Việt Nam Thời Báo

VNTB- Thượng tất loạn: Không mang giấy tờ tùy thân là bị nhốt vào TT Hỗ trợ xã hội !

Trần Thành

(VNTB) – Câu trả lời: không có quy định “bắt nhốt” như vậy. Tuy nhiên trên thực tế chuyện mượn cớ này để “bắt nhốt” của công an TP.HCM, là rất thường tình.

Một số thân nhân người Chăm QUỲ XUỐNG, CHẤP TAY yêu cầu trả người bị bắt vì biểu tình bảo vệ môi trường! Ảnh: Huy Phan

Cuộc biểu tình yêu cầu cần minh bạch vụ cá chết ở biển miền Trung hôm 6-5 và 5-6 tại TP.HCM, đã có rất nhiều người tham gia biểu tình đã bị bắt đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội, số 463 Nơ Trang Long (nối dài), phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Đây là hành vi cố tình xúc phạm nhân phẩm và danh dự của công dân.

Thích là còng tay bắt
Anh Trần Đức Dự (tạm trú 105/66 Hoàng Bật Đạt, phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM), cho biết: Khoảng gần 12 giờ đêm, do xe máy bị hư nên anh cùng bốn người bạn ở chung nhà trọ dẫn xe đi bộ trên đường Nguyễn Oanh (đoạn ngã tư An Nhơn, thuộc phường 6, quận Gò Vấp). Bất ngờ, hai bảo vệ dân phố chặn lại đòi kiểm tra giấy tờ tùy thân và giấy tờ xe. Vì không có miếng giấy nào lận lưng nên năm người đã bị bảo vệ dân phố đưa về trụ sở Công an phường 6.
Tại đây, các anh cho biết mình là công nhân của Công ty TNHH Xây dựng điêu khắc trang trí Lạc Hồng (phường An Phú, quận 2) và đang làm việc tại một công trình căn hộ cao cấp, ai cũng có gia đình và chỗ ở ổn định. Nhưng Công an phường 6 vẫn lập hồ sơ quy các anh vào diện người lang thang, cơ nhỡ, thậm chí còn nghi ngờ các anh có hành vi phạm tội. Họ đã giữ các anh ở trụ sở suốt đêm.
Đến 7 giờ sáng hôm sau, anh Dự gọi điện thoại về cho vợ báo sự việc. Vợ anh liền mang giấy tờ tùy thân của cả năm người và giấy tờ xe đến Công an phường 6 để xin cho cả nhóm được trở về nhà. Nhưng một cán bộ đã từ chối giải quyết rồi còng tay năm người đưa ra ô tô chở đến Trung tâm Hỗ trợ xã hội thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM.
“Tại đây, chúng tôi bị cắt tóc, giam vào phòng C3 hai ngày, sau đó chuyển qua phòng C5, C6. Trong căn phòng rộng khoảng 45 m2, chúng tôi phải ở cùng với 25 người khác. Trong nhiều ngày ở lại đây, chúng tôi bị người vào trước ở chung phòng đánh đập; bị lấy đồ ăn, thức uống do người nhà gửi vào” – anh Dự giật mình khi nhớ lại.
Ba ngày sau khi bị bắt nhốt vào đây, cán bộ trung tâm mới tiến hành hỏi từng người một về việc có trộm cắp, hút chích ma túy hay không, nhưng cả năm người đều trả lời giống như đã nói với cơ quan công an trước đó. Sau đó, trung tâm mới hướng dẫn họ cách làm thủ tục để gia đình bảo lãnh.
Anh của Dự từ Thừa Thiên-Huế mang theo các giấy tờ bảo lãnh có xác nhận của địa phương đi vào TP.HCM và cùng mẹ từ quận 9 đến trung tâm bảo lãnh cho Dự về nhà. Riêng bốn người còn lại vẫn còn phải tiếp tục ở lại trung tâm vì cha mẹ ở ngoài quê chưa vào kịp. Hơn tuần lễ sau ngày bị bắt, gia đình của bốn anh mới đến được trung tâm để bảo lãnh cho thân nhân.

