Nguyễn Phú
(VNTB) – Xin tạm dùng từ ‘báo chí độc lập’ để nói về vai trò trong tương lai gần của những hội đoàn dân sự như Hội Nhà báo độc lập Việt Nam tròn 6 tuổi ngày 4-7-2020.
Việc thực hiện đề án quy hoạch báo chí về cơ bản bước đầu đã xong phần chuyển đổi cơ quan chủ quản.
Ở đây đề án đã nhìn báo chí theo con mắt hành chính, cơ học một cách máy móc. Người đọc họ đâu cần biết tờ nào là chính, tờ nào là phụ; thậm chí với báo điện tử, đơn vị đọc của họ là bài báo chứ không còn là tờ báo nữa. Cái hay của chính quyền TP.HCM là hóa giải được gút mắc mà trước đó từng là một lo ngại tưởng chừng rất nhiều nồi cơm của giới báo chí bị đập, vì sẽ không ai hình dung nổi vì sao những tờ báo có tên tuổi trong làng báo và bạn đọc hàng chục năm qua ở Sài Gòn nay đe dọa thành ấn phẩm phụ bởi đề án gọi là quy hoạch báo chí.
Tài sản lớn nhất của một tờ báo chính là tên tuổi của tờ báo đó, phải dày công xây dựng trong nhiều năm – đó chính là thương hiệu của tờ báo. Đằng sau mỗi thương hiệu là niềm tin của độc giả gửi gắm cho tờ báo và chính niềm tin này trở thành sức mạnh cho tờ báo. Xưa nay báo chí được sắp xếp, quản lý theo thương hiệu, chứ không phải theo cơ quan chủ quản.
Đề án nói rõ mỗi tổ chức chính trị – xã hội thì được quyền có một cơ quan báo in và một cơ quan tạp chí in, nhưng mỗi tổ chức xã hội – nghề nghiệp thì chỉ được có một cơ quan tạp chí in mà thôi.
Ở đây phải nói lại một cách cơ bản về vai trò của báo chí. Một trong những vai trò được kỳ vọng của báo chí là làm con mắt, lỗ tai của công luận nhằm giám sát các cơ quan nhà nước xem có thực hiện đúng chức năng của họ hay không.
Thử tưởng tượng báo chí hoàn thành vai trò này như thế nào nếu tất cả báo chí đều là của các bộ, ban, ngành… Thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu báo của các bộ bắt tay nhau, ký kết các hợp đồng phối hợp tác chiến, báo bộ này khen bộ kia, báo bộ kia khen bộ nọ để tất cả được đánh bóng lên, mọi thiếu sót, khuất tất được lấp liếm?
Chính vì thế đã có nhiều ý kiến từ nhiều năm nay cho rằng tốt nhất là báo chí nên đưa về các hội đoàn trong một lộ trình “xã hội hóa” báo chí. Tuy nhiên đề án đi ngược lại xu hướng đó thì không hy vọng gì chúng ta sẽ xây dựng được một làng báo mạnh. Chỉ hy vọng việc báo chí ở TP.HCM từ đầu tháng 7-2020 được gom và chia cho hai chủ quản là Ủy ban Nhân dân Thành phố, và Thành ủy TP.HCM, chỉ là bước đầu của tìm cách chỉnh sửa đề án quy hoạch vốn được chấp bút bởi một quan chức nổi tiếng tham nhũng là Trương Minh Tuấn.
Thật ra làng báo Việt Nam hiện đã phát triển vượt khỏi suy nghĩ của nhiều người, đặc biệt là sự tham gia của tư nhân trong lĩnh vực báo chí mà ít ai đề cập.
Mặc dù khẳng định không thương mại hóa, không tư nhân hóa báo chí nhưng đề án cũng đã mở ra một hướng đi hợp thức hóa tình trạng tư nhân tham gia làm báo hiện nay. Đó là việc cho phép báo in, ngoài việc tiếp tục liên kết với bên ngoài trong in ấn, phát hành, quảng cáo còn mở ra liên kết về nội dung đối với một số ấn phẩm về khoa học chuyên ngành và giải trí, thời trang, thể thao… Như thế đây là con đường hợp thức hóa sự tồn tại các tờ như Cosmopolitan, Elle, Her World tại Việt Nam.
Thậm chí đối với phát thanh truyền hình và báo điện tử, việc liên kết còn được mở rộng ra lĩnh vực phổ biến kiến thức và kinh tế bên cạnh chuyện giải trí, thể thao.
