Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tiền sử bệnh tâm thần là tình tiết giảm nhẹ trong tố tụng hình sự?

Cát Tường

 

(VNTB) – Vì có tiền sử bệnh tâm thần nên được xem xét là tình tiết giảm nhẹ trong tố tụng hình sự?

 

Tiền sử tâm thần vẫn là ủy viên Bộ Chính trị?

Mấy ngày gần đây, sau khi có Kết luận điều tra về vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” của ông Nguyễn Đức Chung, và Cáo trạng của Viện kiểm sát để đưa vụ án ra xét xử sớm, một số báo đã trích dẫn cáo trạng của Viện kiểm sát để nói rằng ông Chung được xem xét tình tiết giảm nhẹ vì “có tiền sử bị bệnh tâm thần”.

Tuy nhiên theo luật sư của ông Nguyễn Đức Chung, thì trong kết luận điều tra, và cả cáo trạng của Viện kiểm sát không có dòng nào nói về “ông Chung có tiền sử bệnh tâm thần!”, mà chỉ có dòng “có tiền sử bệnh ung thư”…

Thắc mắc: liệu yếu tố “tiền sử bệnh tâm thần” có là tình tiết giảm nhẹ trong tố tụng hình sự?

Trả lời nhanh: pháp luật về tố tụng ‘chưa có’ quy định về tình tiết “tiền sử tâm thần” là yếu tố giảm nhẹ khi buộc tội.

Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, mắc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Để xác định chính xác người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có mắc bệnh tâm thần hay không, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 yêu cầu đây là một trong những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định (tại khoản 1 Điều 206).

Nếu kết quả giám định cho thấy người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần thì Viện Kiểm sát, hoặc Tòa án căn cứ vào kết quả này đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh, mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi mình đã thực hiện.

Không phải trong mọi trường hợp người bị bệnh tâm thần đều không phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo tinh thần của Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015, người bị bệnh tâm thần chỉ được miễn trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh. Đồng thời, tình trạng bệnh ở mức làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi.

Còn nếu người đó thực hiện hành vi phạm tội trong trạng thái hoàn toàn bình thường, mà trước khi bị kết án mới lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức, hoặc điều khiển hành vi thì có thể vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự (theo khoản 2 Điều 49 Bộ luật Hình sự 2015).

Trong trường hợp này, Tòa án sẽ căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần để ra quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi người đó khỏi bệnh thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Từ những quy định kể trên, giả dụ như đúng là ông Nguyễn Đức Chung có “tiền sử tâm thần” chăng nữa, thì đây không có yếu tố giảm nhẹ, mà ông vẫn chịu trách nhiệm hình sự bình thường vì suốt thời gian được cho là “gây án”, ông Nguyễn Đức Chung không “phát bệnh trở lại”.

 

Ông Nguyễn Đức Chung đang có ‘lợi thế’ gì để có thể ‘miễn truy cứu’?

Nếu ông Nguyễn Đức Chung “có tiền sử bệnh ung thư”, và hiện nay vì căn bệnh này vẫn là nan y – tức ‘bệnh hiểm nghèo’, ông Chung vẫn đang buộc phải theo phác đồ chữa trị thích hợp, thì pháp luật hình sự xem xét đây là “yếu tố giảm nhẹ”.

Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm một trường hợp quy định về biện pháp miễn trách nhiệm hình sự, đó là trường hợp: “Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa”.

Như vậy,để xem xét được miễn theo trường hợp này, người phạm tội phải thoả mãn hai yếu tố cơ bản: (1) mắc bệnh hiểm nghèo, và (2) tình trạng bệnh hiểm nghèo dẫn tới bản thân họ không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội.

Các loại bệnh hiểm nghèo được xem xét miễn trách nhiệm hình sự, tuy vẫn chưa được các văn bản hướng dẫn Bộ luật Hình sự quy định cụ thể, song trong một số văn bản pháp luật khác đã có những quy định về vấn đề này như sau:

Theo định nghĩa tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 02/2014/NĐ-CP: “Người mắc bệnh hiểm nghèo là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong hủi, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS hoặc bệnh hiểm nghèo khác theo quy định của Bộ Y tế”.

Ngoài ra, còn có Danh mục các loại bệnh hiểm nghèo ban hành kèm theo Côngvăn số 6383/BTC-TCT có liệt kê 42 loại bệnh, bao gồm: “1. Ung thư; 2. Nhồi máu cơ tim lần đầu; 3. Phẫu thuật động mạch vành; 4. Phẫu thuật thay van tim; 5. Phẫu thuật động mạch chủ; 6. Đột quỵ; 7. Hôn mê; 8. Bệnh xơ cứng rải rác; 9. Bệnh xơ cứng cột bên teo cơ;

10. Bệnh Parkinson; 11. Viêm màng não do vi khuẩn; 12. Viêm não nặng; 13. U não lành tính; 14. Loạn dưỡng cơ; 15. Bại hành tủy tiến triển; 16. Teo cơ tiến triển; 17. Viêm đa khớp dạng thấp nặng; 18. Hoại thư do nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết; 19. Thiếu máu bất sản; 20. Liệt hai chi; 21. Mù hai mắt; 22. Mất hai chi; 23. Mất thính lực; 24. Mất khả năng phát âm; 25. Thương tật toàn bộ và vĩnh viễn; 26. Suy thận; 27. Bệnh nang tủy thận; 28. Viêm tụy mãn tính tái phát; 29. Suy gan;

30. Bệnh Lupus ban đỏ; 31. Ghép cơ quan (ghép tim, ghép gan, ghép thận); 32. Bệnh lao phổi tiến triển; 33. Bỏng nặng; 34. Bệnh cơ tim; 35. Bệnh Alzheimer hay sa sút trí tuệ; 36. Tăng áp lực động mạch phổi; 37. Bệnh rối loạn dẫn truyền thần kinh vận động; 38. Chấn thương sọ não nặng; 39. Bệnh chân voi; 40. Nhiễm HIV do nghề nghiệp; 41. Ghép tủy, 42. Bại liệt”.

Những loại bệnh được đề cập trên đây đều là những căn bệnh nguy hiểm, có phương thức chữa trị phức tạp hoặc không có phương pháp điều trị.

Việc xác định tình trạng bệnh hiểm nghèo thông thường phải dựa trên kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên theo quy định tại điểm a khoản 2.1 Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt: “Mắc bệnh hiểm nghèo là trường hợp theo kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên thì người bị kết án đang bị những căn bệnh nguy hiểm đến tính mạnh, khó có phương thức chữa trị”.

Tin bài liên quan:

VNTB – Lao động nữ cảm thấy đang thất vọng về bảo hiểm xã hội

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Từ ‘ký không dấu Nguyễn Đức Chung’, soi lại Hiệp định Paris

Phan Thanh Hung

VNTB – Điều luật hình sự 331 được đưa vào trường học: gieo rắc nỗi sợ hãi

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo