(VNTB) – Sửa Hiến Pháp và Điều Lệ Đảng thì chỉ có lợi cho Tô Lâm và phe phái của mình; còn lợi ích của đất nước, của người dân thì chắc chắn là không!
Tô Lâm cũng như nhiều lãnh đạo cộng sản khác, luôn muốn tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ của mình, và tìm cách xóa bỏ ảnh hưởng của các lãnh đạo tiền nhiệm. Đối nội thì phát động chiến dịch tinh gọn bộ máy, bỏ cấp huyện, đối ngoại thì liên tục nâng cấp đối tác chiến lược với hàng loạt quốc gia, Tô Lâm đang làm mọi cách để vượt qua tầm ảnh hưởng của Nguyễn Phú Trọng. Và tiếp theo sẽ là sửa đổi Điều Lệ Đảng và Hiến Pháp.
Theo thông tin mới nhất thì Tô Lâm đã có yêu cầu sửa một số điều của Hiến pháp liên quan đến tổ chức bộ máy với thời hạn hoàn thành chậm nhất ngày 30/6. Cùng với đó là nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng, Quy định về thi hành Điều lệ Đảng.
Đây sẽ là những thay đổi lớn nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Đặt Tô Lâm ngang hàng với những lãnh đạo hàng đầu trong lịch sử CSVN.
Cần nhớ, Hiến Pháp đầu tiên được viết ra thời ông Hồ Chí Minh, năm 1946. Hiến Pháp thứ hai được viết năm 1959, khi Lê Duẩn đã vượt mặt Hồ Chí Minh trong đảng cộng sản. Hiến Pháp thứ 3 được viết năm 1980, khi Lê Duẩn nắm toàn quyền trong đảng CSVN. Hiến Pháp thứ tư ban hành năm 1992 dưới thời Đỗ Mười. Năm 2001, Hiến Pháp thứ tư cũng được sửa đổi, bổ sung dưới thời Nông Đức Mạnh. Hiến Pháp hiện nay ra đời năm 2013, khi Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư CSVN.
Về lý thuyết, Hiến Pháp là do Quốc hội ban hành. Nhưng thực tế tại Việt Nam thì mọi thứ đều nằm trong tay đảng cộng sản, khi tổng bí thư đã muốn thì tất cả phải phục tùng. Cho nên nói tới việc ban hành Hiến Pháp thì phải nói tới vai trò cao nhất là thuộc về tổng bí thư CSVN.
Bên cạnh Hiến Pháp thì Điều Lệ Đảng cũng là văn bản quan trọng hàng đầu của CSVN. Điều lệ Đảng đã được sửa đổi 12 lần tính tới hiện nay. Điều lệ đầu tiên được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng ngày 3/2/1930 chỉ gói gọn trong 9 điều. Điều lệ hiện nay của Đảng CSVN được thông qua trong thời ông Trọng, tại Đại hội Đảng thứ 11 (1/2011) bao gồm 48 điều 12 chương.
Với lần sửa đổi Hiến Pháp và Điều Lệ Đảng này thì Tô Lâm đã lộ rõ âm mưu vượt mặt người tiền nhiệm. Nhưng điều này chỉ có lợi cho Tô Lâm và phe phái của mình. Còn lợi ích của đất nước, của người dân thì chắc chắn là không.
Theo thông báo thì Hiến Pháp sẽ được sửa một số điều liên quan tới các vấn đề về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Việc sửa đổi Hiến pháp, một số luật và các quy định có liên quan nhằm tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện chủ trương sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện; sắp xếp hệ thống tòa án, viện kiểm sát ở địa phương theo định hướng không tổ chức cấp huyện; tinh gọn các cơ quan Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, các hội quần chúng…
Còn Điều Lệ Đảng sẽ được sửa đổi các nội dung về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, về đại hội đảng bộ các cấp, về kết thúc hoạt động của đảng bộ cấp huyện và các quy định, hướng dẫn của Đảng có liên quan đến công tác xây dựng Đảng, hệ thống tổ chức đảng ở địa phương, báo cáo Bộ Chính trị theo tiến độ chung.
Điều đầu tiên có thể thấy là những thay đổi này chắc chắn sẽ khiến người dân phải đi làm lại căn cước công dân và các giấy tờ khác. Trước đó người dân vừa phải đi làm lại căn cước và giấy tờ cách đây vài năm, giờ phải đổi lại thêm lần nữa. Tốn tiền và tốn thời gian.
Thứ hai, vốn là đại tướng, bộ trưởng công an, Tô Lâm đã và đang làm mọi cách để tăng cường quyền lực của ngành công an. Không loại trừ trường hợp lần sửa đổi Hiến Pháp và Điều Lệ Đảng này là nhằm tăng cường quyền lực của công an trong hệ thống chính trị Việt Nam. Đồng thời xây chắc ngai vàng của ngài tổng bí thư trước các phe phái đối thủ. Và khi mà quyền lực càng tập trung vào công an thì dân càng bị đàn áp nặng nề hơn…
______________________
Tham khảo: