Trúc Giang
(VNTB) – Từ yêu cầu của ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, về việc xem xét kỷ luật ông Đinh La Thăng về những sai phạm lúc ông này còn quản lý doanh nghiệp; cho đến chuyện ông Võ Kim Cự buộc phải bãi nhiệm tư cách Quốc hội theo yêu cầu của Ban Bí thư, cho thấy ở Việt Nam các quyền hành pháp, tư pháp đều nằm trong tay của Bộ Chính trị, với người đứng đầu là tổng bí thư Đảng CSVN.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: vừa ẵm em, vừa xay lúa?
Ngày 28-4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc với 130 cử tri phường An Lạc, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Bà Chủ tịch Quốc hội cho biết Ban Bí thư đã chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội làm thủ tục bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Võ Kim Cự.
Từ hai vụ việc trên cho thấy mặc dù Hiến pháp ghi “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” (Điều 2.1); “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước” (Điều 69), thế nhưng trên thực tế thì quyền lực chính trị cao nhất thuộc về Bộ Chính trị với người đứng đầu là Tổng bí thư Đảng CSVN.
Ông Tổng bí thư điều hành bộ máy nhân sự chính phủ không phải bằng hệ thống văn bản pháp luật, mà bằng các thể loại văn bản mang tính nội bộ của Đảng cầm quyền; như Nghị quyết, Quy định, Quyết định.
Đơn cử, ngày 30/10/2016, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Với văn bản này, ông Nguyễn Phú Trọng đã nhân danh bảo vệ sự tồn vong của Đảng và chế độ, để đưa ra 9 nội dung thật ra chủ đích nhằm bảo vệ cho ghế tổng bí thư, bằng cách sẳn sàng triệt hạ bất kỳ cá nhân nào trong bộ máy quyền lực của Đảng, của Quốc hội và của Chính phủ có các ý kiến đòi hỏi về đa nguyên – đa đảng, về việc phải có tư hữu hóa đất đai, về việc đòi phi chính trị hóa quân đội…
Trở lại với trường hợp kỷ luật ông Đinh La Thăng và bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của ông Võ Kim Cự. Cả hai trường hợp đều cho thấy Bộ Chính trị kiêm luôn hành pháp và tư pháp. Nói theo ngôn ngữ hình tượng dân gian, ông tổng bí thư đang vừa ẵm em, vừa phải xay lúa.
Quyền tư pháp ở Việt Nam: phận con sâu, cái kiến
Sự khác biệt lớn nhất của mô hình tư pháp trong các chính thể hiện đại của các nước và ở Việt Nam thể hiện ở chỗ: Quyền tư pháp trong các nhà nước tư bản được phân định là quyền xét xử và được tổ chức độc lập, ngang bằng với các nhánh quyền lực khác nhằm mục đích kìm chế và đối trọng lẫn nhau.
Ở Việt Nam, quyền tư pháp là nhánh quyền lực phái sinh từ cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất (Quốc hội), không có vị trí độc lập, ngang bằng và càng không đối trọng với quyền lập pháp, hành pháp. Khác biệt tiếp theo là quyền tư pháp với các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được phân giao cho nhiều cơ quan thực hiện, trong đó có cơ quan đúng nghĩa là cơ quan tư pháp như tòa án các cấp (thực hiện quyền xét xử), nhưng cũng có cơ quan không phải là cơ quan tư pháp, mà là cơ quan kiểm sát (giao thực hành quyền công tố) và thậm chí là cơ quan hành chính (giao thực hành quyền điều tra và thi hành án).
Như vậy, trong số các cơ quan thực hành quyền tư pháp (Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án và Cơ quan thi hành án) không phải tất cả hoạt động của chúng đều thuộc đối tượng giám sát tư pháp (GSTP), mà chỉ một mặt hoạt động có tính tư pháp trong số đó. Và cũng có những cơ quan vừa chịu sự giám sát của các chủ thể GSTP, lại đồng thời được thực thi quyền GSTP (như Viện Kiểm sát nhân dân). Chính các yếu tố này quyết định đặc thù của cơ chế GSTP hiện hành của Việt Nam.
Chính cơ chế như trên đã giúp ông Nguyễn Phú Trọng mạnh tay ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW; cũng chính cơ chế trên đưa tới hệ lụy tất yếu là trong rất nhiều vụ án xảy ra tại các doanh nghiệp, như vụ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) liên quan đến ông Đinh La Thăng đã phải kéo dằng dai cho đến tận hôm nay, khi mà lần lượt sau đó ông Đinh La Thăng mặc dù vấp nhiều sai lầm trong quản lý đưa đến hậu quả nghiêm trọng ở PVN, song vẫn được trao chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Sau đó, ông Đinh La Thăng còn được ông Nguyễn Phú Trọng phân công là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII, và nhận chức vụ Bí thư thành ủy TP.HCM.
Giờ đây, nếu quả thật ông Đinh La Thăng có nhiều sai phạm thời gian làm quản lý ở PVN, thì ông Đinh La Thăng phải đối mặt với trình tự tố tụng hình sự, chứ không phải là án kỷ luật từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương như trong một thông báo vào cuối giờ chiều hôm 27-4-2017.