VNTB – Tiêm kích Su của Liên Xô lại rơi 

VNTB – Tiêm kích Su của Liên Xô lại rơi 

Trường Sơn

(VNTB) – Quân chủng Phòng không – Không quân đã mất 2 tiêm kích Su-22 do tai nạn trong hai năm liền.

Thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng cho biết, ngày 9-1-2024, tại sân bay Đà Nẵng, Trung đoàn 929, Sư đoàn 372, Quân chủng Phòng không – Không quân tổ chức bay huấn luyện ngày theo kế hoạch.

Máy bay Su-22, số hiệu 5880 do phi công Đỗ Tiến Đức, Đại úy, Phi đội trưởng Phi đội 1 điều khiển; cất cánh lúc 11 giờ 04 phút; đến 11 giờ 14 phút, phi công báo máy bay gặp sự cố, không thể về hạ cánh được. Chỉ huy bay lệnh cho phi công cố gắng đưa máy bay ra khỏi khu đông dân cư và tiến hành nhảy dù.

Phi công đã nỗ lực đưa máy bay ra xa khu dân cư và nhảy dù tại vị trí cách trục đường băng về phía Nam 19 km (thuộc địa bàn xã Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Máy bay bị hư hỏng, tại vị trí máy bay rơi không có thiệt hại về người, phi công nhảy dù an toàn, sức khỏe ổn định.

Vụ rơi máy bay làm một người dân phường Điện Nam Bắc bị thương là ông Nguyễn Thanh Hùng, hiện đang điều trị tại bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức; làm tốc, hư hỏng mái ngói, sập tường của hộ dân Nguyễn Thanh Chính với diện tích gần 100m2.

Hiện tại, Quân chủng Phòng không – Không quân đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương phong toả hiện trường và tiến hành điều tra vụ việc.

Máy bay chiến đấu Su-22 là phiên bản xuất khẩu của máy bay cường kích (ném bom) Su-17 do Liên Xô cũ phát triển từ những năm 1960. Dòng chiến đấu cơ này rất thành công, với một thời gian dài phục vụ trong không quân Liên Xô và không quân Nga sau này, bên cạnh đó nó còn được không quân nhiều nước Đông Âu, Châu Á, và Trung Đông sử dụng.

Đến nay, Liên Xô cũ và nước Nga sau này đã sản xuất khoảng 2.200 chiếc Su-17, Su-20 và Su-22.

Trong bối cảnh năm 1979, do nhu cầu cần có một loại máy bay chiến đấu đa nhiệm với tầm bay dài, vừa có thể không chiến, vừa có thể tấn công mặt đất để yểm trợ cho bộ binh, Việt Nam đã được Liên Xô viện trợ một số máy bay tiêm kích-bom Su-22M/UM. Sau khi số Su-22M/UM trong đợt viện trợ đầu tiên ngừng hoạt động, đầu năm 1989, Trung đoàn không quân 937 đã tiếp nhận những chiếc Su-22M4 đầu tiên, biến thể được sản xuất cuối cùng của dòng máy bay Su-22 với những cải tiến đáng kể trong hệ thống điện tử, bao gồm hệ thống ngắm bắn quang học Klen-54 trong chóp mũi…

Hiện tại, Không quân Việt Nam đang có trong biên chế với số lượng lớn tiêm kích – bom phiên bản Su-22M, Su-22UM3K (huấn luyện) và Su-22M4, trong đó hiện đại nhất là phiên bản Su-22M4.

Tiêm kích Su-22 có chiều dài 19,03 m; sải cánh 10,02 m (khi cụp bay tốc độ nhanh) hoặc 13,68 m (khi xòe bay tốc độ chậm); cao 5,12 m; trọng lượng rỗng 10.640 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 19.500 kg. Su-22 được trang bị 1 động cơ Lyulka AL-21F-3 cho phép máy bay bay với tốc độ tối đa 1.860 km/h, tầm hoạt động 2.500 km với trần bay khoảng 15.000 m.

Một năm trước, trưa 31-1-2023, máy bay Su-22 số hiệu 5873 của Trung đoàn Không quân 921 do phi công cấp 3 Trần Ngọc Duy điều khiển gặp nạn khi đang hạ cánh tại sân bay Yên Bái. Theo đó, lúc 1g27 ngày 31-1-2023, trong lúc hạ cánh, máy bay gặp nạn, phi công được lệnh nhảy dù nhưng đã cố cứu máy bay. Tuy nhiên, máy bay bị rơi và phi công Duy hy sinh.

Sự kiện đau lòng tương tự cũng từng xảy ra với loại tiêm kích Su 22. Hồ sơ cho biết, lúc 14g50 phút ngày 16-4-2015, máy bay tìm kiếm đã phát hiện tại vùng biển có tọa độ 10 độ, 36 phút, 36 giây vĩ Bắc; 108 độ, 51 phút, 30 giây kinh Đông có 4 bình dầu phụ trôi nổi và vết dầu loang trên biển. Cũng theo Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, hai phi công gặp nạn gồm: Trung tá Lê Văn Nghĩa (phi công cấp 1) – Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 937, Sư đoàn 370, lái máy bay Su-22, số hiệu 5857 và Đại úy Nguyễn Anh Tú (phi công cấp 3) –  Phi đội phó Phi đội 1, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370, điều khiển máy bay Su-22, số hiệu 5863.

Trước đó, lúc 11g45 phút ngày 16-4-2015, hai máy bay Su-22 của Trung đoàn 937, thuộc Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không – Không quân) bay huấn luyện, bài bay công kích, bổ nhào, cơ động phức tạp, đường bay Phan Rang – Mũi Rinh, Phú Quý, Bình Thuận đã bị mất liên lạc với Sở Chỉ huy. Ngay sau khi mất liên lạc, Sư đoàn Không quân 370 đã điều máy bay Mi-171 của Trung đoàn 917 tìm kiếm cứu nạn…

Vẫn là Su 22, chiều 26-7-2018, chiếc máy bay Su-22U, số hiệu 8551 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không – Không quân rơi tại làng Dừa (xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) khi đang thực hiện bay huấn luyện khiến 2 phi công hy sinh là Trung tá Khuất Mạnh Trí – Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng (sinh năm 1978, quê ở phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội) và Thượng tá Phạm Giang Nam – Chủ nhiệm bay Trung đoàn 921 (sinh năm 1972, quê ở Thụy Bình, Thái Thụy, Thái Bình).


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 6 months

    Đừng có để Mỹ đào tạo bộ đội Cụ Hồ ngành không quân nữa . Tại sao thời chống Mỹ, bộ đội Cụ Hồ do Trung Quốc & nga ngố đào tạo lập ra những Điện Biên Phủ trên không ?

    Muốn Quân Đội Nhân Dân Việt Nam có những Nguyễn Thành Trung không ? Yes then, keep on gửi người qua Mỹ đào tạo