Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tội ác của quân xâm lược Trung Quốc qua hồi ức vị chỉ huy mặt trận Vị Xuyên

 

(VNTB) – Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979, Trung Quốc đã tàn phá tất cả những gì có thể tàn phá được, lấy sạch và giết sạch.

 

14/02/2019 20:02

 

Mỗi năm, cứ đến dịp 17/2, kỷ niệm cuộc chiến tranh bảo vệ Biên giới phía Bắc, chống quân xâm lược Trung Quốc, ký ức lại ùa về trong tâm trí Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Quyền Tư lệnh Quân khu 2, Tham mưu trưởng mặt trận Vị Xuyên- Hà Giang thời kỳ 1985- 1989.

Người chỉ huy mặt trận Vị Xuyên lịch sử năm xưa giờ đã xấp xỉ tuổi 90 (ông sinh năm 1931), song vẫn còn rất mạnh khỏe, mẫn tiệp, giọng nói sang sảng. Những ngày tháng gian khổ, nhưng hào hùng, oanh liệt chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí của ông. Ông kể:

Tháng 2/1979, hơn 60 vạn quân Trung Quốc tràn sang xâm lược Việt Nam, có nơi vào sâu trong đất liền tới 50 km, phá hoại và san bằng thị xã Lào Cai, Cao Bằng, một phần thị xã Lạng Sơn cùng nhiều làng mạc.

Nằm trong cuộc chiến đó, từ tháng 4/1984 đến 5/1989, Trung Quốc lần lượt đưa hơn 50 vạn quân của 8 trong 10 đại quân khu tiến công toàn diện biên giới Hà Giang, tập trung là huyện Vị Xuyên với âm mưu vẽ lại đường biên giới tới phía Bắc suối Thanh Thủy.

Đây là cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn nhất kể từ sau khi Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ năm 1975. Đây cũng là cuộc chiến tranh ác liệt nhất, có đợt chỉ trong 3 ngày Trung Quốc đã bắn hơn 100.000 quả đạn đại bác vào khu vực Vị Xuyên. Cuộc chiến kéo dài hơn 5 năm (1984 – 1989), nếu tính từ năm 1979 thì cuộc chiến kéo dài tới 10 năm.

Ông tham gia cuộc chiến đấu từ năm nào, hay ngay từ khi cuộc chiến tranh nổ ra?

Cuộc chiến 17/2/1979 chúng ta đã biết trước sẽ xảy ra, nhưng không biết chính xác ngày nào, chỉ đến khi xe tăng Trung Quốc tràn sang. Tôi tham gia ngay từ tháng 2/1979 và cũng là người trực tiếp chỉ huy Sư đoàn 325 tham gia chiến đấu tại huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng.

Có thể nói chúng ta không muốn có cuộc chiến tranh này, vì chúng ta vừa kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm chống Mỹ cứu nước, giải phóng đất nước nên chúng ta cần có thời gian để tập trung xây dựng phát triển kinh tế của đất nước. Vì vậy, khi xảy ra cuộc chiến tranh này thì đây là một điều gây bức xúc, đặt dân tộc ta trước họa xâm lăng.

Để chống quân xâm lược, cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã ra lệnh Tổng động viên cả nước đứng lên cầm súng tiêu diệt quân thù. Đây có thể coi là Hịch non sông đất nước “thời đại Hồ Chí Minh”. Và chỉ trong hơn 20 ngày, quân dân Việt Nam đã tiêu diệt hơn 15 nghìn quân bành trướng, diệt hàng nghìn xe tăng, pháo, xe ôtô các loại… khiến chúng phải rút quân về bên kia biên giới.

Mỗi năm cứ đến ngày này, tôi luôn nhớ về sự tàn khốc của chiến tranh, nhưng nếu không kiên quyết đánh trả quân xâm lược thì chúng ta sẽ không có được hòa bình.

 

Cuộc chiến tranh ba sạch

Nhiều người, nhất là thế hệ trẻ ngày nay chưa thể mường tượng được sự tàn khốc của chiến tranh trong những năm tháng đó, ông có thể diễn tả lại mức độ ác liệt của cuộc chiến cách đây 40 năm?

