VNTB – “Tiền ảo” ở Việt Nam có được pháp luật bảo vệ?

VNTB – “Tiền ảo” ở Việt Nam có được pháp luật bảo vệ?

Phạm Lê

 

(VNTB) – Tiền ảo có thể được xem là tài sản, tuy nhiên pháp luật dân sự của Việt Nam chưa có điều khoản cụ thể nào về chuyện bảo vệ tài sản đó của công dân.

 

Vụ án tiền ảo Pincoin

Trung tuần tháng 5-2020, báo chí Việt Nam đưa tin, ông Lê Đức Nguyên, sinh năm 1988, tự Lucas, quê Bình Định, tạm trú quận 2 – TP.HCM, được biết đến là một doanh nhân chuyên đầu tư vào lĩnh vực tiền ảo, cùng gia đình từ Lâm Đồng về Sài Gòn, khi đến đầu đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây thì xảy ra va chạm với một ô tô khác.

Sau khi dừng xe, 3 người xuống xe để giải quyết vụ việc thì một nhóm người đi trên 2 ô tô khác ập đến, đưa ông Nguyên và vợ con lên ô tô rồi chở đi. Cùng lúc này, một người vào xe của nạn nhân giật đứt camera hành trình rồi lái xe đi theo. Ba nạn nhân bị nhóm cướp đánh đập, dùng súng đe dọa bắt cung cấp tên đăng nhập và mật khẩu ví điện tử trên điện thoại.

Sau khi chuyển số tiền ảo được cho rằng có giá trị 35 tỷ đồng qua tài khoản khác, nhóm cướp thả gia đình ông Nguyên tại một khu vực vắng vẻ ở quận 2 rồi tẩu thoát. Gia đình nạn nhân tự giải thoát và trình báo công an về vụ việc.

Hồ sơ điều tra cho biết, đầu năm 2018, ông Lê Đức Nguyên giới thiệu với nhiều người rằng đã thương lượng thành công với các chuyên gia tài chính nước ngoài để đưa một loại tiền ảo mới có tên Pincoin về Việt Nam. Ông Nguyên khi đó kêu gọi nhiều người đầu tư vào để cùng tham gia xây dựng thương hiệu cho đồng Pincoin và đổi lại sẽ thu được lợi nhuận khủng.

Để tham gia mua đồng Pincoin, nhà đầu tư trước hết phải nộp tiền ảo Bitcoin vào tài khoản ông Nguyên. Những người không có Bitcoin thì phải dùng đồng USD để mua Bitcoin rồi chuyển qua Pincoin. Một thời gian sau, sàn tiền ảo Pincoin bất ngờ sập, và có thông tin cho rằng là do bị hacker tấn công.

Không thể lấy lại được tiền của mình và cho rằng bị ông Nguyên lừa, một nhóm nhà đầu tư lên kế hoạch lấy lại tiền đã đầu tư. Nhóm nhà đầu tư này thuê một người có tên Mai Xuân Phốt tìm hiểu đường đi nước bước để thực hiện kế hoạch uy hiếp, chiếm mật khẩu. Phốt sẽ được trả công một tỷ đồng sau khi “phi vụ” thành công.

Ngày 21-6-2020, Cục Cảnh sát hình sự đã bắt giữ và khởi tố 7 nghi phạm với cáo buộc “Cướp tài sản”. Danh tính nhóm 7 người bị khởi tố gồm: Hồ Ngọc Tài (sinh năm 1989), Trần Ngọc Hoàng (sinh năm 1983, cùng quê Đà Nẵng), Mai Xuân Phốt (sinh năm 1992, quê Quảng Nam), Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1996, quê Đắk Lắk), Trương Chí Hải (sinh năm 1989), Trịnh Tuấn Anh (sinh năm 1985) và Bùi Quang Chung (sinh năm 1996, cùng ở TP.HCM).

Đáng nói, nạn nhân Lê Đức Nguyên trong vụ cướp đang bị rất nhiều nhà đầu tư gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo, thông qua hoạt động kinh doanh tiền ảo Pincoin theo hình thức đa cấp. Họ cho rằng, ông Nguyên cùng một số người khác chiêu dụ họ đầu tư vào tiền ảo Pincoin rồi tự đánh sập sàn, để chiếm đoạt số tiền khủng.

Nếu mai này Pi Network ‘chặn’ IP từ Việt Nam?

