(VNTB) – Các nhóm dân tộc thiểu số và bản địa bị đe dọa, đền bù không thỏa đáng
(Bangkok, ngày 10 tháng Tám năm 2021) – Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận định trong bản phúc trình công bố ngày mồng 10 tháng Tám rằng một đập thủy điện quy mô lớn do Trung Quốc đầu tư ở vùng đông bắc Campuchia hoàn thành hồi năm 2018 đã hủy hoại cuộc sống và nguồn mưu sinh của hàng ngàn người dân tộc thiểu số và Bản địa. Đập Hạ Sesan 2, một trong những con đập rộng nhất ở châu Á, đã nhấn chìm một diện tích lớn ở thượng lưu đoạn giao thủy giữa sông Sesan và Srepok, hai chi lưu của sông Mê Kông.
Bản phúc trình dài 137 trang, có tiêu đề “Ngập nước: Các Hậu quả về Nhân quyền từ một Dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở Campuchia,” liệt kê các vi phạm về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa là hậu quả của việc di dời gần 5.000 người trong các hộ gia đình đã sống ở khu vực này nhiều thế hệ, cũng như tác động tới nguồn mưu sinh của hàng chục ngàn người ở thượng lưu và hạ lưu đập. Nhà cầm quyền Campuchia và các lãnh đạo của công ty đầu tư không tham vấn đầy đủ với các cộng đồng bị ảnh hưởng trước khi khởi động dự án và bỏ qua đa số các ý kiến quan ngại của họ. Nhiều người bị đe dọa phải nhận khoản đền bù không thỏa đáng cho phần tài sản và thu nhập bị mất, phải nhận nhà cửa và dịch vụ chất lượng kém ở các khu tái định cư, và không được đào tạo hay hỗ trợ để tìm nguồn mưu sinh mới. Các cộng đồng khác ở thượng lưu và hạ lưu đập cũng bị ảnh hưởng nhưng không nhận được một khoản đền bù hay hỗ trợ nào.
“Đập Hạ Sesan 2 đã cuốn trôi nguồn mưu sinh của các cộng đồng dân tộc thiểu số và Bản địa, những người từng sống quần cư và đa phần tự cấp tự túc nhờ ngư nghiệp, thu hoạch lâm sản và làm nông,” ông John Sifton, giám đốc vận động châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Nhà cầm quyền Campuchia cần khẩn cấp xem xét lại công tác đền bù, tái định cư và các biện pháp phục hồi cơ hội mưu sinh của dự án này, và đảm bảo rằng các dự án trong tương lai không phát sinh những vi phạm tương tự.”
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã phỏng vấn hơn 60 người gồm các thành viên cộng đồng, lãnh đạo nhóm xã hội dân sự, nhà khoa học và những người khác từng nghiên cứu về dự án; và đã đọc các công trình nghiên cứu học thuật, hồ sơ kinh doanh và đề án nghiên cứu của các tổ chức phi chính phủ và các nguồn khác.
Con đập là một phần của “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI) của chính phủ Trung Quốc, một dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ đa quốc gia được khởi xướng dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình năm 2013. Nhiều dự án trong chương trình này ở châu Á và các nơi khác đã bị chỉ trích vì thiếu minh bạch, bỏ mặc các mối quan ngại của cộng đồng, và tác động tiêu cực đến môi trường.
Tập đoàn Hoa Năng Trung Quốc, một công ty điện lực lớn thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, đã xây và vận hành con đập. Tập đoàn Hoàng Gia Campuchia và công ty điện thuộc sở hữu nhà nước Việt Nam, EVN, giữ phần hùn nhỏ hơn. Các ngân hàng nhà nước Trung Quốc cung cấp phần lớn vốn đầu tư, được biết có ngân sách khoảng 800 triệu đô la Mỹ.
