệu bất thường, thế nhưng cứ nghĩ đơn thuần chỉ là nhức đầu hay là ho không thôi, nên cho dù thấy hơi kỳ kỳ cũng cho qua vì còn nhiều thứ phải làm.

Và cái kết quả phải nhận đó là gì? Nhiều người hay nói không phải cái sai nào cũng có thể sửa. Hình như là đúng như vậy, người thân mình mất rồi, khi ngồi một mình ngẫm lại, mới thấy hối hận là đã quá muộn”, một người bạn ngậm ngùi nhớ lại.

Liên hệ sâu xa hơn trước tình hình dịch bệnh đang căng thẳng không chỉ ở thành phố Hồ Chí Minh mà còn ở nhiều nơi khu vực miền Nam, phải chăng phần nào là do đã sơ suất bỏ qua giờ vàng? Hoặc rằng, đã quá do dự trong quyết định, để giờ vàng trôi qua và giờ là hậu quả?

Như những gì đã và đang xảy ra, Việt Nam có thể tận dụng “giờ vàng” để hạn chế rủi ro về tình hình dịch bệnh ở thời điểm lễ 30.4 – 1.5 cũng như ngày hội toàn dân đi bầu hôm 23.5. Cần hạn chế đi lại cũng như tránh tụ tập đông người, thời khắc đó cũng là quan trọng.

Tuy nhiên, không biết rằng do quá tự tin về “hình mẫu chống dịch” hay còn một lý do gì khác mà chần chừ để rồi vẫn để mọi thứ diễn ra bình thường vào những ngày ấy, bất chấp lo lắng của dân chúng.

“Đúng là theo mình thấy tình hình hiện tại là do hệ lụy của lễ, rồi sau đó là bầu cử. Theo mình thấy, thời điểm lễ, một số người dân họ cũng lo ngại tình hình dịch bệnh rồi. Một số bà con miền tây đang mưu sinh ở Bình Dương này, họ biết thời điểm đó đang căng thẳng vì Campuchia bùng dịch, thế nhưng lễ nghỉ nhiều, mặc dù biết có nguy cơ, theo thói quen, họ vẫn về quê.

Đó là chưa kể đến một số người ra Bắc nữa. Nói chung, trở lại sau lễ để làm việc, thật sự là khoảng thời gian đáng lo. Sau đó là bầu cử, dù hạn chế rủi ro nhưng vẫn có khi là điểm tụ tập người.

Nhiều người nói là một thành phố lớn, sao không có biện pháp ngăn chặn ngay thời điểm đó. Nhưng thành phố lớn cũng đâu thể toàn quyền quyết định, chỉ có thể đưa ra ý kiến, góp ý. Còn nghe và làm như thế nào thì đó lại là của một cơ quan khác rồi còn gì! Không rõ lý do tại sao nhưng chần chừ thời gian vàng đó, để rồi hậu quả như thế này. Cuối cùng ai cực nhất? Cũng là chính quyền thành phố và người dân thành phố thôi”, một người dân ý kiến.

Có thể nói, áp dụng chỉ thị 15 hay chỉ thị 16 hoặc bất kỳ một lệnh cách ly nào được ký từ Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, nếu không có vaccine kịp thời, xem ra cũng là khó.

Còn nói theo lời của Phó Bí thư thường trực thành ủy TP.HCM chia sẻ trên một tờ báo điện tử: “Thành phố chúng ta sẽ thực hiện cách ly toàn xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 trên toàn thành phố trong vòng 15 ngày từ 0 giờ ngày 9/7/2021. Tôi muốn nói, bản thân Chỉ thị không phải là liều “thuốc tiên” đẩy lùi ngay COVID-19, mà chính sự hiểu đúng và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt mới mang lại kết quả như mong muốn”.

Để rồi sau tất cả, tuy Chính phủ cùng chính quyền địa phương nhức đầu không chỉ trong việc giải quyết vấn đề kiểm soát dịch bệnh Covid-19 mà còn một số vấn đề khác được “dọn ra” nhưng ảnh hưởng nhất vẫn là người dân. Không chỉ buôn bán, mưu sinh khó khăn mà ngay cả đi lại cũng khó.

Và giờ, người dân ở tỉnh, bị bệnh hay khám định kỳ, muốn đi khám theo đúng hẹn, một số người cũng sợ lắm cái lệnh… cách ly…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)