Tôi đã tham gia nhiều cuộc chiến tranh như chống Pháp và chống Mỹ, mà đặc biệt là chống Mỹ, trong đó có những cuộc chiến cực kỳ ác liệt. Cụ thể là tại chiến trường Khe Sanh, tỉnh Quảng Trị có thể nói là đỉnh cao cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Nhưng cuộc chiến tranh bảo vệ Biên giới phía Bắc của chúng ta năm 1979 có thể nói cũng vô cùng ác liệt, không kém gì. Trung Quốc đã huy động hơn 60 vạn quân chỉ trong vòng thời gian 20 ngày đánh ở biên giới 6 tỉnh phía Bắc của chúng ta. Có thể nói họ đã tàn phá với tất cả những gì có thể tàn phá được. Cho nên chúng tôi có nói đây là cuộc chiến tranh ba sạch: phá sạch, lấy sạch và giết sạch.

Sau khi kết thúc chiến tranh, chúng tôi đi kiểm tra tại thị xã Cao Bằng thì tất cả một thị xã như vậy không một ngôi nhà nào còn nguyên vẹn. Hay ở thị xã Lào Cai và cả thị xã Lạng Sơn cũng vậy. Trung Quốc họ đã tàn phá hàng vạn ngôi nhà, bản làng của ta ở biên giới, cướp đi tất cả những cái gì có thể mang đi được. Vì ngoài lực lượng chính quy họ còn mang theo hàng vạn dân binh, họ lấy đi tất cả từ trâu, bò, lợn, gà, nồi, niêu… của dân ta. Thậm chí thời điểm đó, trong mỏ Apatit tỉnh Lào Cai, chúng ta vừa được Liên Xô trang bị máy móc, họ cũng tháo và lấy đi tất cả.

Về “giết sạch”, điển hình tại tỉnh Cao Bằng có một thôn với hơn 40 người đàn bà, phụ nữ và trẻ em, khi Trung Quốc tràn vào thì họ đến dùng súng, lưỡi lê bắn, đập chết hết rồi vùi xuống khe suối. Khi chiến tranh kết thúc, chúng ta về tìm mới thấy.

Hay ở tỉnh Lạng Sơn, khi quân xâm lược Trung Quốc vào thị xã Lạng Sơn, có một bản làng hơn 100 người dân, đa phần là phụ nữ, trẻ em. Lúc họ trốn vào trong pháo đài của Pháp xây dựng ngày xưa ẩn nấp, quân Trung Quốc phát hiện đã lấy rơm rạ thui chết tất cả hơn 100 người đó, có thể nói là vô cùng tàn bạo.

Đặng Tiểu Bình khi đó tuyên bố “dạy cho Việt Nam một bài học”, thực chất có phải như vậy hay chỉ là sự lừa bịp dư luận, thưa ông?

Chúng ta cần gì họ dạy đâu, mà đây chính là sự lừa bịp. Họ nói với nhân dân họ đây là cuộc phản kích tự vệ nhưng trên thực tế, chúng ta có mang quân tấn công Trung Quốc đâu mà họ phải phản kích tự vệ? Ở đây phải khẳng định là Trung Quốc đã xâm lược ta, đó là nguyên nhân đồng thời kết quả cuộc chiến tranh này. Về mặt chiến lược mà nói đây là cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam chúng ta.

Nhớ lại quá khứ không phải để khơi gợi lại những hận thù. Theo ông, làm sao để các thế hệ sau này thêm hiểu, mãi ghi nhớ, biết ơn những người đã hy sinh để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc?

Trước hết phải nói trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ chúng ta rất biết ơn nhân dân Trung Quốc đã giúp chúng ta giành được những thắng lợi to lớn. Điều đó chúng ta không quên, nhưng chúng ta cũng không thể lãng quên quá khứ, bởi đó là lịch sử.

Cho nên chúng ta luôn giáo dục cho con cháu chúng ta, không khơi dậy hận thù dân tộc nhưng phải luôn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác để sẵn sàng đánh bại bất kể kẻ thù nào nếu họ xâm phạm đến chủ quyền, lãnh thổ của đất nước Việt Nam.

Sự gắn kết giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bất cứ thời kỳ nào là cả một vấn đề lớn. Nếu chú trọng xây dựng mà không bảo vệ thì việc xây dựng sự nghiệp, cơ đồ sẽ khó bền vững. Nhưng bảo vệ cũng phải nhớ dựa trên cơ sở của một nền kinh tế vững chắc, có đủ sức, đủ lực.Quan điểm của ông thế nào?

Muốn bảo vệ Tổ quốc vững chắc thì trước hết phải xây dựng được nền tảng kinh tế của chúng ta. Kinh tế có mạnh thì quốc phòng mới mạnh. Do đó chúng ta phải tập trung vào xây dựng kinh tế của chúng ta ngày càng thật mạnh lên nhưng chúng ta không quên tăng cường cho quốc phòng để tạo nên sức mạnh của quân đội, sẵn sàng đánh bại tất cả kẻ thù. Còn nếu không chúng ta chỉ nghĩ đến xây dựng kinh tế, mà không nghĩ đến đảm bảo quốc phòng thì đó là không đầy đủ và cũng sẽ gặp khó khăn khi kẻ thù xâm lược chúng ta.

