Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thực sự có nên lạc quan về nền kinh tế VN qua “15 ông Cố vấn”?

Kỳ Lâm (VNTB) Với 15 thành viên có phần danh giá và thực học, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang muốn chứng tỏ một sự theo đuối cải cách thực sự, nhằm mang lại nền kinh tế với sự tăng trưởng khá trong năm 2017 và những năm tiếp theo.

Không ít người cũng cho rằng, 15 thành viên này sẽ thổi vào bầu không khí kinh tế một chút gì đó mới mẻ mang tính động lực hơn, kể từ khi nền “kinh tế” mang tên Nguyễn Tấn Dũng bị phá sản bởi tham nhũng và lợi ích.

TS. Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia là Tổ tưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại là người chưa giải tỏa được nghi vấn “bằng cấp ma”.
Trang tin Zing cũng có một bài viết mang tính điểm danh về 15 thành viên này, và muốn định hướng dư luận rằng, nền kinh tế sẽ sáng hơn với “điều đặc biệt” mà 15 thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng mang lại.
Tuy nhiên, có thực sự lạc quan đến như thế không?
“Ông cố vấn” là một chức danh cần thiết cho bất kỳ hệ thống kinh tế – chính trị nào, bởi nó đề đạt những ý kiến liên quan đến đường hướng phát triển mà “cố vấn” tin rằng, nó sẽ tốt.
Tuy nhiên, “cố vấn” dù “đặc biệt” về học hàm, học vị đến đâu đều phụ thuộc vào tính chất cố hữu của thể chế. Tức khi thể chế đủ mở để lắng nghe, thì khi đó “cố vấn” mới phát huy rõ rệt vai trò của mình.
Không đâu xa, có một thời, nguồn chất xám đầy chất lượng mà thể chế Việt Nam Cộng Hòa để lại đã được trưng dụng để làm… kiểng. Như cách mà Giáo sư Châu Tâm Luân, chuyên gia kinh tế nông nghiệp (làm trong tổ chức FAO), người hết lòng đấu tranh cho hòa bình trong thời chiến, sau năm 1975 cũng đã không được “đứng lớp” vì kiến thức kinh tế của ông là “kinh tế tư bản”.
Hàng loạt người từng hết lòng vì đất nước, vì dân tộc, muốn đưa Việt Nam phát triển đi lên đã bị ngáng trở vì yếu tố “Đảng lãnh đạo”. 
Trở lại, trong nhóm 15 người kia, ngoài những chuyên gia thực học, thì có cả ông Bùi Quang Vinh – người từng lên tiếng nói thẳng về cái không tưởng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nó nhóm lên hy vọng rằng, Tổ tư vấn sẽ làm việc tốt để sớm đưa chính sách thoát ra khỏi khuôn khổ cản trở sự phát triển đó.
Nhưng, cái chính vẫn là chính trị, thể chế chính trị với sự lãnh đạo của Đảng sẽ vẫn là thứ chi phối mạnh nhất, trực tiếp nhất với mọi yếu tố đổi mới kinh tế. Dù ý kiến, quan điểm kinh tế như thế nào thì sau sàng lọc của “Đảng”, nó sẽ được thống nhất ở tính định hướng Xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, mà chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (người từng làm việc trong Ban nghiên cứu của Thủ tướng) nhiều lần chua chát thừa nhận rằng, ý kiến, đóng góp liên quan đến đổi mới nền kinh tế được đưa lên rất nhiều lần, không chỉ bằng thư từ – góp ý mà cả qua các cuộc hội thảo, hội đàm, nhưng tất cả đều không được lắng nghe.
Ông Bùi Quang Vinh, Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư, thành viên Tổ tư vấn – được đánh giá là người cởi mở trong cải cách thể chế.
Thái độ lắng nghe chính là sự cầu thị cần thiết của một thể chế, nó chính là thứ giúp cho “ông cố vấn” được làm việc một cách thực tế chứ không phải nằm ở… hư danh.
Và mong muốn của chuyên gia Phạm Chi Lan lại là một mong muốn rất thực, đó là bà kỳ vọng Tổ tư vấn lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giúp ông Thủ tướng “nhìn nhận đầy đủ hơn về bức tranh thực của kinh tế Việt Nam”.
Nhưng mong muốn đó có là hiện thực không khi mà người đứng đầu Tổ tư vấn này là Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn, người vừa rời khỏi nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, nhưng đặc biệt ông vẫn chưa đưa ra một lời giải thích xoay quanh “bằng cấp ma” của mình (tấm bằng tiến sĩ chương trình đào tạo từ xa ở Mỹ của mình!).
Ngoài ra, Tổ tư vấn cũng cần được “phản biện”, ai sẽ phản biện Tổ này trong lĩnh vực kinh tế. Mà một trong số đó là khu vực kinh tế tư nhân (động lực của nền kinh tế Việt Nam) sẽ đứng ở đâu để nói lên tiếng nói của mình trong các chính sách mà Tổ này đề xuất?
Người dân cần gì ở Tổ tư vấn?
Không phải là Chính phủ cần gì ở Tổ tư vấn! Mà là người dân cần gì ở tổ chức này!
Ít nhất, như chuyên gia Phạm Chi Lan chia sẻ, thì nó phải cho Thủ tướng cơ hội để “lắng nghe một cách rộng rãi hơn từ xã hội”, để tránh sự quan liêu hoặc độc tôn… ý chí phát triển kinh tế như thời gian qua.
Và rõ ràng, người dân không cần cái “mũi nhọn, đầu tàu” như thời gian qua, mà tập trung trả lời câu hỏi “đi đâu, về đâu”. Và cách tốt nhất để xác định rõ là thoát ra khỏi cụm từ “định hướng XHCN”.
Muốn thế, cả hệ thống chính trị cần phải đồng thuận rằng, cần phải xóa bỏ ngay và luôn tư tưởng sợ hãi về một sự chuyển biến kinh tế sẽ làm mất quyền lãnh đạo của Đảng. Bởi nó chính là ràng buộc lợi ích lớn nhất khiến cho tiếng nói không được tiếp nhận và hình ảnh của nền kinh tế không được phản ánh xác thực. 
Muốn thế, cả hệ thống chính trị, mà mở đầu ở cấp Bộ Chính trị cần phải đổi mới mạnh về mặt tư duy, cần phải lột cái vỏ áo cơ chế chính trị vốn đã lạc hậu thì mới bắt kịp sự phát triển về mặt kinh tế.
Chỉ khi Tổ tư vấn đồng thuận vứt bỏ cái “định hướng XHCN”, Chính phủ lắng nghe, Đảng cầu thị, thì xây dựng chính sách, quyết định chính sách phát triển sẽ là một sản phẩm mà người dân thực sự cần.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, người kỳ vọng tổ tư vấn 15 người lần này sẽ giúp Thủ tướng lắng nghe được nhiều ý kiến hơn.
Tức “tư vấn, cố vấn” không phải là mấu chốt của sự thành bại của một quốc gia, mà chính là sự “lắng nghe”. Do đó, nếu sử dụng “Tổ tư vấn” như là một công cụ để tìm giải pháp ngắn hạn cho việc bù – trừ ngân sách (trong đó có phi vụ huy động vàng và đô-la trong dân), thì Tổ tư vấn sẽ trở thành một ung nhọt của nhân dân, ít nhất nó cho thấy tính chất thời vụ không cần thiết, tính chất cơ hội của thể chế – chính quyền hiện nay.

