VNTB – Vì sao Việt Nam chưa có nền giáo dục miễn phí?

VNTB – Vì sao Việt Nam chưa có nền giáo dục miễn phí?

Mai Lan

 

(VNTB) – Miền Nam trước tháng tư 1975, và Việt Nam dưới thời bao cấp sau tháng tư 1975, học trò trường công lập đi học không phải đóng học phí. Sách giáo khoa cũng được cho mượn, không tốn tiền mua.

 

Vì không phải lo chạy tiền học cho con cái, đã vậy lương công chức, quân đội thời trước 1975 ở miền Nam có thêm phần phụ cấp tính theo số lượng đứa con, nên người ta không lo ngại chuyện sanh đẻ, vì đẻ trong nhà thương thí cũng không tốn đồng bạc nào.

Sau tháng tư, 1975, học trò cũng được đi học miễn phí tới năm 1986. Những niên khóa sau đó thì với lý do xóa bỏ bao cấp, nên học trò cứ đi học là phải đóng tiền theo tháng. Dần về sau còn có thêm các khoản thu gọi là cơ sở vật chất, quỹ phụ huynh học sinh, tiền phục vụ bán trú, tiền bảo hiểm y tế, tiền đồng phục…

Khoảng 30 năm trở lại đây, cứ mỗi khi tháng chín về là gia đình nào cũng xấp mặt lo chạy tiền để đóng các khoản học phí có tên lẫn không tên, và còn cả tiền mua sách giáo khoa. Nếu gia đình nào ‘mắn đẻ’ có chừng 3 đứa con đang độ tuổi học trò, và tất cả đều được may mắn vào trường công lập ở đô thị lớn như Sài Gòn, thì số tiền phải đóng ở ban đầu này, ‘bèo’ lắm cũng ngoài chục triệu. Số tiền đó lớn lắm, vì có thể là lấy nguyên cả tháng lương của hai vợ chồng cùng đang làm việc.

Có 7 khoản tiền sau đây mà Ban đại diện cha mẹ học sinh ở năm nào cũng ráng ‘năn nỉ’ các phụ huynh đóng đủ: Bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường; Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Dĩ nhiên số tiền tổng cho 7 khoản nói trên sẽ ít – nhiều tùy vào quy mô, ‘thương hiệu’ của trường học công lập đó.

Dông dài câu chuyện cũ rích ở trên để thấy rằng lúc đặt bút ký Quyết định 588/QĐ-TTg (*), trong đó có nội dung khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi, sớm sinh con, sinh đủ 2 con được giảm thuế, ưu tiên mua nhà xã hội…, thì ngài thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quên mất đến túi tiền của đại đa số người lao động.

Đó là chưa kể trong danh sách 21 tỉnh, thành phố mà ngài thủ tướng yêu cầu phải đẩy mạnh vụ sanh đẻ, kết hôn trước 30 tuổi, có Sài Gòn, nơi mà chuyện những cặp vợ chồng trẻ muốn ‘ra riêng’ là vô cùng nan giải, vì bất động sản nơi đây nổi tiếng đắt đỏ nhất nước. Mà một khi chưa ‘an cư’ thì ‘lạc nghiệp’ vẫn là mộng mơ; và trong hoàn cảnh như vậy mà càng ‘ham đẻ’, thì không còn đất để mà cạp nữa luôn, chứ nói chi tới việc cho con cái ăn học tử tế.

 

_______________

Chú thích:

(*) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/van-hoa-xa-hoi/Quyet-dinh-588-QD-TTg-2020-Chuong-trinh-dieu-chinh-muc-sinh-phu-hop-cac-vung-doi-tuong-441265.aspx

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)