Việt Nam Thời Báo

VNTB – Trận chiến vô hình: Nga bắt đầu chiếm ưu thế về tác chiến điện tử

Trâm Anh dịch

Nguồn: The Economist

 

(VNTB) – Phương Tây có thể sẽ không làm được gì nhiều để giúp Ukraine

 

Hầu hết sự chú ý đến những gì Ukraine cần trong cuộc đấu tranh kéo dài để giải phóng lãnh thổ khỏi lực lượng xâm lược Nga đều tập trung vào phần cứng: xe tăng, máy bay chiến đấu, tên lửa, vũ khí phòng không, pháo binh và số lượng lớn đạn dược. Nhưng một điểm yếu ít được thảo luận nằm ở chiến tranh điện tử (EW-Electronic Warfare); điều mà những người phương Tây ủng hộ Ukraine cho đến nay tỏ ra ít quan tâm giải quyết.

Seth Jones thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn ở Washington, cho biết Nga trong nhiều năm đã tập trung sử dụng tổ hợp công nghiệp-quân sự của mình để sản xuất và phát triển một loạt vũ khí EW mới đầy ấn tượng để chống lại các hệ thống được kết nối chặt chẽ của NATO. Nhưng Ukraine, theo tổng tư lệnh của nước này, Tướng Valery Zaluzhny, chỉ có với các hệ thống EW chủ yếu thời Liên Xô ở giai đoạn đầu của cuộc chiến. Ban đầu, sự khác biệt chỉ có tác động hạn chế, nhưng khi chiến tuyến trở nên tương đối ổn định, Nga đã có thể bố trí các vũ khí điện tử đáng gờm của mình ở nơi chúng có thể có tác động lớn nhất.

Ukraine phát hiện vào tháng 3 rằng đạn pháo Excalibur được dẫn đường bằng GPS của họ đột nhiên bắt đầu đi chệch mục tiêu do khả năng gây nhiễu của Nga. Điều tương tự cũng bắt đầu xảy ra với bom dẫn đường JDAM-ER mà Mỹ cung cấp cho không quân Ukraine, trong khi tên lửa tầm xa GMLRS phóng từ các dàn HIMARS của Ukraine cũng bắt đầu trượt mục tiêu. Ở một số khu vực, hiện nay, phần lớn các tên lửa GMLRS đi chệch hướng.

Điều đáng lo ngại hơn nữa là khả năng ngày càng tăng của Nga trong việc chống lại vô số máy bay không người lái (UAV) giá rẻ mà Ukraine đang sử dụng cho mọi mục đích, từ trinh sát chiến trường và liên lạc cho đến phát nổ khi va chạm vào các mục tiêu như xe tăng hoặc trạm chỉ huy.

Ukraine đã huấn luyện một đội quân gồm khoảng 10.000 phi công lái máy bay không người lái, những người hiện đang liên tục tham gia vào trò chơi mèo vờn chuột với những người điều khiển máy bay không người lái ngày càng lão luyện của Nga. Những UAV được ưa chuộng có giá rẻ, không quá 1.000 USD mỗi chiếc và Ukraine đang sản xuất chúng với số lượng lớn. Nhưng tổn thất do hệ thống EW của Nga, khiến hệ thống dẫn đường của chúng bị xáo trộn hoặc bị tắc nghẽn, có lúc lên tới hơn 2.000 một tuần. Những chiếc máy bay không người lái bị làm cho bay lơ lửng không mục đích cho đến khi hết pin và rơi xuống đất.

Việc tăng cường khả năng chống gây nhiễu cũng như đầu tư cho chúng trí thông minh nhân tạo để bay mà không cần liên kết trực tiếp với người điều khiển không phải là những lựa chọn khả thi, ít nhất là đối với máy bay không người lái mini. Số lượng vẫn chiếm ưu thế hơn chất lượng, nhưng Nga cũng có thể có lợi thế ở điểm đó. Bầu trời trên chiến trường giờ dày đặc máy bay không người lái của Nga. Xung quanh Bakhmut, binh lính Ukraine ước tính rằng Nga đang triển khai số lượng máy bay không người lái tấn công gấp đôi số UAV của họ.

