Việt Nam Thời Báo

VNTB – Trách nhiệm quản lý của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc?

Trường Sơn

 

(VNTB) – Trước khi được Đảng ‘phân công’ vào ghế Bộ trưởng Tài chính, thì ông Hồ Đức Phớc từng là Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bí thư Ban cán sự Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước.

 

Trấn an kiểu… mị dân?

Sau sự việc Tân Hoàng Minh lừa dối khách hàng khi phát hành trái phiếu, mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan. Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị bắt với cáo buộc gian dối trong phát hành và mua bán trái phiếu, chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng.

Trước những diễn biến này, chia sẻ với báo chí ngày 10/10, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói sẽ đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Ông cho biết khi các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ tư vấn và phát hành bị xử lý về pháp luật, Bộ Tài chính đã làm việc với các nhà phát hành – bên phải có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Đến trung tuần tháng 11/2022 thì Bộ Tài chính có văn bản được báo chí đăng tải công khai, nói rằng “Thông lệ quốc tế và pháp luật của Việt Nam đều quy định trái phiếu doanh nghiệp do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm.

Trái phiếu doanh nghiệp không phải là sản phẩm tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Trái phiếu thường có độ rủi ro cao hơn các sản phẩm tiết kiệm ngân hàng và phần chênh lệch cao hơn so với lãi suất tiết kiệm chính là rủi ro mà nhà đầu tư chấp nhận khi mua trái phiếu doanh nghiệp.

… Việc các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này bảo lãnh, bảo đảm cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là tổ chức cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành, rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành”.

Như vậy coi như Bộ Tài chính ‘phủi’ trách nhiệm.

Biết ‘lỗ thủng’ nhưng không ‘vá’, ắt sẽ… đắm tàu

Nếu xét về viện dẫn luật liên quan thì nội dung văn bản trên là có căn cứ, tuy nhiên Bộ Tài chính lại không nhìn nhận về trách nhiệm quản lý của mình trong vấn đề này, vì từ quý 4/2021 phía Bộ Tài chính đã có một báo cáo hoàn chỉnh về việc “Gần một nửa trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo”.

Báo cáo này cho biết, đối với tài sản đảm bảo của trái phiếu, trong số các trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ các tháng đầu năm 2021, trái phiếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo chiếm 50,9%; trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 49,1%; trong đó trái phiếu do các tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán phát hành chiếm 76%.

Trong số 300 doanh nghiêp phát hành trái phiếu riêng lẻ trong các tháng đầu năm 2021, có 207 doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo của trái phiếu chủ yếu là bất động sản, chứng khoán, chương trình, dự án.

Mặc dù tỷ lệ trái phiếu có tài sản đảm bảo cao nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp. Giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo diễn biến thị trường; theo đó, trường hợp thị trường bất động sản hoặc thị trường chứng khoán có biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

“Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo của trái phiếu có thể dùng để bảo đảm cho các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu khác của doanh nghiệp, do đó nhà đầu tư cần đánh giá kỹ các rủi ro này”, Bộ Tài chính lưu ý.

Đối với doanh nghiệp phát hành, trên thị trường vẫn có trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng lớn trong khi vốn chủ sở hữu nhỏ, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh lỗ qua các năm.

Đặc biệt đối với nhóm bất động sản, trong số hơn 100 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong năm 2021 có 26 doanh nghiệp ghi nhận lỗ trong 6 tháng đầu năm 2021; tại thời điểm 30/6/2021, hệ số nợ vay trên vốn chủ hữu bình quân của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết là 2,5 lần, trong khi tỷ lệ này của các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết là 8,1 lần. (dừng tóm tắt)

Như vậy với việc nhận biết được những ‘lỗ thủng’ khả năng làm ‘đắm’ cả nền kinh tế khi đến một nửa trái phiếu doanh nghiệp này không có tài sản đảm bảo, nhưng vẫn không có ‘tuýt còi’ nào để có ‘thẻ vàng, thẻ đỏ’, thì nay khi mọi chuyện vỡ lỡ như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, xem ra trách nhiệm cần truy cứu ở đây phải là Bộ trưởng Tài chính đương nhiệm.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Công an xác nhận đã bắt ông Phan Vân Bách

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Chồng bà Trương Mỹ Lan bán tháo tài sản ở Hồng Kông 

Do Van Tien

VNTB – Các nước vẫn chờ xem động thái của Mỹ và đồng minh

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo