Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tiền lương không phải là bản chất của năng suất lao động công chức, cán bộ nhà nước

Thạch Lam Trần (VNTB) Tăng lương cho đội ngũ công chức nhà nước và giảm tỉ lệ “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” không còn là câu chuyện mới mẻ, bởi nó là yếu tố phản ánh hiệu quả của cải cách hành chính (hiệu quả giải quyết công việc, các dịch vụ công), sự năng động của thể chế trong quá trình hội nhập và phát triển. 


Trong lần trả lời báo chí vào ngày 16/06, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội của Quốc Hội cũng đã thừa nhận tỉ lệ cán bộ “cắp ô” đang làm méo mó hình ảnh công vụ nhà nước, và rằng, tăng lương là yếu tố quan trọng “tức khắc sẽ tăng được NSLĐ.”

NSLĐ kém vì “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ”


Tuy nhiên, vấn đề lương không khiến cho NSLĐ tăng lên liền như ông Bùi Sĩ Lợi nhận định, bởi NSLĐ liên quan trực tiếp đến trách nhiệm công việc, trình độ được đào tạo và bố trí nhân sự theo đúng chuyên ngành. Những yếu tố này dường như thiếu đất sống với lối tuyển dụng và bố trí theo kiểu “biết điều” (quan biết, trọng bằng cấp chưa coi trọng thực học, thực tài) của không ít cơ quan nhà nước hiện nay, nhằm làm phù hợp với cơ chế xin cho và nếu rộng hơn là bố trí nhân sự phù hợp với lợi ích nhóm. 



Chính cái cách bố trí theo yêu cầu lợi ích đó, đã hình thành nên văn hóa lao động theo ngày công trong đội ngũ cán bộ, lối văn hóa mà trong đó đội ngũ công chức nhà nước chỉ thiên về “làm việc theo giờ” chứ không phải “làm việc theo việc” như nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan thừa nhận.


Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư, ông GS.TS Hoàng Chí Bảo cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, NSLĐ liên đới đến việc bố trí nguồn nhân lực không hợp lý, và chính điều này đã khiến gần 1/3 công chức hiện nay không làm được việc, không có chuyên môn, hoặc nếu có là đào tạo lại theo kiểu chắp vá, cầm tay chỉ việc.

Do đó, muốn thay đổi NSLĐ thì cần phải thay đổi ở cơ chế tuyển dụng và quản lý, điều này cũng là nhằm tránh cho vào khối nhà nước những nhóm công chức chỉ biết “làm việc theo hướng dẫn và đề xuất theo chỉ đạo” – hệ quả từ “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ.”
Trong phiên họp thứ 6, UBTVQH khóa XIII, ĐBQH Lê Như Tiến (Quảng Trị), cũng dẫn ra kết quả điều tra năng lực cán bộ, công chức nhà nước một số tỉnh phía nam thì có hơn “200 cán bộ ở cơ sở thuê người học hộ, thi hộ và khoảng 30% số cán bộ sau tuyển dụng làm được việc, 30% phải cầm tay chỉ việc, hơn 30% còn lại cầm tay chỉ việc vẫn không biết cách làm.”

Tiền lương không phải là bản chất của năng suất lao động công chức, cán bộ nhà nước chính là vì thế.

Tăng lương tránh tiếp tục “báo cô”

Lương bổng là một phần tạo ra hiệu suất lao động, nhưng nếu việc tăng lương mà không loại trừ được đội ngũ nhân lực kém chất lượng, nghĩa là tăng lương trước khi thải loại đội ngũ công chức kém hiệu quả Dự thảo tinh giản biên chế của Bộ Nội vụ đưa ra, cụ thể là 100.000 công chức trong vòng 6 năm từ 2014  đến 2020 thì không những không làm tăng NSLĐ, mà càng khiến cho số tiền ngân sách chi ra rơi vào trạng thái “nuôi báo cô.”

Lý do bởi, tiền lương chỉ có thể giúp tăng NSLĐ khi và chỉ khi số lượng tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động phản ánh đúng giá trị sức lao động đã hao phí trong những điều kiện xã hội nhất định trên cơ sở thoả thuận của hai bên trong hợp đồng lao động.

Do vậy, thay vì đổ lỗi cho tiền lương thấp làm cản trở động lực làm việc của cán bộ, công nhân viên, khiến NSLĐ trong khối nhà nước kém đi thì, trước mắt phải làm chặt khâu tuyển dụng và minh bạch trong bố trí nhân sự cán bộ theo đúng trình độ, đúng chuyên ngành và vị trí cần tuyển dụng, cũng như giám sát chặt chẽ thời gian làm việc tại cơ quan là một hướng đi để làm giảm đội ngũ cán bộ “cắp ô” và làm tăng chất lượng dịch vụ công. 
Còn về lâu dài, là cần phải thực hiện, thải loại đội ngũ “báo cô”, lúc này, tăng lương sẽ không còn ở dạng “chống trượt giá” nữa, mà sẽ đi vào thực chất hơn, tức là “tăng lương theo năng lực đóng góp của đội ngũ công chức, cán bộ,” – lúc đó, dù không muốn thì NSLĐ tức khắc sẽ tăng lên. 

Tin bài liên quan:

Nghịch lý Việt Nam: Thiếu lái xe cẩu, công chức quá đông

Phan Thanh Hung

VNTB – Đừng vội mừng khi Chính Phủ lại tăng lương dồn dập

Do Van Tien

VNTB – Người lao động Việt Nam đang khốn khổ hơn trước

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo