VNTB- Tình trạng tiến thoái lưỡng nan của châu Á: Bơ của Trung Quốc, hay súng của Mỹ?

Rodger Baker, Forbes, ngày 04/4/2017

(Bản dịch của Vũ Quốc Ngữ)

(VNTB) – Cuộc thảo luận bây giờ là về các lựa chọn. Dường như hầu hết các nước trong khu vực không đơn giản chấp nhận rằng Trung Quốc sẽ là một bá quyền khu vực.



Khi bay vào sân bay Changi của Singapore, du khách sẽ thấy choáng ngợp bởi đội tàu chở đang đậu hàng dọc theo bờ, những con tàu thương mại toàn cầu đã vượt qua eo biển Malacca chật hẹp để tới đây. Singapore là trung tâm, mối liên kết giữa Ấn Độ Dương, Biển Đông và Thái Bình Dương. Kể từ cuối những năm 1970, thương mại đã chiếm khoảng 300% tổng sản phẩm quốc nội của Singapore, với xuất khẩu chiếm từ 150 đến 230% GDP. Singapore là sản phẩm của thương mại toàn cầu, và nhà nước-thành phố đa sắc tộc đang phát triển có thể nhìn lại vai trò thương mại của nó trong những thế kỷ trước.
Đi đến Singapore từ Auckland, sự tương phản thật ấn tượng. Không phải là New Zealand không được tích hợp chặt chẽ vào các mạng lưới thương mại toàn cầu – khoảng 50% GDP của nước này dựa vào thương mại, và kể từ những ngày đầu khi còn là thuộc địa của Anh, nó phụ thuộc rất nhiều vào các đối tác thương mại xa xôi. Tuy nhiên, trong khi Singapore nằm ở vị trí trung tâm các luồng thương mại, New Zealand nằm ở vị trí xa giữa biển khơi.
Với tầm quan trọng của thương mại với hai nước, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi cả New Zealand và Singapore đều là một phần của các nước P3 (cùng với Chile) đã khởi xướng cuộc đàm phán thương mại ở Thái Bình Dương năm 2002 mà ba năm sau đó trở thành phiên bản đầu tiên của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), thêm Brunei trở thành nước khởi xướng thứ tư. Chỉ một thập kỷ trước đó, vào những năm 90, thương mại xuyên Thái Bình Dương đã vượt quá thương mại xuyên Đại Tây Dương, đánh dấu một sự thay đổi trong các mô hình toàn cầu được thiết lập trong nhiều thế kỷ. Thương mại là huyết mạch của châu Á-Thái Bình Dương, và thậm chí với sự phát triển của chủ nghĩa quốc gia, thế giới toàn cầu hóa vẫn được xem là mang lại lợi ích lớn hơn rủi ro ở đây. Trong khi chủ nghĩa thực dân bị coi là bóc lột, chủ nghĩa toàn cầu được coi là cơ hội cho sự tăng trưởng và sức mạnh quốc gia.
Điều thú vị là chủ đề “đông phương hóa” của hệ thống toàn cầu – sự khẳng định rằng Trung Quốc sẽ chiếm lấy vai trò lãnh đạo của một nước Mỹ đang lúng túng – gần như không được tuyên bố trong khu vực như phương Tây vẫn nói. Đối với Singapore và New Zealand, người ta có thể cho rằng di sản Anh và lịch sử có thể đóng một vai trò nào đó, nhưng các cuộc thảo luận với các nhà kinh doanh và các nhà hoạch định chính sách từ các nước trong khu vực dường như ít tập trung vào cái gọi là Thế kỷ Châu Á hơn là đảm bảo rằng các hiệp định thương mại đa phương toàn cầu vẫn là tiêu chuẩn. Châu Á có thể hoạt động thương mại chủ yếu ở châu Á, nhưng điều đó không có nghĩa là nó muốn bị cô lập khỏi phần còn lại của thế giới. Và bên cạnh sự vượt trội của một số ngành ở Trung Quốc (có lẽ gợi nhớ lại những ý tưởng tương tự đã được thực hiện ở Nhật Bản vào những năm 1980 và đầu những năm 1990), rất ít người mong đợi rằng châu Á sẵn sàng đi tiên phong, ngoại trừ việc thúc đẩy thương mại mở.
