Đoàn Viết Hoạt
(VNTB) – Tôi đã trình bầy nhiều lần rằng tôi không chấp nhận bản án của tòa án thì tại sao tôi lại phải xin đặc xá.
(Trich HOI KY sap xuat bản)
Vào khoảng giữa tháng 8 tôi lại bị kêu ra làm việc. Lần này cũng lại gặp ba cán bộ từ trung ương xuống, hai người cũ và một trưởng đoàn mới. Người trưởng đoàn này cũng mặc thường phục. Ông ta cầm trong tay lá đơn của tôi và vào thẳng vấn đề:
– Tôi là trưởng ban cứu xét đặc xá của Bộ Công an. Anh viết đơn như thế này thì chúng tôi không thể cứu xét được. Muốn đi đoàn tụ gia đình thì anh phải được nhà nước đặc xá trước đã. Chưa được tha làm sao đi đoàn tụ gia đình được. Anh phải viết lại đơn này, đề rõ “đơn xin đặc xá để đoàn tụ gia đình” thì chúng tôi mới xét được.
– Không bao giờ tôi xin đặc xá cả. Tôi đã trình bầy nhiều lần rằng tôi không chấp nhận bản án của tòa án thì tại sao tôi lại phải xin đặc xá. Tha hay không là việc của nhà nước, của các ông. Tôi không xin.
– Nếu thế thì việc đi đoàn tụ gia đình của anh không thể giải quyết được. Nó không đúng thủ tục. Không có lệnh tha thì cơ quan cấp hộ chiếu không thể làm thủ tục được.
– Thủ tục ở trong tay các ông cả chứ ở đâu. Nhưng dù thế nào tôi cũng không xin đặc xá. Các ông cũng không thể gài tôi viết bất cứ điều gì để sau này các ông dùng bôi nhọ danh dự của tôi và xóa sổ việc làm của tôi được. Như trường hợp các ông đã gài ông Võ Ðại Tôn.
– Sao anh lại ví anh với Võ Ðại Tôn được. Chúng tôi làm sao lại cư xử với anh như với tên Võ Ðại Tôn được. Chúng tôi đánh giá tên đó rất thấp. Nó quị lụy van xin chúng tôi tha cho nó. Ðược đi thong dong ở Hà Nội, thấy gái là híp mắt lại. Anh là trí thức, chúng tôi bíêt chứ, phải cư xử khác chứ.
– Không, các ông đừng nói xấu ông Võ Ðại Tôn để gài tôi vào bẫy của các ông. Việc các ông đối xử với ông Võ Ðại Tôn như thế nào chỉ có ông ta biết, nhưng tôi thấy rõ là các ông “gài bẫy” ông ta để sau đó đem lên báo công an nhục mạ ông ta. Ðó không phải là hành động đàng hoàng. Tôi không thể để các ông làm như thế được, dù tôi biết các ông cũng sẽ cố tìm mọi cách để làm như thế với tôi.
Lá bài đã đến lúc phải lật ngửa. Giờ phút này không thể mập mờ được nữa. Ðối đầu với thủ đoạn bằng thủ đoạn chỉ có thất bại. Nhất là với những người đã lão luyện với thủ đoạn, suốt quá trình đấu tranh chỉ dùng thủ đoạn, là bậc thày của các loại thủ đoạn từ tinh vi đến thô bạo. Bậc thầy của cả những người thầy Nga Tầu đã dậy họ. Bởi vì trong những người cộng sản Việt Nam có hai thứ: cái thủ đoạn và nhẫn tâm của trường đấu tranh cộng sản quốc tế, và cái chất thông minh tinh ma, vặt vãnh của người Việt –cái tinh ma do hoàn cảnh sinh tồn bắt buộc phải có của một dân tộc nhỏ yếu luôn bị đe dọa diệt vong. Chinh nhờ cái chất thứ hai đặc thù dân tộc này mà cộng sản Việt Nam vẫn tồn tại. Dù đang phải lột xác (thuế biến) rất nhiều và sẽ tiếp tục bị buộc phải “đương biến, tiệm biến và thuế biến” ngày càng mãnh liệt hơn. Ðể đến ngày N nào đó không xa nữa sẽ gặp phải cơn “đột biến” không kiểm soát được và sẽ không còn là chính họ nữa. Như quy luật về chuyển biến xã hội mà Lý Tiên sinh đã thấy.
