Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tiền và thật nhiều tiền để mua án

Hương Giang

(VNTB) –  Khoan hồng đối với những người đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng là hết sức cần thiết, thể hiện chính sách nhân văn, nhân đạo của Nhà nước. 

 

Tại thời điểm này, vì nhiều yếu tố nội tại của quốc gia, Việt Nam chưa thể loại bỏ hoàn toàn chế tài về hình phạt tử hình ra khỏi luật hình sự.

Hồi cuối năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã có văn bản gửi đoàn đại biểu Quốc hội trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV liên quan đến việc đề nghị nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trong đó, cử tri tỉnh Hải Dương đề nghị tăng chế tài xử phạt cao nhất lên tử hình với tội phạm về tham nhũng kinh tế lớn làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

Với nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã dành Chương XXIII quy định các tội phạm về chức vụ gồm 15 điều, từ Điều 352 đến Điều 366. Các điều luật của chương này được chia thành hai mục, trong đó mục 1 quy định các tội phạm tham nhũng, mục 2 quy định các tội phạm khác về chức vụ và 1 điều về khái niệm tội phạm chức vụ.

Trong đó, có hai điều luật về tội tham ô tài sản (Điều 353) và tội nhận hối lộ (Điều 354) quy định mức hình phạt cao nhất là tử hình. Cụ thể, khoản 4 Điều 353 quy định người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý giá trị 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên.

Khoản 4 Điều 354 quy định người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người, tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ mà của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên.

“Như vậy, Bộ luật Hình sự đã có quy định về việc áp dụng hình phạt tử hình đối với trường hợp tham ô, nhận hối lộ với giá trị tài sản 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên”, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết.

Một ý kiến khác cho rằng nội dung trên là mang tính hình thức, không có giá trị răn đe, vì điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự quy định không thi hành án với người bị kết án nếu thuộc trường hợp: Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Cử tri cho rằng việc quy định này là chưa hợp lý và sẽ tạo “lỗ hổng” trong công tác phòng, chống tham nhũng, khiến hành vi tham nhũng sẽ tinh vi hơn, nhiều thủ đoạn hơn và mức tham nhũng sẽ cao hơn. Ngoài ra đưa đến ngờ vực có thể dùng tiền để mua một bản án nào đó. Từ nhận định trên, cử tri kiến nghị Bộ Tư pháp trình Quốc hội xem xét, sửa đổi quy định này.

Trả lời cử tri, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng quy định trên để thể chế hóa chủ trương hạn chế hình phạt tử hình đã được khẳng định tại Nghị quyết 49 năm 2005 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đến năm 2020. Đồng thời, thực hiện chủ trương thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có.

Do vậy, điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung quy định nêu trên.

Theo Bộ trưởng, quy định này nhằm góp phần hạn chế hình phát tử hình trên thực tế và tăng cường hiệu quả thu hồi tài sản do tham nhũng mà có. Cạnh đó, quy định này chỉ được áp dụng với trường hợp đã có bản án tuyên hình phạt tử hình và khi có đủ các điều kiện bao gồm:

Chủ động nộp ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ; hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Trường hợp thiếu điều kiện thứ hai, người bị kết án dù đã nộp đủ 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ vẫn phải thi hành án.

Một quan chức Thanh tra Chính phủ đưa ra lập luận rằng việc nộp phạt đủ số tiền tương ứng với số tiền tham nhũng, thất thoát để miễn trách nhiệm hình sự có thể dẫn đến kiệt quệ kinh tế của bản thân và gia đình nên người có chức vụ, quyền hạn sẽ không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng.

Do đó, việc áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội tham nhũng nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng là hết sức cần thiết, thể hiện chính sách nhân văn, nhân đạo của Nhà nước. Qua đó góp phần thu hồi tối đa tài sản tham nhũng cho Nhà nước, hạn chế thấp nhất tình trạng thất thoát tài sản do tham nhũng mà có. Đồng thời, với quy định hiện hành đã thể hiện sự nghiêm minh, đảm bảo tính răn đe, giáo dục và ngăn ngừa đối với tội phạm tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.

Ghi nhận trên thực tế từ vụ cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận va-ly 3 triệu đô la, đến cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận 2,25 triệu Mỹ kim cho thấy điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 thực chất chỉ mang ý nghĩa của căn cứ pháp lý cho chuyện ‘mua án’ mà thôi.


Tin bài liên quan:

VNTB – Hãy ‘đuổi cổ’ Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long

Phan Thanh Hung

VNTB – Thư giãn cuối tuần: Câu chuyện học đường

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Hành trình minh oan cho tử tù Hàn Đức Long vẫn chưa có hồi kết

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo