Hiền Lương
(VNTB) – Một nguồn tin cho biết vừa thành lập ngay trong mùa dịch Covid-19 này, liên quan vấn đề quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm, tổ công tác gồm 8 thành viên do ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương làm Tổ trưởng.
Tổ có nhiệm vụ chuẩn bị nội dung, chương trình tổ chức đối thoại, ghi biên bản buổi đối thoại với người dân bị thiệt hại từ dự án quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Sau cuộc đối thoại, tổ công tác đó sẽ tham mưu với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ để trả lời với người dân khi có yêu cầu liên quan về Thủ Thiêm. Có nghĩa là cả 8 thành viên sẽ gặp gỡ để nghe người dân nói lại về một câu chuyện xưa lắc, trong suốt hơn hai mươi năm qua.
Liên quan đến bản quy hoạch này ở cấp cao nhất của chính phủ có cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, cố thủ tướng Phan Văn Khải và cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Những cựu quan chức được cho là ‘người trong cuộc’ ở TP.HCM đều còn sống.
Khi ‘vương triều Lê Thanh Hải’ lung lay, vụ Thủ Thiêm bắt đầu được báo chí quay trở lại. Một bài báo đã kể rằng Thủ Thiêm như “vừa trải qua một trận ném bom thời chiến” – ông Võ Viết Thanh, cựu chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ đầu tiên (1997-2001) nhận xét như vậy.
Ông Võ Viết Thanh kể từ khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm năm 1996, thì thực tiễn có phần nghiệt ngã hơn. Bom đạn có thể giật sập nhà cửa nhưng đất đai không bị truất hữu. Tức là trên cái nền đổ nát, dân vẫn có thể dựng tạm nóc lều che mưa che nắng. Nhưng những gì đã diễn ra khiến hàng trăm gia đình phải ly tán. Thủ Thiêm là một tình huống điển hình về sự tùy tiện của chính quyền địa phương trong quá trình đô thị hóa, thực thi công vụ trái pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng trên diện rộng và lâu dài.
Thực tế, người dân Thủ Thiêm từng có cơ hội chấm dứt kiếp nạn cách nay hơn 10 năm. Một tài liệu công bố của Thanh tra Chính phủ cho biết ngày 22/9/2008, UBND TP.HCM ban hành văn bản số 549/UBND-PCNC-M gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất không phải lập phương án tổng thể và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại văn bản số 977/VPCP-KNTN ngày 3/10/2008.
Không phải UBND TP.HCM không biết đã làm trái quy định pháp luật. Nhưng thay vì cầu thị sửa sai, pháp nhân công quyền này lại tìm cách “hợp thức hóa” bằng văn bản đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Luật Tổ chức Chính phủ 2001 quy định quyền hạn và trách nhiệm của Thủ tướng về đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ “… quyết định, chỉ thị của UBND và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và các văn bản của các cơ quan Nhà nước cấp trên”. Ở chiều ngược lại, Thủ tướng không có thẩm quyền cho phép chủ tịch, UBND cấp tỉnh, thành phố làm trái luật.
Hồ sơ vụ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm cho thấy Luật Đất đai bị vô hiệu hóa không chỉ bởi bàn tay của chính quyền địa phương, mà còn có trách nhiệm tiếp tay từ chính quyền trung ương. Nếu Chính phủ thời điểm đó thực hiện tròn vai người kiểm soát, buộc hệ thống chính quyền địa phương tuân thủ pháp luật, tấn bi kịch Thủ Thiêm biết đâu đã dừng lại từ 2008, với cả dân lẫn chính quyền.
Ông Phạm Duy Nghĩa, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, từng bình luận: “Những vướng mắc của người dân để quá lâu không được giải quyết sẽ thách thức tính chính danh của chính quyền, làm nghiêng ngả niềm tin của người dân đối với các chính sách, xói mòn vốn xã hội hay niềm tin của người dân vào chính quyền. Đây là nguy cơ rất lớn, được nhìn nhận trong vài năm gần đây và trong bối cảnh đó, vụ việc được xem xét lại…”.
Xem xét lại rồi sao nữa, chưa ai có thể đưa ra được đâu là ánh sáng cuối đường hầm khi mà vẫn nhiều phiên bản Thủ Thiêm trên toàn quốc, vì những định chế sẵn có như tòa hành chính không đủ thẩm quyền, chuyên môn, sự độc lập để giải quyết những xung đột như Thủ Thiêm trước đây, như Lộc Hưng hôm nay vốn bị tác động bởi lợi ích kinh tế đan xen quyền lực chính trị.