Mai Lan
(VNTB) – Người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu mà yêu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần, thì chỉ được rút phần mình đóng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội là 8% thay vì nhận 22% như quy định hiện nay.
Gần 209.000 lao động chọn rút bảo hiểm xã hội một lần trong ba tháng đầu năm nay, theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; trong đó, riêng TP.HCM có hơn 37.000 người nộp hồ sơ nhận trợ cấp một lần, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ. Lao động chọn rút bảo hiểm một lần nhiều nhất ở thành phố Thủ Đức, Quận 12, Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh…
Vì sao chỉ là 8%?
Theo cơ quan soạn thảo, sở dĩ đưa ra phương án người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu mà yêu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì chỉ được rút phần mình đóng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội là 8% thay vì nhận 22% như quy định hiện nay, vì ở đây còn có phần của người sử dụng lao động đóng chiếm 14% sẽ để lại quỹ, và sử dụng theo nguyên tắc chia sẻ.
Lý giải cho đề xuất chỉ cho người lao động rút 8% bảo hiểm xã hội một lần, phía lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết đây là thông lệ quốc tế, vì bảo hiểm các nước không cho phép rút bảo hiểm xã hội một lần nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân khi hết tuổi lao động.
Bên cạnh đó, phần chủ sử dụng lao động đóng vào quỹ được kết cấu vào giá thành sản phẩm và dịch vụ. Do vậy, khi được xã hội tiêu thụ sản phẩm dịch vụ đó nghĩa là xã hội đóng phần này và chủ sử dụng lao động chỉ là người đóng thay. Như vậy, phần chủ sử dụng đóng thay sẽ tạm giữ lại đến khi người lao động hết tuổi lao động thì sẽ được hưởng.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương – cựu Viện trưởng Viện Khoa học – Lao động và Xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nêu ví dụ trường hợp đóng 10 năm, người lao động có quyền rút, hoặc 10 năm được hưởng hưu trí tối thiểu. Nếu người lao động tham gia được 7 năm thì nhà nước giữ số tiền 3 năm. Nếu cần, người lao động chỉ được rút phần họ đã đóng.
“Doanh nghiệp tham gia đóng 14% vào quỹ bảo hiểm xã hội thể hiện trách nhiệm xã hội, chia sẻ rủi ro. Lúc còn trẻ, người lao động chưa đối mặt rủi ro như sức khỏe suy giảm, không có thu nhập thì chưa thể chia sẻ…” – bà Lan Hương lập luận.
Tiền nào cũng là của người lao động
Những ý kiến tiếp sau đây cho thấy trong bối cảnh thực tế Việt Nam, một quốc gia theo đuổi nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì mọi so sánh về các chính sách, quyết sách với những quốc gia có sự cạnh tranh trong quản trị giữa các đảng phái chính trị, tất cả đều không cùng đại lượng để biện minh là “thế giới cũng vậy” (!?).
“Chúng tôi cần biết việc giữ lại 14% để làm gì? Liệu sau này về hưu có chi trả cho người lao động hay không? Bởi tiền đó là mồ hôi công sức của người lao động” – “Người sử dụng lao động đóng 14% là từ lợi nhuận để đóng cho công nhân. Người lao động như chúng tôi có ai muốn rút bảo hiểm một lần bao giờ. Do cuộc sống nhiều khó khăn, biến cố khiến chúng tôi phải rút bảo hiểm xã hội một lần” – “Tiền nào cũng là tiền của người lao động. Nếu cơ quan quản lý không có giải pháp làm tăng quyền lợi cho người lao động thì đừng cắt đi”;
“Không thể lý giải 14% của doanh nghiệp đóng, không phải người lao động đóng nên giữ lại. Chúng ta phải hiểu như thế này: Công ty dự toán cho vị trí A là 10 triệu đồng, nghĩa là tất cả mọi chi phí liên quan đến lương cho vị trí đó là 10 triệu.
Nếu không phải đóng khoản bảo hiểm nào, doanh nghiệp sẽ trả đủ cho người lao động số tiền trên. Nhưng vì đóng bảo hiểm bắt buộc theo quy định nên họ sẽ chỉ trả cho người lao động khoảng 8 triệu đồng, phần còn lại sẽ đóng vào bảo hiểm. Như vậy, tiền trong quỹ bảo hiểm xã hội cũng là của người lao động. Đây là công sức lao động của họ, không phải ‘trên trời rơi xuống’ mà phải chia hay sẻ”;
“Mọi khó khăn cứ dồn về người lao động. Rõ ràng bảo hiểm xã hội đang không làm tốt vai trò của mình và người lao động cảm thấy thiệt thòi nên không muốn tham gia, hoặc là rút 1 lần. Thay vì điều chỉnh chính sách cho hợp lý để người lao động thấy có lợi, thì những lần điều chỉnh chính sách của bảo hiểm xã hội đều làm người lao động thiệt hơn.
Nói ‘thông lệ quốc tế’ mà không nói của nước nào, vùng nào, và có phải là chính sách của nước đó trên toàn thế giới là có lợi cho an sinh xã hội nhất, hay có lợi cho bảo hiểm nhất!”.
Đấu tranh giai cấp theo định hướng xã hội chủ nghĩa?
Nếu nhìn đề xuất trên dưới giác độ chính trị, cho thấy phía cơ quan soạn thảo dường như đang có ý định tạo nên một cuộc đấu tranh giai cấp theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bởi về lý luận kinh tế chính trị học thì giá cả là chi phí lao động xã hội trung bình của tất cả các doanh nghiệp cùng sản xuất ra một loại hàng hóa nào đó. Mọi doanh nghiệp đều bán hàng theo cái mặt bằng giá chung đó, bất kể giá thành là bao nhiêu.
Như thế dù doanh nghiệp có đóng bảo hiểm xã hội hay không thì việc đó có ảnh hưởng tới giá thành, nhưng không ảnh hưởng tới giá cả là cái giá mà người tiêu dùng phải trả cho món hàng đó.
Việc đóng bảo hiểm xã hội, hay tăng lương cho người lao động… không ảnh hưởng tới giá cả nói chung, mà chỉ ảnh hưởng tới lợi nhuận của chủ doanh nghiệp. Như Marx nhiều lần chỉ ra, những khoản trả cho người lao động như tiền công, bảo hiểm xã hội… thực chất chỉ là phần chia cho người lao động từ khoản giá trị mới do lao động của người lao động tạo ra; phần còn lại chính là giá trị thặng dư cho chủ doanh nghiệp.
Bảo hiểm xã hội chính là một thành quả của cuộc đấu tranh giai cấp giữa giai cấp công nhân và tư bản. Như vậy phần mà doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội chính là tiền của doanh nghiệp giảm bớt lợi nhuận, chứ chẳng phải tiền của người tiêu dùng hay xã hội nào đóng vào đây. Chính điều đó cho thấy đề xuất việc giữ lại khoản đó là hoàn toàn vô lý.
Một vấn đề khác, nếu nói là “thông lệ quốc tế”, vậy hỏi tổ chức Bảo hiểm xã hội Việt Nam, rằng lương người lao động Việt Nam có đảm bảo thực hiện theo thông lệ quốc tế không? Hay lương của người lao động Việt Nam thấp thua xa với quốc tế.
Người lao động đóng góp công sức cho người sử dụng lao động, họ có trách nhiệm đóng 14% bảo hiểm xã hội do công sức của người lao động làm ra lợi nhuận cho họ, đó là thành quả của mỗi người lao động cụ thể.
Giờ Bảo hiểm xã hội Việt Nam – một cơ quan thuộc Chính phủ, lại bảo phải “chia sẻ”. Vậy chia sẻ cho ai? Vì sao phải chia sẻ quyền lợi của chính mình cho một đối tượng “trừu tượng” nào đó, trong khi mình nghèo túng mới phải rút tiền một lần. Người lao động đã khổ rồi sao các quan chức Chính phủ cứ lại chăm chăm dòm ngó đến những đồng tiền cuối cùng của họ?