Lynn Huỳnh
(VNTB) – Nga đã đóng cửa các tổ chức nhân quyền nước ngoài trong cuộc đọ sức với phương Tây.
Với 43 phiếu thuận, 3 phiếu chống và 2 phiếu trắng, các nước thuộc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông qua một nghị quyết ngày 10-5 nhằm thể hiện sự phản đối hành động quân sự của Nga tại Ukraine.
Nghị quyết này có thể mở đường cho việc WHO đóng cửa văn phòng tại Nga và ngừng tổ chức các cuộc họp tại nước này.
Nghị quyết của WHO đề cập đến tình trạng khẩn cấp về y tế tại Ukraine, tình trạng các dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh cấp tính cũng như số người thương vong tại Ukraine sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này.
Phiên họp đặc biệt của khu vực châu Âu thông qua nghị quyết do Ukraine và Liên hiệp châu Âu ủng hộ, với 43 phiếu thuận và 3 phiếu chống (Nga, Belarus, Tajikistan) và 2 nước không bỏ phiếu. Những người ủng hộ xem đây là bước chính trị quan trọng để cô lập Moscow và cho biết họ đang nỗ lực để tránh bất kỳ tác động lớn nào đến hệ thống y tế của Nga.
Nghị quyết đề cập đến “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe” ở Ukraine, đề cập đến thương vong to lớn cũng như nguy cơ mắc các bệnh mãn tính và truyền nhiễm do các hành động quân sự của Nga.
Động thái trên được coi là một bước đi chính trị sẽ thúc đẩy các nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga, thay vì gây ra bất kỳ hậu quả sức khỏe đáng kể nào với người Nga hoặc chính sách y tế toàn cầu, điều mà các nhà ngoại giao cho rằng rất khó tránh khỏi.
Nghị quyết yêu cầu có thể đình chỉ tất cả các cuộc họp ở Nga, giao nhiệm vụ cho Tổng giám đốc WHO – Tedros Adhanom Ghebreyesus chuẩn bị một báo cáo về tình trạng khẩn cấp về sức khỏe của Ukraine lên Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) thường niên chính vào cuối tháng này.
Hans Kluge, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu, hôm 10-5 nói ít nhất 3.000 người đã chết ở Ukraine vì không thể tiếp cận các phương pháp điều trị bệnh mãn tính kể từ khi cuộc chiến với Nga bắt đầu.
Đến nay WHO đã ghi nhận khoảng 200 vụ tấn công ở Ukraine nhắm vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe và một số bệnh viện đang hoạt động, ông Hans Kluge cho biết tại một cuộc họp khu vực châu Âu có sự tham dự của 53 quốc gia thành viên cũng như các đồng nghiệp cấp cao của WHO.
Trước đó, ngày 9-3, Tổ chức Y tế Thế giới nói xung đột Nga – Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng y tế ở Ukraine. Thời điểm đó tổ chức này lên án ít nhất 18 cuộc tấn công (đã được xác minh) vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe và nhân viên y tế. Khi ấy, WHO nhận định chỉ có kết thúc chiến tranh mới có thể giúp kiểm soát được cuộc khủng hoảng y tế của Ukraine.
Trong một phản ứng liên quan, Nga đã đóng cửa các tổ chức nhân quyền nước ngoài trong cuộc đọ sức với phương Tây. Amnesty International, Human Rights Watch và nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền phải đóng cửa văn phòng đại diện tại Nga. Thông cáo của bộ Tư Pháp Nga công bố hồi thượng tuần tháng 4-2022 cho biết các tổ chức nói trên bị “loại khỏi danh sách chính thức các tổ chức phi chính phủ của nước ngoài” được hoạt động tại Nga, vì “vi phạm luật pháp” của Liên bang Nga.
Ngoài Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) của Anh, Human Rights Watch của Mỹ, danh sách 15 tổ chức bị cấm hoạt động còn bao gồm Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, cũng của Hoa Kỳ, cùng với hai tổ chức nhân quyền của Đức là Quỹ Friedrich Naumann và Friedrich Ebert.
Hồi đầu tháng 5, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết quân đội Nga đã phá hủy hoặc làm hư hại gần 400 cơ sở y tế ở Ukraine.
Ông Ryan nói: “Các cuộc tấn công có chủ đích vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe là vi phạm luật nhân đạo quốc tế. Chúng tôi tiếp tục ghi lại và làm nhân chứng cho các cuộc tấn công này… và chúng tôi tin tưởng rằng hệ thống của Liên Hợp Quốc và Tòa án Hình sự Quốc tế và những tổ chức khác sẽ tiến hành các cuộc điều tra cần thiết để đánh giá ý định tội phạm đằng sau các cuộc tấn công này”.