Tăng trưởng ở Châu Á – Thái Bình Dương
Có lẽ chủ đề phổ biến nhất mà tôi gặp phải trong các cuộc thảo luận ở New Zealand và Singapore, và với các cá nhân từ khắp khu vực, là tương lai của môi trường thương mại toàn cầu – cụ thể là các tác động của một cuộc chiến tranh thương mại tiềm năng (hoặc thậm chí là một cuộc xô sát nhỏ) giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Giống như nhiều quốc gia ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, cả Singapore và New Zealand đều đã thích nghi với hiện trạng khu vực hậu Chiến tranh Lạnh, với Trung Quốc đóng vai trò trung tâm kinh tế còn Hoa Kỳ đóng vai trò trung tâm an ninh của khu vực. Nhưng với Brexit đang diễn ra, TPP đã không trở thành hiện thực, Hoa Kỳ muốn thực hiện chính sách thương mại bảo hộ hơn là toàn cầu hoá, và Trung Quốc mở rộng hoạt động quân sự của mình trong khu vực, thì ngày càng có nhiều nỗi lo sợ rằng sự cân bằng không chính thức này sẽ không còn bền vững nữa.
Sự lo ngại này đặc biệt rõ ràng trong số các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Mười quốc gia này ở Đông Nam Á (gần như đều từng là thuộc địa) đã cố gắng tăng cường sức mạnh thông qua hợp tác và đàm phán chia sẻ. Gần một phần tư thương mại của ASEAN nằm trong khối, 19% với Trung Quốc và Hồng Kông. Nhìn chung, châu Á và Tây Thái Bình Dương chiếm hơn 66% tổng thương mại của ASEAN. Chỉ 10% là với Liên minh châu Âu và 9,4% với Hoa Kỳ. Trong khi kinh tế mang tính khu vực, an ninh trông đợi ở nước ngoài. Hai thành viên ASEAN, Thái Lan và Philippines, là các đối tác hiệp ước chính thức với Hoa Kỳ, và một số nước khác đã thiết lập hoặc phát triển quan hệ quốc phòng. Rất ít phàn nàn thực sự từ các quốc gia ASEAN (hoặc từ các nước bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand) về vai trò không chính thức của Hoa Kỳ như là người bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực. Nhưng hiện có những thách thức ngày càng tăng với việc mở rộng hoạt động quân sự của Trung Quốc và ý định của nước này trong việc gia tăng vai trò bá quyền của nó trong chính trị khu vực.
Chừng nào Trung Quốc còn được coi là một đối tác thương mại có lợi và là một nguồn đầu tư, nhưng vô hại đối với chính trị hoặc an ninh khu vực, cách tiếp cận nhị nguyên đối với Washington và Bắc Kinh được coi là không chỉ chấp nhận được, mà còn là lựa chọn tốt. Sự cân bằng kinh tế của Trung Quốc đã cân bằng sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ và ngược lại. Một sự cạnh tranh nhỏ giữa Bắc Kinh và Washington ở khu vực có thể được khai thác vì lợi ích của ASEAN, và thậm chí cả Hàn Quốc, Australia và New Zealand – các đối tác thân cận của Hoa Kỳ – đã thấy được thành công của hệ thống. Trung Quốc có thể tăng cường các chương trình ưu đãi đầu tư hoặc tiếp cận thương mại, Washington sẽ phản ứng với việc đưa ra nhiều thương mại hơn và giữ các tham vọng khu vực của Trung Quốc trong tầm kiểm soát. Sự cân bằng này đã bị phá vỡ trong vài năm qua, với hai nghiên cứu điển hình là Philippines và Hàn Quốc.
Khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lên nắm quyền vào năm ngoái, ông đã thách thức quan hệ quốc phòng của Mỹ với Hoa Kỳ, lập luận rằng các quan hệ chặt chẽ với Washington đã làm suy yếu quan hệ Philippines với Bắc Kinh mà không mang lại sự an toàn để chống lại sự chiếm đóng và xây dựng của Trung Quốc trên những hòn đảo đang tranh chấp. Về cơ bản, Philippines đã mất đi các cơ hội kinh tế với Trung Quốc nhưng lại không được hưởng lợi từ các bảo đảm an ninh của Hoa Kỳ. Đó là điều tồi tệ nhất của cả hai thế giới. Duterte đã theo đuổi chính sách rất khác biệt so với kế hoạch của người tiền nhiệm Benigno Aquino III, người đã thân cận với Hoa Kỳ và đã có một thái độ đối đầu với Trung Quốc. Không có nghĩa là Manila đã đơn giản chấp nhận vai trò kinh tế và an ninh kép của Trung Quốc trong khu vực. Nước này tiếp tục khẳng định các quyền của mình, mở rộng quan hệ kinh tế và an ninh với Nhật Bản, và tiếp tục tham gia vào các lực lượng quân sự Mỹ trong khu vực – và ở Philippines.
Hàn Quốc là một trường hợp khác trong chính sách nhị nguyên của việc buộc nền kinh tế với Trung Quốc và an ninh cho Hoa Kỳ, có lẽ công khai hơn so với hầu hết các nước khác trong khu vực. Hàn Quốc có các hiệp định thương mại tự do với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc. Một phần tư xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc, và nếu tính cả Hồng Kông thì con số này gần 30% so với 14% ở Hoa Kỳ. Trong khi đó, hàng hóa Trung Quốc chiếm 21% nhập khẩu của Hàn Quốc, trong khi hàng hóa Hoa Kỳ chỉ chiếm 10%. Nhưng khi nói đến quốc phòng, sự cân bằng là hoàn toàn một chiều. Hoa Kỳ duy trì 28.500 quân tại Bán đảo Triều Tiên và giữ được quyền kiểm soát hoạt động của các lực lượng Nam Triều Tiên trong Bộ Tư lệnh Lực lượng Hợp nhất, nếu các cuộc xung đột với Bắc Triều Tiên nổ ra.
Quyết định của Hàn Quốc để Hoa Kỳ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) đã gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc. Bắc Kinh đã phàn nàn trước khi Seoul và Washington tiến hành thảo luận chính thức về việc triển khai, và kể từ khi quyết định được đưa ra, Trung Quốc đã sử dụng các biện pháp không chính thức để tấn công vào nền kinh tế Hàn Quốc. Du lịch vào Hàn Quốc đã chậm lại, xuất khẩu văn hoá và giải trí của Hàn Quốc ở Trung Quốc đã bị cắt giảm, và các doanh nghiệp Hàn Quốc đang phải đối mặt với các cuộc tẩy chay, gặp nhiều thủ tục hành chính phức tạp và tình trạng trì trệ của hệ thống. Washington, đổi lại, đã đẩy nhanh tốc độ triển khai của THAAD, hy vọng sẽ hoàn thành việc lắp đặt các hệ thống này trước cuộc bầu cử sớm của Nam Triều Tiên, một sự kiện có khả năng sẽ mang lại chiến thắng cho một ứng viên cấp tiến, người có thể xem lại thỏa thuận của THAAD.
Sự đồng thuận bị phá vỡ