Như vậy có thể hình dung làng báo Việt Nam trong những năm tới sẽ chịu nhiều biến động, các tờ báo mang tính giải trí thuần túy sẽ nở rộ, trong đó dần dần tư nhân sẽ nắm phần chi phối. Đừng tưởng các tờ này sẽ không có ảnh hưởng nhiều đến xã hội! Chúng sẽ định hình như đang định hình các chuẩn mực văn hóa theo hướng chủ nghĩa tiêu thụ, chạy theo hư danh phù phiếm. Lúc đó mọi người chỉ còn quan tâm đến các xì căng đan được liên tục tạo ra vừa để câu khách vừa để làm bệ phóng cho giới giải trí.
Trong chiều ngược lại, tiếng nói của các hội nghề nghiệp ‘quốc doanh’ hầu như không còn nữa, làng báo sẽ mang tính đồng nhất hơn vì số lượng chủ quản sẽ giảm mạnh, chỉ còn lại một số đầu mối chủ chốt – và dĩ nhiên là dễ cho quản lý hơn rất nhiều.
Điều có thể nói ngay là tư duy quản lý báo chí với những khái niệm như cơ quan chủ quản, báo chính, báo phụ… là rất xa lạ với thực tế biến chuyển của báo chí hiện nay. Điều quan trọng là củng cố làng báo đang chịu nhiều khó khăn, cả về tài chính, nhân lực cũng như chịu nhiều ràng buộc không thể cạnh tranh sòng phẳng với các nguồn thông tin khác từ áp lực của ‘định hướng tuyên truyền’. Đó mới là chuyện thiết yếu hơn nhiều.
Và một trong những giải pháp để báo chí có được quyền tự do cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường, có lẽ nhà quản lý cần mạnh dạn thay đổi mang tính cập nhật về đề án, theo đó cần hướng đến luật hóa việc những hội đoàn xã hội dân sự ‘phi quốc doanh’ như Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, được quyền tham gia đầy đủ vào thị trường báo chí.
Sở dĩ gọi là ‘quyền tham gia đầy đủ’, vì hiện tại đề án quy hoạch báo chí mới dừng mức độ gọi là ‘liên kết’, một kiểu ‘công – tư hợp doanh’; mà ở đó phần ‘công’ luôn được quyền lấn lướt, luôn nắm giữ thế ‘bề trên’ ban phát với giới tư nhân, trong khi đây mới là những người chuyên nghiệp trong nghề báo.
2 comments
Đôi lời: Bài viết gây sự nhầm lẫn ngay từ cái tựa, làm người đọc tưởng là bài sẽ đề cập tới các trang mạng tự do (cũng có thể được gọi là “báo chí độc lập” đấy chứ?).
Còn nội dung bài, chỉ nói về cái “quy hoạch báo chí”, chẳng có hơi hướng gì liên quan tới “báo chí độc lập” cả.
Trong bài có nhắc tới mấy tờ tạp chí hoàn toàn về giải trí, thời trang, tạm gọi là “tư nhân tham gia làm báo”; nhưng chớ lầm lẫn đó như là một hình thức cho “báo chí độc lập”. Sự lầm lẫn rất tai hại!
Và cũng không phải chỉ có mấy tờ tạp chí (rất “Tây”) đó, hiện có hàng chục tờ báo giấy “lá cải”, toàn chuyện “cướp, giết, hiếp”, do tư nhân đầu tư, mang danh báo quốc doanh.
Để tồn tại tình trạng này lâu dài là nguy hiểm. Chính nó bóp nghẹt hy vọng có ngày có “báo chí độc lập”.
Ba Sàm
https://www.facebook.com/nguyenhuuvinh.basam/posts/283472802901622
Bài viết của tác giả Nguyễn Phú có hai ý lưu tâm: 1. Với đề án quy hoạch báo chí, các hội đoàn dân sự ‘quốc doanh’, chỉ được phép ‘làm’ thể loại tạp chí. Trên thực tế, các ấn phẩm giải trí, hầu hết là thể loại tạp chí.
2. Với việc chính quyền TP.HCM chọn ‘gom’ các đầu báo vào 2 chủ quản là ủy ban cấp thành phố, và thành ủy, giúp các tờ báo có tòa soạn tại Sài Gòn không phải thay đổi thể loại; song lại tạo khoảng trống là ngay cả tổ chức mặt trận tổ quốc cũng không có ‘cơ quan ngôn luận’.
Hôm 20-6, ở hội nhà báo TP.HCM có cuộc họp nội bộ về việc ra đời một tờ báo do hội này làm chủ quản, dự kiến tổng biên tập là cựu tổng biên tập báo Công an TP Đặng Xuân Dũng. Vốn huy động tư nhân. Phía mặt trận tổ quốc của TP có đề án về tờ gọi là Tiếng Dân.
Nhóm quyền lực của chính quyền TP trước đây (Hải Quân Đua Tài) có chủ trương hạn chế báo chí. Hy vọng nhóm lãnh đạo hiện tại phần lớn có xuất thân là thầy giáo đại học (Phong – Liêm – Nhân) có cái nhìn cởi mở hơn về báo chí.