Chính quyền Campuchia và các lãnh đạo công ty không thực hiện tham vấn đúng nghĩa với các cộng đồng bị ảnh hưởng và không hề có động thái nào để có được “sự đồng thuận tự nguyện, từ trước và trên cơ sở được thông tin đầy đủ” của những người dân Bản địa, như đã quy định trong Tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc về Quyền của Các Dân tộc Bản địa.
Những người dân tộc Bản địa và các sắc tộc thiểu số khác bị ảnh hưởng từ dự án đập gồm có những người trong các cộng đồng Bunong, Brao, Kuoy, Lao, Jarai, Kreung, Kavet, Tampuan, và Kachok.
Suốt từ năm 2011 đến khi con đập hoàn thành vào năm 2018, các thành viên cộng đồng nói trên đã phản đối và viết nhiều lá thư gửi đến công ty và các quan chức chính quyền, kể cả đến Thủ tướng Hun Sen, nhưng giới chức nhất quyết phớt lờ các mối quan ngại của cộng đồng và từ chối thảo luận các giải pháp thay thế. Một số người phản đối đã bị dọa dẫm, thậm chí bị bắt giam.
“Công ty không xem xét đến quyền của người Bản địa,” một dân làng người Bunong nói với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền. “Họ chỉ bảo chúng tôi di dời đi.”
“Trong các cuộc tham vấn, họ quyết định mọi thứ cho chúng tôi,” một cư dân nói. “Họ không buồn hỏi chúng tôi muốn gì hay cần gì.”
Con đập đã gây tác động lớn đến thu nhập ngư nghiệp. Do cản trở nhiều loài cá hoàn thành dòng di cư thiết yếu với quy trình sinh sản, con đập đã khiến sản lượng cá giảm sút nhanh chóng. Các chuyên gia ngư nghiệp và sinh thái đã cho rằng con đập góp phần làm suy giảm sản lượng cá trên toàn hệ thống sông Mê Kông, là nguồn thực phẩm và thu nhập mà hàng chục triệu người ở Campuchia, Việt Nam, Thái Lan và Lào trông chờ vào.
“Bây giờ cá còn ít quá,” một người đàn ông sống gần con đập nói. “Chúng tôi trước đây vẫn bắt đủ cá để ăn và mang bán, nhưng [giờ đây] ít quá rồi. Nhiều khi chúng tôi còn không có đủ cá để ăn.”
Những người dân đã tái định cư nói rằng sản lượng nông nghiệp cũng giảm sút vì đất ở khu tái định cư không màu mỡ và nhiều sỏi đá hơn, và họ mất thu nhập từ các loại cây ăn trái và lấy hạt ở làng cũ. Chính quyền không đền bù thiệt hại thu nhập từ nấm, cây thuốc và các lâm sản khác được thu hái từ các khu rừng cộng đồng. Khoản đền bù không đủ để giải quyết các mất mát về văn hóa và cơ hội mưu sinh của người Bản địa. Nước giếng ở đa số khu tái định cư bị ô nhiễm và không uống được.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng Tập đoàn Hoa Năng Trung Quốc không thiết lập bất kỳ một cơ chế khiếu nại hữu hiệu nào để giải quyết các bất đồng hay khiếu nại.
Tính đến năm 2017, hàng trăm cư dân không đồng ý nhận đền bù hoặc tái định cư và chuyển đến các vùng đất bỏ hoang ven hồ chứa do con đập tạo thành. Chính quyền địa phương đã đe dọa và sách nhiễu những người này.
Chính quyền Campuchia và Trung Quốc cũng như Tập đoàn Hoa Năng dường như không tiến hành đánh giá thực chất lợi ích của dự án so với tác động của nó từ trước khi khởi công. Tập đoàn Hoa Năng Trung Quốc liên tiếp tuyên bố rằng con đập có thể phát ra 1.998 gigawatt giờ điện mỗi năm, khoảng một phần sáu tổng sản lượng điện hàng năm của Campuchia. Tuy nhiên, sản lượng thực tế của con đập dường như chưa được một nửa con số đó, căn cứ theo hồ sơ ước tính thuế thu nhập dự án được công bố.