Với sự rời bỏ của Hoa Kỳ khỏi TPP, và sự bảo vệ quân sự của Hoa Kỳ không đủ để giải quyết các mối quan tâm về an ninh của khu vực hoặc, đi đến một cực khác là làm trầm trọng thêm những thách thức kinh tế với Trung Quốc, có một suy nghĩ ngày càng tăng trên khắp châu Á rằng Hoa Kỳ không thể được coi là đối trọng với Trung Quốc, ít nhất là trong vài năm tới. Khả năng và hoạt động quân sự mở rộng của Trung Quốc chỉ củng cố quan điểm này. Sự cân bằng hiện trạng giữa kinh tế Trung Quốc và an ninh Mỹ đã bị phá vỡ. Việc bành trướng của Trung Quốc không được đáp trả lại một cách hiệu quả, dù là cái gọi là chính sách tái cân bằng của Hoa Kỳ ở châu Á hoặc sự liên kết của Hoa Kỳ với ASEAN và các sáng kiến ​​thương mại khu vực. Đối với nhiều nước trong khu vực, nó không phải là vấn đề họ thích, mà là một sự thừa nhận về những thực tế đang biến đổi của khu vực. Khi một quốc gia có quy mô của Trung Quốc bắt đầu khẳng định quyền lợi riêng của mình, những thay đổi trong cơ cấu khu vực hiện tại là điều không thể tránh khỏi.
Cuộc thảo luận bây giờ là về các lựa chọn. Dường như hầu hết các nước trong khu vực không đơn giản chấp nhận rằng Trung Quốc sẽ là một bá quyền khu vực. Ngay cả Philippines, nơi đã chứng kiến ​​sự thay đổi đáng kể trong chính sách công của mình, đang tìm kiếm một sự cân bằng đối với sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc, có thể ở Nhật Bản. Và Hàn Quốc đang nghĩ lại về sự phụ thuộc kinh tế quá nhiều vào Trung Quốc. Một số nước trong TPP mở rộng đang tìm cách duy trì hiệp định ngay cả khi không có Hoa Kỳ, hy vọng rằng cùng nhau họ có thể định hình hành vi kinh tế của Trung Quốc hoặc có thể thu hút Hoa Kỳ trở lại với phiên bản sửa đổi của hiệp định thương mại. ASEAN đang thúc giục hoàn thành Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông mà đã bị Trung Quốc cố tình trì hoãn để cố gắng hạn chế xu hướng bành trướng rõ ràng của Trung Quốc.
Tại Singapore và New Zealand, hai quốc gia đã thành công với mối quan hệ kép của họ với Washington và Bắc Kinh một thời gian, có một nỗi sợ hãi rằng họ có thể bị buộc phải chọn. Nếu một cuộc chiến thương mại nổ ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nó sẽ không chỉ về thương mại; nó sẽ là về các mối quan hệ khu vực, về cách giải thích các quyền đi qua Biển Đông, về các lựa chọn đối phó với Bắc Triều Tiên – nói ngắn gọn, về toàn bộ sự ổn định của Châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức về cơ cấu sâu sắc khi thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ từ nền kinh tế xuất khẩu sang nền kinh tế dựa vào tiêu dùng và sẽ coi bất kỳ hoạt động kinh tế mạnh mẽ nào của Hoa Kỳ như là một động thái nhằm phá vỡ quá trình chuyển đổi và chống lại Trung Quốc. Hoa Kỳ nhìn thấy từng bước đi của Trung Quốc trong việc khẳng định khả năng quân sự của mình thông qua Biển Đông như là một thách thức rõ ràng đối với lợi ích cốt lõi của tự do hàng hải và kiểm soát biển.
Bị rơi vào giữa hai siêu cường này là các nước châu Á-Thái Bình Dương, thích nghi với sự cân bằng quyền lực đang thay đổi và lo ngại một sự phá vỡ mạnh mẽ trong mô hình. Khả năng của họ để chơi với cả hai bên, để sử dụng quyền lực của Thái Bình Dương như là đối trọng, có thể không đạt được nếu quan hệ Mỹ-Trung trở nên tiêu cực hơn. Rất ít quốc gia trong khu vực mong muốn lựa chọn một bên, tất cả biết họ có sự lựa chọn hạn hẹp và hy vọng bằng cách nào đó Washington và Bắc Kinh sẽ tiếp tục cuộc chơi không thoải mái của họ, để các quốc gia châu Á Thái Bình Dương có đủ chỗ để cổ vũ cả hai.

———————–

Asia’s Dilemma: China’s Butter, or America’s Guns?

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)