(VNTB) – “Báo cáo láo thành quen” là cụm từ đã chính thức được dân gian hóa, có nguồn gốc từ đương kim trưởng ban nội chính trung ương, người hiện thời đang điều trị tại một bệnh viện ở Hoa Kỳ.
Thất nghiệp liên tục giảm!
Đầu tháng 9/2014, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Nguyễn Thị Lan Hương công bố tỉ lệ thất nghiệp của cả nước trong quí 2-2014 chỉ khoảng 1,84%, thấp nhất trong vòng một năm qua và Việt Nam vẫn nằm trong số quốc gia có tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới.
Tỷ lệ trên thậm chí còn thấp hơn cả số liệu mà bà Phạm Thị Hải Chuyền – Bộ trưởng Lao động, thương binh và xã hội và là cấp trên của bà Lan Hương, công bố vào đầu năm 2014.
Theo đó, năm con Rồng 2013 đã thật sự đánh dấu hình ảnh “cất cánh” của ngành lao động khi tỷ lệ thất nghiệp được kìm nén chỉ ở mức 1,99%.
Điều luôn được các cơ quan hành chính luôn coi là thành tích chắc chắn đã “vươn lên một tầm cao mới”: tỷ lệ thất nghiệp liên tục giảm trong những năm gần đây, với năm 2011 là 2,22% và năm 2010 là 2,8%.
Nhưng việc công bố những số liệu trên lại diễn ra trong bối cảnh mà Ủy ban kinh tế quốc hội ít nhất vài lần phải khẳng định con số doanh nghiệp phải giải thể và phá sản trong mấy năm qua đã lên đến 100.000.
Thực ra con số doanh nghiệp phá sản còn cao hơn khá nhiều.
“Không thể có chuyện trong một năm kinh tế gặp nhiều khó khăn như năm 2012, có hơn 50.000 doanh nghiệp giải thể hoặc dừng hoạt động; hơn 400.000 lao động thất nghiệp, nghỉ việc, nhảy việc…; các thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài thu hẹp, lao động xuất khẩu không tăng…, mà số lượng tạo việc làm mới vẫn đạt 1,6 triệu!” – cần nhắc lại một bức cảm chân thành của ông Bùi Sỹ Lợi, phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Mãn tính và di căn
Với người Mỹ, việc mất đến 5 năm để kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp từ 10% vào cuối thời tổng thống Bush xuống chỉ còn 6,1%% hiện thời đã là một thành tích đáng tự hào. Tương tự, nhiều quốc gia Tây Âu như Pháp, Anh và Đức đều không thể và cũng chẳng muốn giấu diếm cái thực trạng họ phải đối mặt với nạn thất nghiệp luôn chực chờ từ 9-11% đáng sợ như thế nào.
Không có barem nào để so sánh về mức độ minh bạch với các quốc gia phát triển, có chăng tình trạng quá mù mờ và thấp kém về số liệu lao động của Việt Nam chỉ có thể sánh ngang với tỷ lệ thất nghiệp thực tế từ 26-27% ở Tây Ban Nha và Hy Lạp – nơi các chính thể bị tham nhũng di căn quá sâu đậm.
Khác rất nhiều với số liệu công bố chỉ có 72.000 cử nhân thất nghiệp, con số chưa đầy đủ lên tới 162.000.
Mối nghi ngờ không dứt và ngày càng sâu đậm của công luận và dư luận trong nước cũng rất có thể thêm một lần nữa khiến cho uy tín của Chính phủ trở nên viễn tưởng trong tâm trí người dân, với “tác nhân gây ung thư” trong trường hợp này chính là một cố tật quá khó sửa của Bộ lao động thương binh xã hội và Tổng cục thống kê.
Phải chăng tình trạng “báo cáo láo” ở Việt Nam chỉ thuần túy do căn bệnh thành tích chủ nghĩa đã biến thành căn bệnh mãn tính, hay còn bởi thái độ bất chấp hiện tồn và bỏ mặc cả một nền quốc kế dân sinh cũng đã “di căn” nốt?