Tuy nhiên, trong thực tế, với cách người dân bị bắt bớ vì phản biện trái chiều, thậm chí lăng nhục trên báo chí (như trường hợp GS. Ngô Bảo Châu) hiện nay, thì lấy gì để khiến người dân tin rằng, Nhà nước sẽ nghe và làm theo sự đúng đắn mà Tổ tư vấn chỉ ra!
Lúc này, lịch sử sẽ lặp lại như thời điểm sau năm 1975? Khi những người “dân miền Nam” không chứng kiến cảnh “Việt Cộng lấy kìm rút móng” nhưng lại không lường trước “sẽ có những mũi kìm êm ái hơn như… đổi tiền.” Kỳ vọng vào Tổ tư vấn lúc này về đổi mới kinh tế cũng sẽ được đáp trả lại bằng một “chiến dịch” X-2 qua USD và vàng trong dân, xuất phát từ chính Tổ tư vấn Chính phủ? 

Tin bài liên quan:

VNTB – Tại sao Việt Nam cần đồng minh là Mỹ?

Phan Thanh Hung

VNTB – Những “điếm bút” thời hiện đại

Phan Thanh Hung

VNTB- Dự thảo độc quyền nhà nước, Thủ tướng Phúc và kinh tế quốc gia vào thế khó

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo