Việt Nam Thời Báo

VNTB – Toàn là đảng viên không đấy

Nguyễn Huỳnh

 

(VNTB) – Báo cáo PAPI năm nay ghi nhận chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” đạt mức cao nhất 10 năm qua.

 

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020, kết quả phân tích ở Chương 1 cho thấy hiệu quả huy động người dân tham gia vào quản trị công ở địa phương cứ tăng lên một điểm, thì mức độ sẵn sàng tuân thủ biện pháp giãn cách xã hội toàn quốc nhằm ứng phó với Covid-19 hồi tháng 4/2020 tăng lên 3,1 điểm phần trăm, và hiệu quả kiểm soát tham nhũng cứ tăng lên một điểm phần trăm thì mức độ tuân thủ với biện pháp mạnh này tăng lên 1,5 điểm phần trăm.

Báo cáo PAPI có chi tiết cần đặc biệt lưu tâm, đó là hơn 32% người dân cho biết phải trả phí “bôi trơn” để làm “sổ đỏ”.

Một câu chuyện cũ: Trước nghị trường năm 2014,  đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền từng dẫn chứng câu chuyện dinh Bảo Đại ở Đà Lạt, rằng suốt từ năm 1949 đến 1975, Dinh chỉ có duy nhất một quản gia quản lý, đến khi kiểm kê tài sản không thiếu một cái gì. Nhưng khi chuyển giao cho chính quyền, có bao nhiêu đợt kiểm kê, bao nhiêu con dấu nhưng tài sản cứ mất dần.

“Toàn là Đảng viên, cán bộ giữ tài sản sao mất nhiều thế?” – Ông Thuyền đặt câu hỏi. Và sau đó tự trả lời: Rõ ràng là do yếu tố con người… “Có người nói trên truyền hình cán bộ của chúng tôi chưa bao giờ đòi dân một đồng nào, tại dân cứ đưa. Vậy vì sao dân đưa?… Vì họ không còn niềm tin vào cán bộ nữa”.

Góc nhìn khác, nhìn từ Bộ chỉ số PCI 2020 công bố hôm 15-4-2021 cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh và môi trường kinh doanh tại Việt Nam cải thiện dần. Tuy nhiên, một số lĩnh vực cốt yếu ảnh hưởng tới hoạt động doanh nghiệp vẫn phiền hà như đất đai, thuế và bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, ở địa phương vẫn còn tình trạng ưu ái cho doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Gần 45% doanh nghiệp cho biết phải trả các chi phí không chính thức; 54% doanh nghiệp cho rằng hiện tượng nhũng nhiều vẫn còn. Có tới 20% doanh nghiệp đánh giá cán bộ nhà nước trong xử lý công việc chưa hiệu quả, chưa thân thiện…

Chỉ số PCI là tên viết tắt tiếng Anh của Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (Provincial Competitiveness Index) – Chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Trong một góc nhìn khác, chính quyền tỉnh Khánh Hòa ý kiến rằng có nghịch lý giữa chỉ số PCI và PAPI.

Theo đánh giá, năm 2020, PCI của Khánh Hòa đạt 63,98 điểm, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành và thuộc nhóm các tỉnh có chỉ số khá; so với năm 2019 (xếp thứ 29/63 tỉnh, thành), PCI của tỉnh tăng 3 bậc. Trong đó, có 4 chỉ số thành phần tăng gồm: Gia nhập thị trường (từ 6,19 lên 7,93 điểm), chi phí thời gian (từ 7,1 lên 8,69 điểm), chi phí không chính thức (từ 6,47 lên 7,42 điểm) và cạnh tranh bình đẳng (từ 6,0 lên 8,81 điểm).

Mặc dù PCI đang là điểm sáng, song kết quả PAPI của Khánh Hòa lại hoàn toàn trái ngược khi giảm tới 13 bậc so với năm 2019, rơi vào nhóm có điểm số thấp nhất cả nước. Năm 2020, điểm tổng hợp PAPI của Khánh Hòa chỉ đạt 39,14 điểm. So với năm 2019, có 4 chỉ số nội dung bị giảm điểm, riêng chỉ số cung ứng dịch vụ công tăng cao, thuộc nhóm có điểm cao nhất cả nước.

Lý giải về “nghịch lý giữa chỉ số PCI và PAPI”, thì mẫu điều tra PAPI thường mức độ nhỏ hơn so với mẫu của các điều tra xã hội khác.

Thông thường, ở tỉnh PAPI sẽ thu thập ý kiến của khoảng 180 người/ gần 1,2 triệu người. Trong khi đó, PCI sẽ lấy khảo sát khoảng 300 đến 400 doanh nghiệp/ 8.000 doanh nghiệp, hoặc chỉ số hài lòng do tỉnh tổ chức sẽ lấy ý kiến khoảng 25.000 người dân. Tuy không có cơ sở đánh giá tính chính xác của PAPI, nhưng với 180 người dân/1,2 triệu người dân thì có thể thấy rất khó để bảo đảm tính đại diện.

Mặc dù vậy, việc có hơn 32% người dân cho biết phải trả phí “bôi trơn” để làm “sổ đỏ” là một tỷ lệ khủng khiếp – bởi 32%, tức là gần 1/3.

Tỉ lệ 32% năm 2020, nếu vẽ trên đồ thị sẽ là một mũi tên đi lên khi nó cao hơn gấp đôi so với 2018 (15%), cao hơn ngót 10% so với 2019 (22,3%).

***

8 chỉ số thành phần của PAPI:

Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; Quản trị điện tử.

10 chỉ số thành phần của PCI:

Chi phí gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; Đào tạo lao động; Thiết chế pháp lý.


Tin bài liên quan:

VNTB – Facebook sắp đến ngày tàn?

Phan Thanh Hung

VNTB – Hãng xe hơi VinFast đang lỗ gần 4,7 tỷ đô la

Do Van Tien

VNTB – Vì sao nhân viên bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM mắc COVID-19?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.