Nguyễn Nam
(VNTB) – Dường như triều đại nào cũng luôn thậm xưng mình là tốt nhất, là hoàn mỹ nhất.
“Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ” – Đó chính là chủ đề của đêm nghệ thuật hoành tráng do Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp với Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức tối 1-9 tại Nhà hát lớn Hà Nội kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9.
Tham dự chương trình có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư trung ương Đảng Trần Quốc Vượng, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh… cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành trung ương và Hà Nội.
Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam chủ trì thực hiện chương trình, cùng sự tham gia của: Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Học viện Múa Việt Nam, Học viện Âm Nhạc quốc gia Việt Nam, Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Đoàn nghi lễ quân đội Bộ tổng Tham mưu, Hãng phim Tài liệu và khoa học trung ương, Nhà hát lớn Hà Nội.
22 tiết mục là các hoạt cảnh, thơ, ca khúc về chủ đề cách mạng quen thuộc nhưng được dàn dựng công phu, với sân khấu hoành tráng, đầu tư kỹ càng từ ánh sáng, phần múa phụ họa, giọng hát, chương trình mang đến cho người xem một biên niên sử hấp dẫn về đất nước bằng âm nhạc.
Chương trình được chia thành 3 chương với tên gọi: Đất nước, Khát vọng hòa bình, Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ.
Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ?
Tổ quốc đã, đang và sẽ mãi đẹp trong đôi mắt những con người Việt Nam. Mỗi một tấc đất, một nhánh cây đều chứa đựng trong đó mồ hôi, nước mắt và cả máu đỏ của bao anh hùng đã hy sinh vì đất nước.
Câu hỏi đặt ra: đất nước, khát vọng hòa bình là dễ minh định, nhưng người ta biết phải dựa vào đâu để nói bằng thể khẳng định “tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ”?
Chế Lan Viên trong thi phẩm sáng tác năm 1965, có những câu như sau:
“Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn ngàn năm
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
– Chưa đâu! Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất.
Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào
Cửa Bắc Hưng Đạo Vương diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng.
Những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả
Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn”
(Trích “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?” – Chế Lan Viên).
Đó là ‘tổ quốc’ trong suy nghĩ của nhà thơ Chế Lan Viên vào năm 1965. Đến năm 1987, Chế Lan Viên lại nhìn ‘tổ quốc’ trong quá khứ có khác thời “Những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả”, qua thi phẩm “Ai? Tôi!”:
“Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?
Tôi! Tôi – người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong
Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!
Ai chịu trách nhiệm vậy?
Lại chính là tôi!
Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời
Tôi ú ớ
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong
Mà tôi xấu hổ
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười”.
(Rút trong sổ tay Thơ, tập 5. Nguồn: Chế Lan Viên toàn tập, NXB Văn học, 2002 do Vũ Thị Thường sưu tầm và biên soạn).
Vậy là một hoài nghi lớn cho có thật là “Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ”…
Tổ quốc có Đảng thì luôn phải đẹp, cơ đồ luôn được vững chãi?
Với ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì cái đẹp của tổ quốc phải là: “Tôi đã nhiều lần nói rằng, với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” – trích trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, tác giả Nguyễn Phú Trọng.
Nhận định tương tự như Nguyễn Phú Trọng, nhưng có phần nịnh nọt lộ liễu hơn của thân phận “bề tôi lương đống”, đối với Tố Hữu thì hễ lúc nào có Đảng là tổ quốc luôn đẹp nhất, cơ đồ luôn vững chãi nhất:
“Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng
Ta đứng đây, mắt nhìn bốn hướng
Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau
Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu!
(…)
Một vùng trời đất trong tay
Dẫu chưa toàn vẹn, cũng bay cờ hồng!
Việt Nam, dân tộc anh hùng
Tay không mà đã thành công nên người!
Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người sống để yêu nhau
Đảng cho ta trái tim giàu
Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay!”
(…)
Miền Bắc thiên đường của các con tôi!
Gà gáy sáng. Thơ ơi, mang cánh lửa
Hãy bay đi! Con chim kêu trước cửa
Thêm một ngày xuân đến. Bình minh
Cành táo đầu hè quả ngọt rung rinh
Như hạnh phúc đơn sơ, ước mơ nho nhỏ
Treo trước mắt của loài người ta đó:
Hòa bình
ấm no
Cho
Con người
Sung sướng
Tự do!”.
(Trích “Bài ca mùa xuân 1961” – Tố Hữu).
Sinh tiền trên giảng đường đại học, khi bình giảng bài thơ trên, giáo sư Hoàng Như Mai đã nói rằng Tố Hữu thật dại dột khi dùng tứ thơ so sánh “Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng”, vì một khi ai đó đã trên đỉnh cao – đặc biệt ở đây ‘muôn trượng’ tức lại là ‘đỉnh của đỉnh’, thì bao giờ những bước tiếp theo phải là đi xuống, thậm chí cả trượt xuống…
Thay lời kết
Dường như triều đại nào cũng luôn thậm xưng mình là tốt nhất, là hoàn mỹ nhất. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với những tháng ngày còn lại cuối cùng của nhiệm kỳ, ắt hẳn ông cũng muốn được lịch sử cách mạng Việt Nam ghi những điều tốt đẹp như vậy trong ròng rã 10 năm trời mà ông trên ngai vị trị vì.
“Những bạn bè yêu anh sẽ gặp anh trong cỏ
Trong hạt sương, trong đá…
Trong những gì không phải anh
Anh tồn tại mãi
Không bằng tuổi tên, mà như tro bụi
Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên”.
(Viết trước khi mổ 21 ngày. Bệnh viện Chợ Rẫy 29-8-1988. Chế Lan Viên).
Nguồn: Chế Lan Viên toàn tập, NXB Văn học, 2002. Vũ Thị Thường sưu tầm, biên soạn.