Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tội bức cung và sự đồng bộ của thuật ngữ pháp lý

Cát Tường

(VNTB) – Việc một số người như bà Nguyễn Thúy Hạnh, ông Lê Anh Hùng sau khi vướng vòng lao lý đã phải chuyển sang điều trị bệnh lý tâm thần, phải chăng có phần nguyên do của bức cung?

 

Trong Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 16-12-1966 khẳng định những quyền cơ bản của con người, cụ thể: “Không ai có thể bị tra tấn, hoặc phải chịu những hình phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo, làm hạ thấp phẩm giá con người…” (Điều 7); “Những người bị tước tự do vẫn phải được đối xử nhân đạo và tôn trọng nhân phẩm” (khoản 1 Điều 10); Người bị buộc tội “có quyền không đưa ra những lời khai chống lại mình hoặc không bị ép buộc nhận tội” (điểm g khoản 3 Điều 14).

Việt Nam chính thức gia nhập Công ước này vào ngày 24-9-1982. Để nội luật hóa các nội dung của Công ước, trong các bản Hiến pháp của Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân luôn được xác định là các quyền hiến định, được bảo vệ tuyệt đối và ở mức cao nhất.

Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” (khoản 1 Điều 14); “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm” (khoản 1 Điều 20).

Bộ luật Hình sự năm 2015 tiếp tục ghi nhận các tội bức cung, nhục hình trong Chương XXIV về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp.

Lưu ý là cho đến nay vẫn chưa có sự điều chỉnh về sự thiếu đồng bộ về mặt thuật ngữ pháp lý được sử dụng. Đơn cử, khoản 1 Điều 374 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định như sau:

“1. Người nào trong hoạt động tố tụng mà sử dụng thủ đoạn trái pháp luật ép buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

Nội dung điều khoản này có điểm mới so với quy định tại khoản 1 Điều 299 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) trong việc điều chỉnh việc sử dụng thuật ngữ pháp lý “người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung” thay thế cho thuật ngữ “người bị thẩm vấn”. Đây là một sự sửa đổi, bổ sung phù hợp.

Tuy nhiên, quá trình áp dụng vào thực tiễn vẫn còn một số hạn chế, gây ra nhiều cách hiểu không thống nhất về việc xác định phạm vi chủ thể của tên Điều luật với chủ thể trong nội dung cụ thể của khoản 1 Điều 374 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, tên Điều luật được giữ nguyên là “tội bức cung”, còn trong khoản 1 Điều 374 nhà làm luật thay thế bằng thuật ngữ “người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung”.

Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, thì người bị hỏi cung chỉ bao gồm bị can, còn người bị lấy lời khai có thể là người làm chứng, người bị hại hoặc những người tham gia tố tụng khác.

Tuy nhiên, về mặt ngữ nghĩa, thì thuật ngữ “bức cung” được hiểu là việc dùng các thủ đoạn trái pháp luật để buộc người bị hỏi cung (bị can) phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc.

Như vậy, hiểu theo nghĩa hẹp, thì thuật ngữ bức cung chỉ áp dụng đối với đối tượng là bị can mà không gồm những người tham gia tố tụng khác. Như vậy, căn cứ phân tích ở trên, thì việc đặt tên Điều luật là “tội bức cung” là chưa hoàn toàn chính xác và chưa bao quát hết phạm vi nội hàm mà nội dung Điều luật hướng đến.


Tin bài liên quan:

VNTB – Tập thể làm đơn xin giảm án cho quan tham: tính nhân văn xã hội chủ nghĩa

Do Van Tien

VNTB – Xử tù một người đang tình trạng hạn chế năng lực nhận thức

Do Van Tien

VNTB – Việt Nam không cần đến tòa án Hiến pháp?

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo