Việt Nam Thời Báo

VNTB – Trách nhiệm của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ở đâu trong lãnh vực y tế?

Phạm Lê Đoan

(VNTB) – Theo thuyết âm mưu thì chuyện khủng hoảng y tế hiện nay là không nên trách cứ Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Theo Quyết định số 1460/QĐ-TTg do Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành ngày 6-9-2021, thì Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban cán sự đảng Chính phủ, được phân công trách nhiệm cụ thể như sau:

  1. a) Thay mặt Thủ tướng Chính phủ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác: Giáo dục, đào tạo và dạy nghề; Khoa học và công nghệ; Lao động, việc làm và các vấn đề xã hội; Thông tin và truyền thông; Văn hóa; du lịch; thể dục, thể thao; Y tế, dân số, gia đình và trẻ em.
  2. b) Thay mặt Thủ tướng Chính phủ theo dõi và chỉ đạo: Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Y tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
  3. c) Làm nhiệm vụ: Chủ tịch Hội đồng quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực; Chủ tịch Hội đồng Giáo dục quốc phòng – an ninh Trung ương; Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh; Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch; Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm; Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; Chủ tịch các Hội đồng, Ủy ban quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo khác theo lĩnh vực liên quan.
  4. d) Các công việc khác theo sự phân công, ủy nhiệm của Thủ tướng Chính phủ”.

Như vậy với tình trạng kéo dài của việc thiếu thuốc và vật tư y tế, cùng với đó còn là chuyện nhân viên y tế xin nghỉ việc, cho thấy trách nhiệm quản lý cụ thể ở đây về mặt nhà nước đang thuộc về Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Ghi nhận tại TP.HCM cho thấy hầu hết các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đều gặp phải tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Đơn cử, bệnh viện Truyền máu – Huyết học thiếu những thuốc hiếm nhập khẩu, chưa được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) phê duyệt dù đã nộp hơn 6 tháng; bệnh viện này cũng thiếu 2 thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị bệnh bạch cầu cấp dòng lympo, dòng tủy.

Bệnh viện Ung bướu thiếu 2 loại thuốc ung thư. Bệnh viện đa khoa Sài Gòn thì một số thuốc giá trị thấp bệnh viện không mua được, nên phải kê toa để bệnh nhân ra ngoài mua; ngay cả dung dịch thụt tháo nhưng bệnh viện vẫn phải cho ra ngoài mua…

Một báo cáo của Phòng Nghiệp vụ dược (Sở Y tế TP.HCM), nói rằng nhiều loại thuốc hiếm cho đến nay thì tình hình cung ứng chưa có dấu hiệu có hàng nhanh, còn các loại vật tư tiêu hao, vướng là do thủ tục trong đấu thầu. Với vật tư, chất lượng có sự khác biệt dù cùng nhóm, cái mua được thì khó sử dụng. Do đó, cần có lộ trình và thời gian để điều chỉnh vật tư trong cùng nhóm có sự tương đương về chất lượng.

Một cựu quan chức trong ngành y tế cho biết quy định “giá tham gia mời thầu phải bằng hoặc thấp hơn giá đã trúng thầu của 12 tháng trước đây” là làm khó các bệnh viện. Vì thuốc hiện nay tính theo giá cũ chưa tính lạm phát và các khía cạnh liên quan đến chuỗi cung ứng. Nhất là trong 2 năm qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nhiều chuỗi cung ứng thuốc bị đứt gãy, giá nguyên vật liệu, giá vận chuyển… đều gia tăng. Hiện tại, giá xăng còn tiếp tục tăng, ảnh hưởng đến sự tăng giá của mọi mặt hàng.

Các mặt hàng khác hầu như đều tăng giá theo thời gian, tại sao riêng thuốc lại quy định “giá chết” như vậy? Cần phải lưu ý rằng trong đấu thầu hàng hóa dịch vụ thông thường rẻ hơn là tốt nhưng điều này không đúng với thuốc chữa bệnh, vật tư tiêu hao.

Liên quan đến chất lượng khám chữa bệnh thì không thể chỉ căn cứ vào yếu tố giá rẻ, giá thấp. Nếu cứ lấy thuốc, vật tư ở giá thấp thì chất lượng không bảo đảm, làm quá trình chẩn đoán khám chữa bệnh giảm, ảnh hưởng chất lượng khám chữa bệnh và người bệnh chịu thiệt…

Tân Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nói rằng về giải pháp trong ngắn hạn, Bộ Y tế đang tích cực soạn thảo để trình và tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết về bảo đảm thuốc, vật tư y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ cấp phép quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế; đẩy nhanh tiến độ các gói thầu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục thuốc đàm phán tại Trung ương và địa phương; sửa đổi bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.

Đồng thời, ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kết quả kiểm tra tại các địa phương, Bộ Y tế đã ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, các địa phương triển khai đấu thầu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị để tránh tình trạng tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám mua sắm.

“Về triển khai các biện pháp dài hạn, hiện nay Bộ Y tế cũng đang xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành sửa đổi, bổ sung các Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Trang thiết bị y tế, Luật Dược…” – bà Nguyễn Thị Liên Hương cho hay.

Trở lại với phần mở đầu bài viết này là không nên trách cứ ông Vũ Đức Đam trong chuyện tắc trách quản lý y tế, vì thuyết âm mưu hiện tại cho rằng có một chính khách “gần chóp bu” đang chơi một nước cờ hai mục đích, công thủ vẹn toàn.

 Một đằng ông không chiụ nhận khuyết điểm vụ Việt Á vì để vợ dây vào, một đằng ông đi các nơi khích bác việc bắt bớ Việt Á gây khủng hoảng y tế, một đằng ông tác động công khai để các dự án mà sân sau ông được ban phát thời ông làm thủ tướng giờ phải thực hiện trọn vẹn.

“Một con người giữa muôn trùng gian nguy, giữa mũi tấn công Việt Á ráo riết vẫn bình tĩnh lúc công, lúc thủ, tận dụng tháo gỡ cho sân sau của mình, không buông tay để mặc đàn em, vây cánh, sân sau phải tự xoay sở. Phải thẳng thắn ông là người rất có bản lĩnh và tố chất để làm người đứng đầu các nhóm, các phe phái.

Giờ là lúc những phe phái, đàn em hoang mang. Nếu ông Phúc giữ được tinh thần chiến đấu đầy năng nổ như vậy, sự ủng hộ sẽ dần dần hướng về ông. Như vậy không những có thể ông vượt qua bê bối ở vụ Việt Á, mà còn tiến xa hơn là nắm được chức Tổng bí thư.

Điều cần phải làm lúc này là ông Phúc nên cho đàn em tung ra những thông tin bê bối về các ông khác để mũi dùi dư luận bị phân tán, không tập trung vào ông…” – đó là một cách diễn giải của thuyết âm mưu trong hậu trường chính trị ở Việt Nam hiện nay.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – “Điềm báo” ông Vũ Đức Đam sắp rời ghế phó thủ tướng?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – ‘Domino’ Thủ Thiêm?

Phan Thanh Hung

VNTB – Đã ca ngợi Thích Chân Quang rồi còn sợ gì mà phải gỡ bài?

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.