Thới Bình
(VNTB) – Chưa thấy ai vay nặng lãi để đi học cả
Chiều 14.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố. Báo cáo tại hội nghị cho biết, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 và 3 năm thực hiện Kết luận 06 của Ban Bí thư, các tổ chức tín dụng liên quan đã huy động được 238.338 tỉ đồng tín dụng chính sách xã hội.
Lũy kế đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 373.010 tỉ đồng, tăng gấp 2,8 lần so với trước khi thực hiện chỉ thị, bình quân tăng trưởng nguồn vốn hằng năm đạt 10,8%.
Với nguồn lực lớn được huy động, tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ cho trên 21 triệu lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn với tổng doanh số cho vay đạt 733.152 tỉ đồng, đáp ứng mục tiêu mở rộng đối tượng, nâng mức cho vay, góp phần mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân.
Đồng thời, góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi, giúp đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn xã hội; góp phần thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển xã hội, trong đó nổi bật là giảm tỉ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011 – 2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016 – 2021 từ 9,88% xuống 2,23%, đến cuối năm 2023 còn 2,93% (theo chuẩn nghèo đa chiều).
“Tín dụng chính sách xã hội giúp đỡ hộ nghèo, giúp đỡ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang theo học đại học, cao đẳng thì tôi công nhận chính xác. Ngay cả bản thân tôi cũng từng nhờ vào những quỹ đó thời gian đầu học đại học. Nhưng góp phần ngăn chặn tệ nạn vay nặng lãi thì cần xem xét lại.
Tôi không biết những người khác thế nào. Chứ xung quanh tôi, với những mối quan hệ, với những người tôi quen biết, tôi chưa thấy ai vay nặng lãi để đi học cả. Bởi, người đi vay cũng dư biết cái giá phải trả là như thế nào mà. Đơn cử một trường hợp, vay tối thiểu 10 triệu, tháng sau mà không trả thì cái lãi sẽ được nhân ba. Ngược lại, vay nặng lãi để xoay tiền gấp, trả nợ cho các tín dụng thì tôi đã bắt gặp nhiều rồi. Cho nên, theo tôi, góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi là chưa đúng. Mà là góp phần hạn chế cho vay nặng lãi thì còn nghe được”, cựu sinh viên Trường chia sẻ.
Trong một diễn biến tương tự, và phạm vi cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam thì đối tượng vay gồm:
– Hộ nghèo.
– Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và học nghề.
– Các đối tượng cần vay vốn để giải quyết việc làm theo Nghị quyết 120/HĐBT ngày 11/4/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).
– Các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.
– Các tổ chức kinh tế và hộ sản xuất, kinh doanh thuộc hải đảo; thuộc khu vực II, III miền núi và thuộc Chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa (sau đây gọi là Chương trình 135).
– Các đối tượng khác khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Và điều kiện để được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội là:
– Người vay là hộ nghèo phải có địa chỉ cư trú hợp pháp và phải có trong danh sách hộ nghèo được Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định theo chuẩn nghèo do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố, được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, lập thành danh sách có xác nhận của ủy ban nhân dân cấp xã.
– Người vay là các đối tượng chính sách khác thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước và các quy định trong Nghị định của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
“Nếu vậy thì những hộ nằm trong khu vực mà địa phương tuyên bố hết hộ nghèo và hộ cận nghèo như Bình Dương thì người dân sẽ khó lòng vay tiền tiền tín dụng chính sách xã hội? Dù trên thực tế, vẫn còn một số hộ ở Bình Dương, cho con đi học đại học, là cả một vấn đề”.