VNTB – Tôi và ông tranh luận sòng phẳng trên trang báo không?

VNTB – Tôi và ông tranh luận sòng phẳng trên trang báo không?

Phú Nhuận

 

(VNTB) – Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng kêu gọi “Đất nước đang cần tiếng nói trung thực, quả cảm”.

 

Thưa ông, xin đừng mị dân bằng ngôn từ của người cộng sản nữa. Giặc nội xâm đầy đường, đầy chợ, thối nát từ rừng tới biển nhưng tôi không dám đề nghị thay đổi thể chế vì nói ra lại bị cho là p.h.ả.n đ.ộ.n.g !!!

Thấy trong lý lịch khoa học ghi ông Võ Văn Thưởng theo học triết ở trường Đại học Tổng hợp TP.HCM, thì ắt hẳn ông đã biết rõ: biến chất thì phải thay, mâu thuẫn xã hội thì phải giải quyết, có cạnh tranh mới tiến bộ, mới chọn được người có tài đức, xu hướng của thời đại là phải dân chủ, tiến bộ, công bằng, văn minh.

Thế nhưng trên thực tế thì từ khi có chức tước, quyền bính, ông có chịu nghe đâu, suốt ngày ông cứ cho rằng nó là tốt đẹp, nó là tiến bộ để giai cấp công nông nói riêng và nhân dân lao động nói chung, họ phải còng lưng nuôi nhóm quan tham và mãi mãi không thể ngóc đầu.

Cá nhân tôi muốn tranh luận với ông một cách sòng phẳng, ông có chịu không?

Lúc còn làm việc ở một tòa soạn báo chí nhà nước, tôi từng phụ trách Ban Bạn đọc. Thư từ khiếu nại, tố cáo của người dân về các chính sách bất công, vô lý của chính quyền địa phương cho đến tận trung ương là nhiều vô số kể. Nhiều bạn đọc chỉ mong là trang báo nên mở mục đại loại như “dịch vụ cậy đăng” để họ có thể lên tiếng đầy đủ về những bất công xã hội – chính trị mà họ đang phải gánh chịu.

Việc “lên tiếng” này là phù hợp với tiêu chí là báo chuyên trách về luật pháp, nơi tôi công tác. Thế nhưng Tổng biên tập, xuất thân là một cựu an ninh quân đội, đã không đủ… ‘máu liều’ để làm cú đột phá này.

Tôi còn nhớ, nhà báo Đinh Phong (ông đã mất) từng bắt tay với ông Lê Hiếu Đằng (ông cũng đã mất) cho dự án báo chí với manchette là “Tiếng Dân”, chuyên đăng những bất công, đọa đày cụ thể mà người dân từ thôn quê đến thành thị đang phải gánh chịu. Một số nhà báo được mời tham gia dự án này, hầu hết đều rất hào hứng.

Đầu ra sản phẩm tờ báo giấy “Tiếng Dân” có thể bán với giá 0 đồng, lợi nhuận thu về cho sản xuất là từ “chạy chân trang quảng cáo” – tức một hình thức của “cưỡng bức xem quảng cáo”, mà vừa đỡ tiền in ấn riêng trang quảng cáo. Một nhà báo từng quản lý về quảng cáo nói rằng hễ trang báo nào có độc giả, là cơ hội mời được doanh nghiệp tham gia quảng bá, tiếp thị thương hiệu.

Đầy hào hứng, nhưng rồi nghe đâu Ban Tư tưởng Thành ủy TP.HCM từ chối phê chuẩn, mà thiếu sự đồng ý của ban này thì coi như dự án “Tiếng Dân” đã rớt ngay từ… “vòng gửi xe”.

Cá nhân tôi cho rằng ông Võ Văn Thưởng là một chính khách có được nhóm trợ lý báo chí soạn diễn văn bóng bẩy, song ông thiếu những tư vấn quyết liệt hơn trong vấn đề thực thi quyền quản trị.

Đơn cử, là người đang nắm giữ Trưởng Ban Cải cách tư pháp Quốc gia, song đến nay ông Võ Văn Thưởng đã làm gì để góp phần giải quyết thực trạng về ngành y tế – đơn cử chuyện dịch bạch hầu đã có mặt ở Điện Biên, Hà Giang và Thái Nguyên, và cả 3 nơi đều đã có người chết do bạch hầu. Điểm chung là các ca tử vong đều chưa tiêm phòng, hoặc tiêm chưa đủ liều.

Trong khi đó, chúng ta đang thiếu vắc-xin tiêm chủng mở rộng. Nguy cơ dịch bùng phát hiện hữu. Mà đâu chỉ bạch hầu. Bất hợp lý là Việt Nam sản xuất được vắc-xin bán cho WHO, nhưng trẻ Việt Nam thì không có vắc-xin sử dụng.

Nguyên nhân được nhìn nhận vẫn là do vướng mắc về vấn đề thủ tục trong đấu thầu. Vướng mắc này riêng Bộ Y tế không giải quyết nổi, mà phải có cả Bộ Tài chính.

Đây là sinh mạng của hàng triệu trẻ em chứ không phải chuyện đùa, kính thưa ông Võ Văn Thưởng.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)