Trước một đối thủ tinh ma lão luyện như thế không thể dùng thủ đoạn để đối phó. Mà phải khai quật dậy cái “dũng của thánh nhân”, cái khát vọng “sống như môt Con Người” vẫn luôn tiềm ẩn một cách trong sáng và giản dị trong mỗi con người bình thường. Cái mà Lý Ðông A gọi là “phi thường trong bình thường”, những công việc của thánh nhân mà làm bởi những “bố cu mẹ đĩ”. Ðúng, chính thời gian ở tù, va chạm với đủ mọi đa dạng khác biệt, vâng, chính thời gian ở tù gần hai mươi năm qua đã cho tôi hiểu, thật hiểu, thật “nắm được” thế nào là “phi thường nằm trong bình thường”, là những công việc thánh nhân mà làm bởi những “bố cu mẹ đĩ”2, những từ của Lý Đông A diễn đạt các hình thái chuyển biến trong xã hội, từ những phẩm chất cao quí nhất của con người, những phẩm chất tự nhiên thường đột nhiên bừng nở ra vào một lúc không trông đợi nhất– đến những tệ mạt nhất của con người và xã hội, những tệ mạt lại cũng thường đột nhiên xuất hiện ở những lúc và ở những con người ta không thể ngờ được nhất. Cộng sản đã sụp đổ ở Liên Xô và Ðông Âu cũng chỉ vì những hành động rất “phi thường” của những con người thật bình thường. Những “bố cu mẹ đĩ” đó đã sống dưới chế độ cộng sản suốt gần một thế kỷ, chịu bao đầy đọa, khổ nhục, bao cố gắng từ thô bạo đến tinh vi, để biến họ thành những “con người mới xã hội chủ nghĩa”, mà thật sự chỉ là những con người không phải Con Người. Nhưng họ vẫn như thế, vẫn thản nhiên tiếp tục “là Người”, đơn thuần, giản dị và trong sáng “là Người” và “làm Người”. Ðể đến khi có thời cơ, có điều kiện, họ cũng thản nhiên, giản dị và trong sáng đứng dậy, rũ nhẹ khỏi người họ tất cả thế kỷ cộng sản, và tiếp tục thanh thản tiến bước trên con đường “là Người và làm Người” muôn thuở của những Con Người, và như những Con Người bình thường không cần phải là thánh nhân.
Dân tộc Việt cũng đã trải qua nhiều lần thử thách như thế. Và đã sản sinh ra những vũ khí tinh thần giản dị và trong sáng như thế để thắng lướt được nghịch cảnh và tiếp tục tồn tại cho đến hôm nay, với những vũ khí đương nhiên tự có của mỗi con người.
Lấy Ðại Nghĩa để thắng hung tàn
Ðem Chí Nhân mà thay cường bạo.
Ngày nay dân tộc Việt cũng đang đứng trước một thử thách lớn. Một trăm năm nay dân tộc Việt đã bắt buộc phải mở ra với một thế giới hoàn toàn mới lạ, khác hẳn với thế giới Trung Hoa và Ðông phương quen thuộc. Nếu năm 1000 cha ông chúng ta đã thành công phục hưng được dân tộc sau mười thế kỷ đen tối, thì vào thời đại 2000 này chúng ta có thực hiện được một cuộc phục hoạt Việt mới hay không? Trước cơn sóng thời đại đã và đang tràn vào đất nước ta, từ hơn một trăm năm nay, cả quốc tế tư bản và quốc tế cộng sản? Và sẽ tiếp tục tràn vào mãnh liệt hơn, ồ ạt hơn, trong thời đại của internet và nền kinh tế tư bản của thời đại toàn cầu hóa? Cơn sóng trào này đã mang theo vào đất nước Việt bao nhiêu chất liệu và cơ hội tiến hóa chưa từng có. Ðồng thời cũng mang theo những thách đố cũng vô cùng cam go và trở ngại. Hơn một trăm năm qua dân tộc ta đã vượt qua được nhiều cam go thử thách. Chế độ cộng sản hiện nay chỉ là một trong những thách đố cuối cùng còn lại. Dân tộc ta chắc chắn cũng sẽ vượt qua được thách đố này. Nhưng cái thách đố lớn nhất của thời đại 2000 vẫn còn đó, vẫn nằm chờ đợi chúng ta, đằng sau mọi thách đố, và ngay đằng sau thách đố cộng sản. Cũng như trước đây, cái thách đố cộng sản đã nằm phục sẵn chờ đợi chúng ta ngay đằng sau thách đố thực dân.
Thách đố lớn nhất trong thời đại 2000 này đối với dân tộc Việt là:
Dân tộc chúng ta sẽ ra sao, sẽ đi về đâu trước sóng trào nhân loại và thời đại toàn cầu?
Chúng ta chỉ có thể đối phó thành công với thách đố này bằng một tiền đề căn bản: Dân tộc Việt chỉ tiến hóa được khi nhanh chóng hội nhập hoàn toàn vào dòng thác tiến hóa chung của nhân loại mà vẫn không mất bản sắc Việt của mình. Và câu hỏi lớn nhất là trước thế giới toàn cầu mà nước Việt phải hội nhập thì bản sắc Việt còn lại là gì? Mà toàn cầu là của toàn nhân loại chứ không phải theo riêng một trào lưu tiến bộ cực quyền nào, dù mỗi trào lưu cực quyền đó đều có những điểm tinh túy riêng của nó, đóng góp vào sự tiến bộ chung của toàn nhân loại.
Thời đại 2000 đang đem lại cho dân tộc ta một cơ may lạ lùng, rất phù hợp với bản chất dân bản và nhân bản trong truyền thống đạo lý dân gian của dân tộc ta, truyền thống đạo lý “vô danh là gốc đạo”3. Ðó là: đã đến lúc dân tộc và nhân loại có thể hòa hợp thành một. Tiến hóa của mỗi dân tộc, của mỗi trào lưu văn minh, dù Tây hay Ðông, dù Mỹ hay Nga, tới nay đều có cơ hội và điều kiện để hòa nhập vào dòng tiến bộ chung của cả nhân loại, thành tài sản trí tuệ chung cho mọi dân tộc.
Do đó dân tộc Việt, vốn có được truyền thống và khả năng –do hoàn cảnh địa lý chính trị hun đúc nên—dung hợp được mọi yếu tố văn hóa dị biệt vào dòng văn hóa đặc thù của dân tộc để tồn tại mà không bị hòa tan, nay trong thời đại toàn cầu này, đang gặp được môi trường thuận lợi chưa từng có để phát huy truyền thống và khả năng văn hóa ấy, thực hiện được cuộc đại hòa hợp văn hóa, văn minh Ðông Tây, kim cổ, dân tộc và nhân loại. Ðể vừa mở đường thoát cho riêng dân tộc mình, và biết đâu chẳng góp phần nhỏ bé vào việc xây dựng một nền văn hóa nhân loại cho mọi dân tộc. Ðấy phải là Tầm nhìn và Chỉ hướng của mọi người Việt cho tương lai Việt Nam. Sức mạnh của tiến bộ toàn cầu, của toàn thế giới, của cả nhân loại, phải được chuyển thành sức mạnh, thành cái vốn cho dân tộc ta. Chỉ ở đó dân tộc Việt mới có đủ sức mạnh vươn mình dậy, phục hưng lên nhanh chóng và toàn diện.
Việt Nam phải là một con rồng văn hóa, không phải là con rồng hay con hổ kinh tế. Ðể vượt qua mọi thách đố, vươn lên chung hưởng ánh sáng văn minh nhân loại, mà vẫn phát huy được bản sắc Việt của mình, trong thời đại 2000. Như Tầm nhìn mà Lý Đông A đã đưa ra.
Với những suy nghĩ và niềm tin đầy viễn cảm như thế, trước những người công an cộng sản tôi thấy lòng thanh thản, và thương cảm cho họ. Họ phải nói những điều họ không còn tin tưởng. Họ có thể sung túc hơn nhưng chắc chắn tâm hồn không còn thanh thản. Những điều tôi nói chắc chắn họ chưa thể chấp nhận được nhưng họ cũng không thể nào thật sự bác bỏ được. Tôi say sưa nói hết những suy nghĩ thật của tôi không cần giấu diếm gì. Tôi nói mà lòng nhẹ nhàng trong sáng vì tôi tin rằng đã đến lúc những người Việt có thể nói chuyện với nhau một cách thẳng thắn và trung thực, dù vẫn rất khác nhau. Ðất nước sắp bước ra khỏi căn hầm tối và bước hẳn vào vùng áng sáng mặt trời. Hãy đối xử với nhau như những con người trung thực dưới ánh sáng mặt trời.
Một trong hai người vẫn ngồi nghe từ đầu đến giờ đột nhiên đứng dậy chỉ vào mặt tôi, nói giọng giận dữ:
– Anh Hoạt, tôi nói để anh biết. Anh là ba đời chống cộng. Anh là một trí thức đầy một bụng chữ mà có bốn chữ thôi anh cũng không chịu viết (“Đơn Xin Đặc Xá”). Chúng tôi sẽ để anh ở đây cho tới hết án để anh biết thân.
Nói xong anh vùng vằng bỏ ra ngoài. Anh ta không còn che giấu bản chất thật của anh được nữa. Có lẽ trút xong nỗi bực dọc như thế anh mới thấy nhẹ nhàng thoải mái được. Anh ta đã phải ngồi chịu trận quá lâu rồi, ngoài sức chịu đựng bình thường của anh ta. Tôi nhìn người trưởng đoàn đối diện, chỉ tay theo người cán bộ vừa bước ra ngoài, nói:
– Ông nói thì nghe nhẹ nhàng lịch sự lắm. Nhưng đó mới là sự thật phải không ông? Tôi nghĩ chúng ta nên chân thực với nhau thì thích hợp hơn. Các ông cứ làm bổn phận của các ông đi. Tôi không có gì oán hận các ông cả. Tôi nghĩ nếu tôi là các ông, sống và làm việc trong một hệ thống tổ chức như đảng cộng sản, chắc tôi cũng không thể làm khác được. Chính vì thế mà tôi muốn thoát ra, không chấp nhận một hệ thống chính trị xã hội như thế. Thôi chúng ta nên chấm dứt việc này. Ông cho tôi nhận lại đơn xin đoàn tụ. Tôi sẵn sàng chịu mọi hậu quả do việc làm và quan niệm của tôi.____