Dân tộc ta luôn phải kinh qua nhiều cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc. Vì lẽ đó, chúng ta quý trọng hoà bình hơn ai hết. Nhưng ông có cho rằng, thứ hoà bình, hữu nghị đó phải luôn được gắn liền với giữ vững độc lập chủ quyền, bảo vệ bằng được những thành quả của các thế hệ cha anh đã giành được cho đất nước?

Đối với dân tộc ta, kể cả muôn đời ông cha ta trước kia hàng nghìn năm cũng mong muốn hoà bình, yêu chuộng hòa bình. Nhưng chúng ta không thể yêu chuộng hoà bình vô điều kiện. Mà hoà bình phải gắn liền giữ vững nền độc lập dân tộc, lãnh thổ. Giữ vững tất cả, bất kể một tấc đất nào ở đất liền hay biển đảo chúng ta phải giữ bằng được.

Đến nay còn hơn 2.000 liệt sĩ nằm rải rác khắp chiến trường Vị Xuyên chưa quy tập được hài cốt. Nhiều thương binh chưa được hưởng chính sách, mộ liệt sĩ chưa có tên trong nghĩa trang… Sự hy sinh to lớn của hàng nghìn liệt sĩ và chiến thắng của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới dường như vẫn chưa được lớp trẻ ngày nay thấu hiểu hết cho đúng với tầm vóc của cuộc chiến?

Trong một thời gian dài, vì chúng ta giữ tình hữu nghị với nước láng giềng nên chúng ta không nói hoặc nói rất ít về cuộc chiến tranh này. Chính vì thế, vừa qua rất mừng là Nhà nước đã cho tổ chức thành lập Ban liên lạc mặt trận Vị Xuyên và qua việc này thì nhân dân một phần hiểu được cuộc chiến tranh như thế nào.

Một điều rất mừng nữa là sau kiến nghị của Ban liên lạc, đến năm 2018 vừa qua, Nhà nước đã chi hơn 200 tỷ để tổ chức rà phá bom mìn, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Kết quả đã tìm được một số anh em về quy tập tại nghĩa trang liệt sĩ. Nhưng có thể nói hơn 30 năm rồi chúng ta mới tìm kiếm là một thời gian quá muộn nên hài cốt liệt sĩ của chúng ta tan thành đá, thành đất, thành nước ở lại biên giới của Tổ quốc.

Đến nay nghĩa trang Vị Xuyên đang được tôn tạo nhưng những người trực tiếp chiến đấu ở mặt trận này vẫn có một mong muốn là cần có những khu di tích lịch sử để ghi lại những chiến tích và thắng lợi to lớn của quân và dân ta nơi biên cương của Tổ quốc.

Bên cạnh đó, vì cuộc chiến tranh cách đây 40 năm, những đơn vị chiến đấu trước đây thì phần lớn đã giải thể, nhiều anh, em chiến sĩ của chúng tôi đã là thương binh bệnh binh hay một số gia đình liệt sĩ không còn giấy tờ gì cả nên việc hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước còn nhiều khó khăn.

Thưa ông, Ban liên lạc mặt trận Vị Xuyên do ông làm Trưởng ban có thường xuyên gặp mặt hay không? Hiện cuộc sống của các cựu binh như thế nào?

Ban liên lạc mới ra đời từ ngày 14/7/2016, thời gian rất ngắn thôi nhưng trước đó các đơn vị đã tự thành lập rồi. Đặc biệt, sau khi Ban liên lạc mặt trận Vị Xuyên thành lập đã thống nhất được hoạt động, giúp đỡ anh em.

Vừa qua chúng tôi đã quyên góp được hơn 4 tỷ đồng để giúp đỡ các đồng chí có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng một số trường học như Thanh Thuỷ, Minh Tân, Cao Bồ… để giúp đỡ cho bà con, đấy là tình nghĩa của anh em chiến sĩ Vị Xuyên.

Trân trọng cảm ơn ông!


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Vị Xuyên & Thế Sự Việt – Trung ( kỳ 2) 

Do Van Tien

VNTB – Tiếng pháo ngày xuân

Phan Thanh Hung

VNTB – VNTB – Vị Xuyên và thế sự Việt – Trung (kỳ 6)

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.