Hoài Nguyễn
(VNTB) – Tích tụ đất đai là quá trình nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để làm tăng diện tích sử dụng đất.
Cho đến nay thì dự thảo Nghị định quy định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp, được soạn từ thời chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, thế nhưng đến nay vẫn tiếp tục chờ ý kiến cuối cùng.
Dự thảo nghị định sau khi khảo sát ở 28 tỉnh, thành phố đã đưa ra 5 phương thức cho tập trung, tích tụ đất đai gồm: dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp; thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp; liên kết, hợp tác để tổ chức sản xuất nông nghiệp; nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp và đặc biệt là được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Trong nông nghiệp, quá trình tích tụ tư bản cho phép người sản xuất tận dụng được lợi thế kinh tế theo quy mô. Nhưng điều này chỉ đúng khi đạt tới quy mô kinh tế hợp lý, xét trong mối quan hệ với năng lực của người quản lý và yêu cầu của thị trường. Khi đạt tới quy mô hợp lý, chi phí sản xuất giảm, khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất sẽ gia tăng.
Câu hỏi đặt ra là quy mô đất thế nào là hợp lý?
Tính hợp lý được quyết định bởi cả trình độ của người sản xuất, phụ thuộc vào nhu cầu và quy mô thị trường. Những điểm này do cung – cầu trên thị trường quyết định. Hơn nữa, đối với mỗi loại sản phẩm khác nhau thì yêu cầu về quy mô cũng rất khác nhau. Đối với mỗi vùng miền khác nhau thì quy mô tích tụ cũng khác nhau.
Tùy theo yêu cầu của thị trường, có khu vực cần tích tụ, tập trung, có khu vực phân tán. Tích tụ, tập trung hay phân tán còn tùy thuộc vào địa hình, đặc điểm canh tác, văn hóa cư dân nông nghiệp của từng khu vực sản xuất. Tất cả những điều đó đòi hỏi nghiên cứu tích tụ hay tập trung đất đai trong nông nghiệp ở mỗi địa phương cần tính toán dựa trên phân tích lợi ích và chi phí.
Hiện nay đang có 2 cách hiểu phổ biến liên quan vấn đề đất đai trong yêu cầu “tích tụ”.
Một, tập trung đất nông nghiệp là việc tăng quy mô diện tích đất nông nghiệp thông qua hình thức liên kết, chuyển đổi hoặc thuê quyền sử dụng đất của người sử dụng đất khác mà không làm thay đổi quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức kinh tế.
Còn, tích tụ đất nông nghiệp là việc tăng diện tích đất nông nghiệp của người sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của những người sử dụng đất khác.
Hai, tập trung đất nông nghiệp là việc tăng quy mô về diện tích đất nông nghiệp thông qua các giao dịch mà không làm thay đổi quyền sử dụng đất của người sử dụng đất.
Còn, tích tụ đất nông nghiệp là việc tăng diện tích đất nông nghiệp của người sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Nếu ‘định hướng XHCN’ được hiểu theo nghĩa là sẵn sàng điều chỉnh các quy định theo hướng phổ quát như thế giời, thì có lẽ rất cần tham khảo về các vấn đề gọi là hỗ trợ và khuyến khích các hoạt động mua, bán và chuyển nhượng đất đai.
Về kỹ thuật, rất nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Hà Lan, Pháp, Áo… đã thành lập các ngân hàng đất đai. Mô hình này đã đem lại hiệu quả đáng kể cho quá trình tích tụ, tập trung đất đai khi đảm bảo được “tính linh hoạt” cao.
Ngân hàng đất nông nghiệp đóng vai trò trung gian kết nối người mua với người bán, người thuê với người cho thuê đất. Đa phần ngân hàng đất đai sử dụng ngân sách nhà nước để mua/ thuê lại đất và sau đó bán/ cho thuê lại.
Ở Nhật Bản, người sở hữu đất dù không tham gia sản xuất nông nghiệp nhưng nếu vẫn muốn duy trì quyền sở hữu đất có thể ủy thác ngân hàng đất đai cho thuê mảnh đất của mình.
Ngân hàng đất đai sẽ hỗ trợ các chủ sở hữu đất qua việc được miễn các loại thuế có liên quan, đảm bảo sự công bằng giữa nông dân có đất ủy thác và người thuê lại đất từ ngân hàng…
Ở Đan Mạch, hệ thống ngân hàng đất đai được thành lập từ khá sớm vào năm 1919, hoạt động tự nguyện và nằm dưới sự quản lý của Bộ Nông Lâm và Ngư nghiệp. Ngân hàng này mua, bán đất với các hộ nông dân hoặc làm cầu nối thực hiện việc trao đổi quyền sử dụng đất tạm thời giữa chủ sở hữu đất và các chủ thể có nhu cầu thuê đất.
Nhật Bản cũng triển khai biện pháp “hợp nhất ruộng đất” (tương tự như dồn điền đổi thửa) – trao đổi quyền sở hữu các thửa ruộng nằm cách xa nhau để các chủ đất chỉ sở hữu một mảnh đất với diện tích lớn; và “ủy thác sản xuất” – các hộ sản xuất quy mô nhỏ sẽ ủy thác ruộng vườn và các tư liệu sản xuất cho hộ sản xuất quy mô lớn…
Về tài chính, tại Hàn Quốc, các tổ chức phi chính phủ như Cộng đồng nông thôn và Hiệp hội nông nghiệp Hàn Quốc cũng tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động tích tụ đất đai khi cung cấp các khoản vay ưu đãi cho những người muốn thuê và mua đất nông nghiệp.