Hoài An
(VNTB) – Thế giới thì ảo mà con người được đề cập thì thật, có địa chỉ, có con cái, có các mối quan hệ, có danh dự, nhân phẩm thật…
“Tôi được biết cơ quan an ninh vẫn cắt đặt người thường xuyên theo dõi các bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo. Và như vậy, tôi rất mong những tâm tư sau đây mà tôi muốn gửi đến ông Tổng bí thư, sẽ nhận được sự quan tâm cho ‘kính chuyển’ đến bộ phận thư ký báo chí của ông Nguyễn Phú Trọng”.
Đó là lời mở đầu của một độc giả gửi bài viết này đến hộp thư điện tử trang Việt Nam Thời Báo. Độc giả ký bút danh Hoài An, đề nghị quyền tự do báo chí cần thiết được quản lý bằng pháp luật, thay cho bằng quan điểm chính trị.
Xin được giới thiệu đến quý bạn đọc trang Việt Nam Thời Báo, và cũng kính mong nhận được sự hỗ trợ của các viên chức an ninh trong chuyển ý kiến này đến ban thư ký báo chí Văn phòng Tổng bí thư.
***
Kính thưa ông Tổng bí thư.
Lá thư này tôi viết căn cứ vào các nội dung nằm trong hai bài viết gần đây của ông Tổng bí thư, đó là “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, và bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tổng kết công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Giới hạn nội dung xin được gửi đến ông Tổng bí thư là về quyền tự do báo chí từ nội dung “Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 03 tháng 4 năm 2019.
Đề án quy hoạch báo chí nói trên được chấp bút bởi Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Thứ trưởng Trương Minh Tuấn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Cả hai quan chức này sau đó đã vi phạm pháp luật hình sự trên cương vị Bộ trưởng và Thứ trưởng. Do đó rất cần truy xét lại tư tưởng chính trị của hai quan chức được cho là tác giả của đề án quy hoạch báo chí mà Thủ tướng ký phê duyệt.
Kính thưa ông Tổng bí thư.
“Chủ nghĩa xã hội thường được hiểu với ba tư cách: chủ nghĩa xã hội là một học thuyết; chủ nghĩa xã hội là một phong trào; chủ nghĩa xã hội là một chế độ. Mỗi tư cách ấy lại có nhiều biểu hiện khác nhau, tùy theo thế giới quan và trình độ phát triển ở mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể” – ông đã viết như vậy trong bài “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
“Bối cảnh quốc tế và yêu cầu phát triển bứt phá của đất nước trong thời kỳ mới đòi hỏi Đảng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy phát triển trên cơ sở phát huy tiềm năng, vị thế, điều kiện thực tiễn của chúng ta, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, thời đại” – ông đã đưa ra yêu cầu như vậy trong bài phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Như vậy, tôi cho rằng “giai đoạn lịch sử cụ thể hiện nay”, để “phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, thời đại”, cần thiết thực hiện một đề án quy hoạch báo chí mới, theo đó cái gì là xu thế, là quy luật thì cần ‘thuận thiên’.
Nói một cách khác, tôi nghĩ rằng với việc ông từng trải qua 5 năm là Tổng biên tập tạp chí Cộng sản, ông hiểu rõ rằng vấn đề cơ bản lúc này, là muốn báo chí được sống thực sự với sức sống của nó, không ngửa tay xin tiền ngân sách, thì những nhà quản trị quốc gia phải chấp nhận tự do báo chí như thế giới – nghĩa là tự tin quản lý báo chí bằng pháp luật, chứ không phải bằng quan điểm chính trị.
Kính thưa ông Tổng bí thư.
Nếu có dịp vi hành vào Thành phố Hồ Chí Minh, tôi mong ông thử đến tòa soạn báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, nơi mà tôi từng làm việc, ông sẽ nhận ra ngay việc tòa soạn tờ báo bây giờ như một tổ biên tập, chờ tờ báo mẹ là tờ Công an Nhân dân sắp xếp lại theo quy hoạch mới.
Cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên, nhà báo Nguyễn Công Khế cho hay mới đây có trao đổi với Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng. Nội dung xoay quanh thực tế mạng xã hội ngày càng đóng vai trò thay thế.
Dù bản quy hoạch báo chí mà hai quan chức Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn nói rằng Việt Nam không có báo chí tư nhân, nhưng thực chất, thời buổi này, báo chí tư nhân xuất hiện nhiều vô kể.
Mỗi người một tài khoản cá nhân trên mạng xã hội facebook. Họ tự làm phóng viên, biên tập viên, và làm… tổng biên tập luôn. Gọi là thế giới ảo nhưng họ viết những việc thật xảy ra, con người thật, con người có danh xưng, có chức vụ hẳn hoi. Họ chỉ ra ông lãnh đạo này có 5 căn nhà ở địa chỉ A, B, C… Họ dám nói luôn người này nhận của người kia hàng trăm tỷ do chia chác, lại quả, hối lộ… Thấy không ai trả lời những việc như vậy, vì cứ cho là nó vẫn là thế giới ảo. Thế giới thì ảo mà con người được đề cập thì thật, có địa chỉ, có con cái, có các mối quan hệ, có danh dự, nhân phẩm thật…
Vì lẽ đó, nếu như Việt Nam không giới hạn về quyền làm báo, và quản lý báo chí bằng pháp luật thay cho bằng quan điểm chính trị vào từng giai đoạn của nhiệm kỳ, có lẽ sẽ đáp ứng được đúng các yêu cầu mà ông Tổng bí thư đã đặt ra ở “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, và bài phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Kính mong nhận được sự quan tâm của ông Tổng bí thư về ý kiến trên.
Kính chúc sức khỏe ông Tổng bí thư.