Tạm gác lại vụ án tiền ảo Pincoin nói trên, với một vấn đề được đặt ra khi đang có cơn sốt ‘đào Pi’ trên điện thoại từ việc cài ứng dụng Pi Network. Khi tải ứng dụng này về điện thoại, có thể nói là việc đăng ký tài khoản Pi khá dễ dàng, chỉ cần dùng số điện thoại hoặc Facebook cá nhân để khai báo thông tin.

Từ tháng 2-2021, thời điểm đồng tiền ảo Bitcoin bùng nổ về giá, thì Pi coin cũng được rót vào tài khoản người dùng với mỗi giờ 0,1 Pi. Người chơi chỉ bị ràng buộc cứ mỗi 24 giờ đồng hồ vào ứng dụng Pi Network nhấn nút “điểm danh”. Để tăng tốc độ đào và hưởng lợi, người chơi chỉ cần mời thêm người khác vào mạng lưới.

Thắc mắc: Tiền ảo có thể được xem là tài sản được pháp luật bảo hộ về quyền sở hữu?

Diễn giải sơ lược, tiền ảo (virtual currency), tiền kỹ thuật số (digital currency), tiền mã hóa (cryptocurrency) là các khái niệm dễ gây nhầm lẫn.

Mặc dù không hoàn toàn thống nhất về cách gọi, nhưng dựa vào các khuyến nghị của Ngân hàng trung ương Châu Âu, Ngân hàng Thanh toán quốc tế và Tạp chí Bitcoin thì các loại tiền nêu trên có thể được phân loại một cách khái quát như sau (không đi sâu vào giải thích công nghệ blockchain tức khối chuỗi, nền tảng của tiền mã hóa): Tiền điện tử (electronic money) là danh từ chỉ chung tất cả các loại tiền tệ hoặc tài khoản không tồn tại dưới một hình thức vật lý bất kỳ.

Tiền kỹ thuật số (digital currency) là một tập con của tiền điện tử dùng để chỉ các loại tiền chỉ tồn tại dưới hình thức kỹ thuật số mà không được chấp nhận quy đổi một cách rộng rãi ra các đồng tiền vật lý khác.

Tiền ảo (virtual currency) được xem là tập con của tiền kỹ thuật số, khi nó được tạo ra với mục đích chủ yếu để chỉ thanh toán mua bán dịch vụ và hàng hóa.

Tiền mã hóa là một tập con của tiền điện tử, dùng để chỉ các loại tiền điện tử được tạo ra trên nền tảng mã hóa (cryptographic) nhằm bảo đảm tính xác thực của giao dịch với các đồng tiền này.

Có thể thấy, dưới góc độ kinh tế, tiền mã hóa có giá trị kinh tế, có thể giao dịch được.

Dù ở Việt Nam và đa số nước khác, tiền tệ chỉ do ngân hàng trung ương phát hành và được chính phủ bảo đảm làm phương tiện thanh toán, thì trên thế giới vẫn tồn tại những loại tiền do ngân hàng phát hành tư như đồng đô la Liberty ở Mỹ, đồng 1000 đô la Hồng Kông do Ngân hàng HSBC Hồng Kông phát hành.

Từ những luận điểm trên, có thể thấy tiền với tư cách là một loại tài sản có thể sở hữu tư, là một dạng vật quyền (jus in rem), nơi mà quyền của chủ sở hữu làm phát sinh nghĩa vụ tôn trọng quyền sở hữu với toàn thể mọi người trong xã hội đối với một tài sản dù cho đó (tiền) là tài sản phi vật thể.

Thừa nhận tiền mã hóa là tài sản là xu hướng chung trên thế giới. Điều này không chỉ phù hợp với các lý luận chung về tài sản và sở hữu, mà còn đáp ứng với thực tiễn phát triển của các đồng tiền mã hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung.

Pháp luật Việt Nam còn bỏ ngỏ ‘tiền mã hóa’

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, tài sản là “vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Như vậy, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có sự tách biệt rõ ràng giữa tiền với các tài sản khác.

Theo điều 1, Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, thì phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Quy định trên có nghĩa, Bitcoin hay Pi cũng như các loại tiền ảo khác không được coi là phương tiện thanh toán, việc cung ứng, phát hành và sử dụng các đồng tiền ảo là không hợp pháp và không được pháp luật công nhận.

Vì tiền ảo không được coi là một loại tài sản nên sau này giả dụ như ứng dụng Pi Network bị khóa với các IP từ Việt Nam, thì coi như những người chơi đành trắng tay mà không thể kiện cáo chi được hết.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)