Thành công ngày càng tăng của Nga trong cuộc chiến máy bay không người lái một phần được giải thích bởi mật độ các hệ thống mới mà nước này có thể triển khai, nhờ vào nhiều năm đầu tư. Một báo cáo được xuất bản vào tháng 5 bởi Jack Watling và Nick Reynolds của RUSI, một tổ chức tư vấn ở London, cho rằng người Nga đang triển khai một hệ thống điện tử lớn mỗi 10 km dọc theo tiền tuyến. Họ cho rằng trong số nhiều hệ thống điện tử của Nga, Shipovnic-Aero gắn trên xe tải (trong ảnh) đang tỏ ra đặc biệt nguy hiểm đối với máy bay không người lái của Ukraine. Hệ thống này có phạm vi hoạt động 10 km và có thể kiểm soát UAV, đồng thời thu được tọa độ của địa điểm điều khiển nó, với độ chính xác 1 mét, để truyền tọa độ đó đến lực lượng pháo binh.

Xuất phát từ trình độ vận hành và kỹ thuật thấp hơn nhiều, Ukraine đang phải vật lộn để phát triển năng lực điện tử nội địa để có thể đương đầu với Nga. Đã có một số tiến bộ. Hệ thống Pokrova đang được triển khai trên toàn quốc. Nó vừa có thể ngăn chặn các hệ thống định vị dựa vào vệ tinh, chẳng hạn như GLONASS của Nga, vừa giả mạo tín hiệu của chúng, khiến tên lửa tưởng rằng nó đang ở một nơi khác.

Pokrova sẽ có hiệu quả cao trước loại đạn lảng vảng Shahed-136 do Iran thiết kế, nhưng lại kém hiệu quả hơn trước các tên lửa hành trình định hướng dựa vào các hệ thống so sánh địa hình, vốn so sánh mặt đất bên dưới với một thư viện hình ảnh được lưu trữ trên tên lửa thay vì được dẫn đường suốt hành trình. Cũng như Pokrova, cái gọi là hệ thống “Frankenstein”, được sáng chế với sự khéo léo đặc trưng của Ukraine bằng cách kết hợp các hệ thống của Liên Xô với công nghệ hiện đại hơn, cũng mới xuất hiện.

Nhưng điều còn thiếu là sự giúp đỡ từ các đồng minh phương Tây của Ukraine trong cuộc chiến điện tử này với Nga. Ông Jones nói rằng, đối với nước Mỹ, điều đó khó có thể thay đổi. EW thuộc loại công nghệ bị hạn chế chuyển giao được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ quản lý chặt chẽ.

Nico Lange, một chuyên gia về Ukraine tại Hội nghị An ninh Munich, cũng bi quan như vậy. Có một điều, ông nghi ngờ rằng có khả năng công nghệ của NATO không tốt bằng của Nga. Tệ hơn nữa, khi nói đến các hệ thống mới nhất, ông cho rằng cũng có một số người miễn cưỡng, đặc biệt là người Mỹ, vì sợ công nghệ của họ, chẳng hạn như về tần số và kỹ thuật nhảy kênh, có khả năng sẽ rơi vào tay người Trung Quốc.

Ông Lange nói, nơi phương Tây có thể trực tiếp giúp đỡ là sử dụng máy bay không người lái giám sát tầm xa để thu thập dữ liệu có hệ thống hơn về các kỹ thuật gây nhiễu và giả mạo tín hiệu của Nga, đồng thời hợp tác với Ukraine để phát triển các biện pháp chống lại chúng. Mặt khác, có vẻ như Ukraine sẽ phải tự mình đối mặt với thách thức mới cấp bách này.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Thanh niên Nga không yêu nước?

Do Van Tien

VNTB – Ukraine khai quật khu mộ lớn ở Izyum

Do Van Tien

VNTB – Đài Tưởng Niệm Mount Rushmore và Crazy Horse – Biểu hiện của các chế độ độc tài và dân chủ trong đời thường

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo