Việt Nam Thời Báo

VNTB – Trả lại tài sản tôn giáo

Phạm Lê Đoan

(VNTB) – Kỳ vọng sẽ có sự thay đổi về cách hiểu quyền tài sản liên quan đến yếu tố tôn giáo dưới thời Thủ tướng Phạm Minh Chính.

 

Tháng 9-2009, Hãng tin của Hội Thừa Sai Paris (MEP) đưa tin: Thủ tướng Việt Nam kiên quyết không nhượng bộ các yêu cầu của Vatican nhằm vào việc trả lại các tài sản mà nhà nước đã tịch thu của Giáo Hội.

Chính phủ Việt Nam quyết định bày tỏ công khai ý định không nhượng bộ các yêu cầu của cộng đồng Công giáo và của Vatican, liên quan đến việc trả lại các tài sản Giáo Hội bị Nhà nước tịch thu thời kỳ thiết lập chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đó là những gì Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố hôm Thứ sáu, ngày 18-09-2009 ở Budapest, sau một cuộc trao đổi với Thủ tướng Hungary lúc đó là Gordon Bajnai. Trong tuyên bố của ông Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Vatican không thể đòi trả bất cứ tài sản nào trên lãnh thổ của Việt Nam.

Nguyên cả một đoạn do VOA ghi lại và công bố sau đó về phát biểu của ông Nguyễn Tấn Dũng, có liên quan đến Vatican: “Tôi muốn nói điều này rõ ràng: Vatican không có tài sản nào ở Việt Nam. Trên lãnh thổ Việt Nam, đất đai thuộc về duy nhất đất nước này, thuộc về dân tộc, các công dân của nó. Không có bất cứ tài sản nào thuộc về một tôn giáo của một đất nước ngoại quốc, Vatican. Những yêu cầu trao trả về những gì gọi là “các tài sản của Vatican” là những đòi hỏi vô căn cứ, không phù hợp với Hiến pháp và Luật pháp nước Việt Nam”.

Có thể minh chứng cho tuyên bố của ông Nguyễn Tấn Dũng qua việc thông tin giải tỏa Dòng Mến Thánh Giá và Nhà thờ Thủ Thiêm xuất hiện trên cả phương tiện truyền thông chính thống và phi chính thống trong hai thập niên quy hoạch phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng được xem như một dạng “khổ chế”.

Manh động đầu tiên là ủi sập trường Nam Thủ Thiêm năm 2012. Ngôi trường hơn trăm tuổi (xây dựng năm 1875) là một trong ba cơ sở giáo dục của Hội dòng nằm ngoài khuôn viên Tu viện, cùng với trường Nữ Thủ Thiêm (1875) và trường Nữ Thánh Anna (1957). Tháng 10-2015, sóng gió lại nổi lên. Các nữ tu kịp thời ra hiện trường can ngăn khi chính quyền quận 2 tập kết phương tiện cơ giới chuẩn bị tháo dỡ trường Nữ Thánh Anna.

Cả ba ngôi trường được Hội dòng bàn giao cho Sở Giáo dục TP. HCM sau khi Nhà nước công lập hóa hoạt động giáo dục từ 1975. Thông cáo chung giữa Sở Giáo dục TP. HCM và Ủy ban liên lạc Giáo dục Công giáo ngày 15-10-1975 nêu rõ: “Quyền sở hữu các trường sở nói trên vẫn thuộc về Giáo hội Công giáo. Trong trường hợp muốn dành cơ sở phục vụ cho một mục tiêu khác ngoài mục tiêu giáo dục, cần phải có sự thỏa thuận của đôi bên”.

Từ 5-9-2011, cả ba trường ngưng hoạt động, là cơ sở để Hội dòng yêu cầu Nhà nước trả lại cho Giáo hội. Đầu năm 2017, thông tin giải tỏa Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và Nhà thờ Thủ Thiêm lại rộ lên, nhất là sau khi chùa Liên Trì bị cưỡng chế thành công. “Tin vào Chúa, xin Chúa thương, gìn giữ. Cảm ơn Chúa đã cho chúng con sức mạnh giữ lại mái nhà của Chúa”, sơ Maria Nguyễn Thị Ngoan nhớ lại.

Tuy nhiên rải rác đâu đó các diễn biến cho thấy Việt Nam dần thay đổi trong cách hiểu về quyền tài sản có yếu tố tôn giáo trước những áp lực của các nội dung về cải cách kinh tế.

Hồi tháng 9-2011, Linh mục Phao-lô Nguyễn Chí Thiện, quản xứ Trung Quán cho hay chính quyền tỉnh Quảng Bình đã quyết định trả lại đất cho giáo xứ sau nhiều thập niên mượn làm trường mẫu giáo.

Ông Bênêđictô Trần Quang Đảm, chủ tịch hội đồng giáo xứ, kể giáo dân trong xứ xây dựng nhà thờ, nhà xứ và trường dạy giáo lý trên khu đất rộng 3.730 mét vuông năm 1938. Tổ tiên của họ theo đạo từ năm 1676 và người con của giáo xứ là Thánh Tô-ma Trần Văn Thiện tử đạo năm 1838.

Đến năm 1976 thì chính quyền ‘mượn’ toàn bộ khuôn viên này để xây trường mẫu giáo. Từ năm 1995 đến nay, giáo xứ đã làm hơn hai chục lá đơn gửi lên chính quyền các cấp để ‘xin’ giải quyết đất đai và xây dựng cơ sở thờ tự tôn giáo. Ông Đảm cho biết trong 10 năm liền giáo dân phải dự lễ tại nhà riêng vì không có cơ sở thờ tự. “Do mỗi năm có 30 đến 200 người gia nhập đạo nên chúng tôi ao ước xây nhà thờ mới để có chỗ thờ phượng” – ông nói.

Bản tin điện tử UCANNEWS.com, tức hãng tin của Liên hiệp Công giáo Châu Á, số ra ngày 1/12/2009 trích dẫn lời của Đức giám mục Nguyễn Văn Nhơn khi ấy là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, nói rằng Giáo hội vẫn tiếp tục yêu cầu nhà nước hoàn lại tài sản mà chính quyền đã tịch thu của Giáo hội từ năm 1980 tới nay để sử dụng làm cơ sở đào tạo linh mục.

Trong một cuộc phỏng vấn đăng trên trang web của Hội đồng giám mục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam cho biết Giáo hoàng Học viện được xây dựng hồi thập niên 60, được khánh thành ngày 23-4-1964, thể theo thỉnh nguyện của các giám mục miền Nam Việt Nam xin Tòa Thánh thiết lập một đại chủng viện có khả năng cấp văn bằng tương đương bậc đại học.

Đến tháng 9-1964, Nghị định số 604 đã công nhận quyền sở hữu vĩnh viễn cho Tòa Khâm sứ Tòa thánh Vatican tại Việt Nam trên lô đất có diện tích 79 ngàn 200 mét vuông. Sau 1975, cơ sở này bị nhà nước trưng thu.

Tưởng cũng nên nhắc lại: Linh Mục Nguyễn Văn Lý, cuối năm 1999 sang đầu năm 2000, ngài đã cùng giáo dân giáo xứ Nguyệt Bìu (cách Huế chừng 7 cây số về phía Tây) căng biểu ngữ “Tự do tôn giáo hay là chết” khi chống lại nhà cầm quyền địa phương lấn chiếm đất đai của giáo xứ. Cha Lý bị kết án tù 8 năm hồi cuối Tháng Ba 2007 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”.

Sau khi bùng nổ vụ cầu nguyện đòi cơ sở Tòa Khâm sứ ở Hà Nội, người ta mới thấy xuất hiện thêm một số vụ khác như đòi cơ sở của Dòng Chúa Cứu Thế ở Thái Hà, Hà Nội, đòi nhà xứ ở thành phố Hà Ðông, đòi một số cơ sở ở Sài Gòn…

Sắp tới đây, với sự kiện Đức Thánh Cha Phanxicô sang thăm Hà Nội, có lẽ sẽ giúp mở ra bước ngoặc mới trong yêu cầu đòi lại quyền sở hữu đất đai của tôn giáo: Hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa.

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Người ta đang xỏ xiên Đảng?

Do Van Tien

VNTB – Phật giáo nguyên thủy theo phái Nam tông mà chùa Ba Vàng muốn được gia nhập là gì?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – VinFast rung chuông tại Nasdaq giúp tạo hiệu ứng ‘lên dây cót’ chính sách

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.