Công an đã cố tình… sai
Theo lời kể của những người tham gia biểu tình bị bắt đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM, công an phường cho rằng đây là những người lang thang, không có chứng minh nhân dân nên lập hồ sơ chuyển về Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM.
Tại trung tâm này, các người tham gia biểu tình bị nhốt vào đây cũng bị đánh đập hệt như trường hợp của anh Dự và 4 người bạn như nói ở trên.
Nếu căn cứ theo quy định của pháp luật thì cả phía công an lẫn Trung tâm Hỗ trợ xã hội đều sai. Tuy nhiên, cho đến nay phía hai chủ quản là Sở Công an TP.HCM và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM đều dung dưỡng những cái sai đó.
Thứ nhất, với trường hợp người dân không mang theo giấy chứng minh nhân dân, hoặc từ chối xuất trình chứng minh nhân dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền, công an sẽ căn cứ vào Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình về vấn đề vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chứng minh nhân dân, để xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
Thứ hai, chắc chắn là cả phía công an và Trung tâm Hỗ trợ xã hội đều hiểu rất rõ rằng việc xử lý người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng (nói tắt là người lang thang) trên địa bàn TP.HCM được thực hiện theo Quyết định 104/2003 và Quyết định 183/2006 của UBND TP.HCM. Theo các văn bản này, người lang thang xin ăn là những người đi xin dưới bất kỳ hình thức nào; việc sinh sống nơi công cộng được hiểu là hành vi của những người mà mọi sinh hoạt hằng ngày (tắm giặt, ăn, ngủ) đều diễn ra nơi công cộng như vỉa hè, lòng lề đường, công viên… Theo đó, các công dân như anh Dự cùng 4 người bạn với các hành vi như nhậu say, đẩy xe đi bộ trên đường giữa đêm khuya và không mang giấy tờ tùy thân không phải là người lang thang; những người tham gia biểu tình càng không phải là người lang thang.
Vậy mà các cơ quan chức năng đã cố tình gán cho các anh, chị này là người lang thang nhằm mục đích bắt nhốt để răn đe, cấm đoán người dân thực hiện quyền biểu tình như Hiến định. Lưu ý, trong hồ sơ của vụ việc này, theo thủ tục hành chính, sẽ có một loại văn bản mang nội dung “biên bản xác nhận đối tượng xã hội không có nơi nương tựa cần được giúp đỡ”…, được ký giữa công an phường với đại diện Trung tâm Hỗ trợ xã hội.
Việc xúc phạm danh nhân phẩm và danh dự của công dân ở những trường hợp này vẫn chưa dừng lại. Trong tờ cam kết (mẫu đơn chung của Trung tâm) của thân nhân khi bảo lãnh các anh, chị tham gia biểu tình bị nhốt vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội, phần nêu lý do anh, chị bị “tập trung vào trung tâm” lại tiếp tục ghi câu “do bỏ nhà sống lang thang xin ăn…”.
Những quan chức đứng đầu bộ máy công quyền TP.HCM đã dùng người của Công ty TNHH Dịch vụ Công ích Thanh niên xung phong để đàn áp người biểu tình. Công an thì bắt nhốt những người tham gia biểu tình vào nhà giam trá hình, khoác màu áo dân sự là “Trung tâm Hỗ trợ xã hội”. Tất cả những việc làm này đều công khai thách thức sự nghiêm minh của hệ thống pháp luật của nhà nước chuyên chính vô sản.

Thượng bất chính. Hạ tất loạn.

Tin bài liên quan:

VNTB – Quản lý kinh doanh, sao lại hạn chế quyền sử dụng?

Phan Thanh Hung

VNTB- Vụ bắt bà Trần Thị Nga: Vì sao lại là Điều 88?

Phan Thanh Hung

VNTB- Về việc công dân Tôn Phi bị theo dõi: Có thể khởi kiện

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.