Con đập tạo ra rất ít lợi ích về môi trường. Nhiều nghiên cứu học thuật đã chỉ ra rằng khí thải từ quá trình phân hủy của các thực vật do bị chìm trong các hồ chứa nước đập thủy điện thường tương đương với lượng khí nhà kính sinh ra trong quá trình vận hành một nhà máy nhiệt điện chạy dầu hóa thạch thông thường. Một nghiên cứu năm 2017 ước tính rằng dự án có mức thải khí dioxit cacbon tính trên megawatt giờ ngang với một nhà máy điện chạy khí đốt tự nhiên.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có viết thư gửi các quan chức chính quyền Trung Quốc và Campuchia và Tập đoàn Hoa Năng vào tháng Ba năm 2020 rồi vào tháng Năm và tháng Bảy năm 2021, tóm tắt các lập luận của mình và yêu cầu phản hồi, nhưng không nhận được hồi âm nào. Một bản “Báo cáo Mức độ Bền vững” năm 2020 về con đập do Tập đoàn Hoa Năng đặt hàng và công bố vào tháng Năm năm 2021 ghi nhận nhiều vấn đề về con đập nhưng hạ thấp mức độ nghiêm trọng và kết luận mà không giải thích rõ ràng rằng dự án đã cải thiện cuộc sống của những người dân phải di dời. Bản báo cáo nói trên không bàn về tác động của con đập đối với nguồn mưu sinh của các cộng đồng ở vùng thượng lưu và hạ lưu khu ngập nước.
Tập đoàn Hoa Năng Trung Quốc và chính phủ Campuchia vẫn có thể giải quyết một số thiệt hại do dự án gây ra, chủ yếu bằng cách tiến hành đánh giá lại mức bồi thường và cung cấp thêm các dịch vụ và chương trình đào tạo cho những cộng đồng bị ảnh hưởng bởi con đập. Chính quyền Trung Quốc và Campuchia cũng nên thực hiện cải tổ một cách hệ thống hơn để tránh những vi phạm trong các dự án tương lai.
“Chính quyền Trung Quốc cần cải tổ sâu sắc quy trình đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong chương trình Vành đai và Con đường để ngăn ngừa vi phạm trong các dự án khác triển khai ở các quốc gia như Campuchia, nơi chính quyền có hồ sơ về quá trình lâu dài vi phạm nhân quyền của công dân mình,” ông Sifton nói. “Chính phủ Campuchia cần sửa đổi luật pháp để yêu cầu các dự án phát triển phải đánh giá tác động đầy đủ và đặt ra các biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn ngừa vi phạm.”
__________________
Phúc trình “Ngập nước: Các Hậu quả về Nhân quyền từ một Dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở Campuchia,” vui lòng truy cập: https://www.hrw.org/vi/report/2021/08/10/379432
Phỏng vấn về tác động hủy hoại của Hạ Sesan 2, một trong những con đập rộng nhất châu Á, đối với vùng châu thổ sông Mê Kông của Campuchia và đời sống của hàng ngàn người dân có nhà ở khu bị ngập nước, vui lòng truy cập:
https://www.hrw.org/preview-link/node/379458/2592f874-ff15-4d76-8b82-242e00747091
Để đọc thêm tin, bài của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về Campuchia, vui lòng truy cập:
https://www.hrw.org/asia/cambodia
Để đọc thêm tin, bài của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về Trung Quốc, vui lòng truy cập:
https://www.hrw.org/asia/china-and-tibet
Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ:
Ở Washington, DC, John Sifton (tiếng Anh): +1-646-479-2499 (di động); hoặc email: siftonj@hrw.org. Twitter: @johnsifton
Ở New York, Yaqiu Wang (tiếng Anh, tiếng Quan thoại): +1-646-281-1152; hoặc email: wangy@hrw.org. Twitter: @Yaqiu