Bạch Liên
Ầu ơ… Cây khô đâu dễ mọc chồi…/ Mẹ già đâu dễ sống đời với con.
Đã là một người con của miệt xứ Nam Bộ, có lẽ, không xa lạ gì lắm với hai tiếng ầu ơ… Ngay từ lúc lọt lòng mẹ, chập chững từng bước đi đầu đời, bập bẹ từng tiếng nói đầu tiên, không ít đứa trẻ đã được:
“Ầu ơ… Ví dầu cầu ván đóng đinh…
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi…
Ầu ơ… Khó đi mẹ dắt con đi…
Con đi trường học, mẹ đi trường đời”.
Niềm xúc cảm trong thâm tình mẫu tử trong lời hát ru không những vọng vang thấm đậm từng chữ, từng câu, mà còn là những âm điệu theo từng cung bậc, luyến láy của làn hơi, diễn tả thiết tha một tình cảm thiêng liêng máu thịt mầu nhiệm được ban cho từ đấng tạo hóa.
Trong một lần hữu duyên tham dự chương trình thai giáo của cố giáo sư Trần Văn Khê, nhớ rằng, hát ru không chỉ khiến trẻ dễ ngủ mà còn dạy trẻ biết yêu gia đình, yêu quê hương đất nước từ khi trẻ còn nằm trong nôi hay trên võng – “tôi yêu tiếng nước tôi/ từ khi mới ra đời…”.
Hát ru là một làn điệu dân ca thuộc dòng văn học dân gian của Việt Nam. Đó là lời hay ý đẹp của ông cha ta đúc kết từ muôn đời. Hoặc chăng đó còn là một bài học kinh nghiệm, một lời dạy của ông bà dành cho con cháu.
Lớn hơn một tí, những làn điệu hát ru đó được biến tấu thành những lối hát đối đáp nhuần nhuyễn, ngọt ngào của các cặp trai gái vùng nông thôn miệt sông nước.
Xuất phát từ quan điểm cá nhân, một người bạn đã nói với tôi rằng, xã hội càng ngày càng hiện đại, Việt Nam cũng nên hoà nhập với thế giới. Hát ru bây giờ đã lỗi thời. Đâu còn được bao nhiêu bà mẹ trẻ hát ru được? Điển hình như hàng xóm của người bạn ấy, bà mẹ trẻ thế hệ 8X, không ru con được càng không đưa võng cho con ngủ được.
Tôi chỉ cười.
Bởi, tôi biết, dù có thể ở thời gọi là “hiện đại hoá”, công nghiệp hoá đến từng ngõ ngách của nông thôn, nhưng hát ru vẫn còn, và ắt hẳn sẽ không bao giờ mất đi. Bà truyền lại cho mẹ, mẹ truyền lại cho con. Đứa con hằng ngày được bà, được mẹ ru, ít nhiều thấm nhuần vào tiềm thức, vô hình trung, nhớ lúc nào không hay. Và rồi, cứ như thế, tiếp tục truyền đến sau.
Điều này, khi còn là sinh viên, tôi đã được chứng minh. Trường phân công về một tỉnh của miền Tây Nam Bộ, thu thập những dữ liệu, thông tin về văn học dân gian. Tưởng chừng như sẽ chỉ “thâu gom” được ca dao, tục ngữ, thành ngữ hoặc những kinh nghiệm dân gian như: “chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”.
Nhưng không, nhóm chúng tôi lại thu hoạch được khá nhiều những điệu ru. Người miền Tây thân thiện, họ lại sẵn sàng giúp đỡ sinh viên. Từ bà ngoại cho đến mẹ, một tay đưa võng, còn miệng thì cất lời ru, để chúng tôi có thể ghi âm lại, hoàn thành bài tập mà trường đã giao.
Một buổi chiều của tháng 7 âm lịch, bất chợt trên một con đường làng của miệt sông nước Nam Bộ, văng vẳng tiếng ru con:
“Gió mùa thu.. mẹ ru mà con ngủ..
Năm canh chày.. năm canh chày.. thức đủ vừa năm..
Hỡi chàng chàng ơi… hỡi người người ơi..
Em nhớ tới chàng… em nhớ tới chàng..
Hãy nín nín đi con
Hãy ngủ ngủ đi con
Con hời mà con hỡi… con hỡi con hời…
Con hỡi con hời… con hỡi con…”
Dừng lại lắng nghe. Lời ru dịu dàng, da diết, đầy tình cảm của người mẹ dành cho đứa con. Chợt chạnh lòng. Nhớ mẹ. Thương hoài hai tiếng “ầu ơ”…