VNTB – Tránh bằng cách nào?

VNTB – Tránh bằng cách nào?

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Tránh bị cô lập, phụ thuộc, không “chọn bên”…

 

Ngày 20-12, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị Quân chính toàn quân năm 2022, tổng kết công tác quân sự, quốc phòng năm 2022 và triển khai thực hiện chủ trương, quyết nghị của Quân ủy Trung ương về nhiệm vụ năm 2023.

Tại hội nghị, theo tường thuật của báo chí thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, quân đội phải kịp thời nhận diện, xử lý đúng đắn, hài hoà, linh hoạt đối tác, đối tượng quốc phòng, không để bị động, bất ngờ; ngăn ngừa nguy cơ xung đột, đối đầu, tránh bị cô lập, phụ thuộc, không “chọn bên”…

“Đường lối đối ngoại của Việt Nam là không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải” – trích phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại diễn đàn Quốc hội chiều 4-11-2022.

“Việt Nam sẽ tiếp tục không chọn bên trong cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Chính sách đối ngoại của Việt Nam phải đặt lợi ích quốc gia-dân tộc lên trên hết” – Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra phát biểu này hôm 15-12-2022 tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc. Đây là lần đầu tiên Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức một Hội nghị chuyên sâu về công tác đối ngoại với quy mô toàn quốc như vậy.

“Về mặt lý thuyết cho đến bây giờ Việt Nam vẫn không chọn bên, nhưng qua một số hành động như đón tiếp ngoại trưởng Nga, những tuyên bố về phía Nga, hay chuyến đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc… cho thấy Việt Nam vẫn ưu tiên mối quan hệ với Nga và Trung Quốc nhiều hơn so với Mỹ và Phương Tây.

Đương nhiên là Việt Nam không đứng về phía nào hẳn, không nghiêng hẳn về phía Trung Quốc và Nga. Ví dụ trên thế giới hiện có hai phe, một bên là Mỹ, phương Tây và một bên là Nga – Trung Quốc, thì có lẽ Việt Nam vẫn ưu tiên nghiêng về Nga – Trung Quốc nhiều hơn” – một số nhà quan sát chính trị tại Việt Nam, đã cảm nhận như vậy.

“Đu dây” là từ trước đây hay được nhắc đến. Có ý kiến là Việt Nam đã chấm dứt chính sách “đu dây” từ sau khi Liên Xô sụp đổ. Chính sách này chỉ có thể áp dụng nếu có hai trụ cột như Liên Xô và Trung Quốc ngày trước. Khi đó Việt Nam thay phiên về phía một trong hai nước này để được tăng cường viện trợ.

Theo cách hiểu đó nên Việt Nam hiện không hề có chính sách “đu dây” giữa Trung Quốc và Mỹ. Vì Mỹ không phải là một “trụ cột” và Trung Quốc cũng vậy.

Tuy nhiên theo cách nói chữ – nghĩa của Thủ tướng Phạm Minh Chính, thì nếu căn cứ vào công pháp quốc tế, rõ ràng với việc Nga xâm lược Ukraine, và Trung Quốc thì luôn hăm he, đe dọa “thống nhất Đài Loan” cho thấy đâu là “công lý”, đâu là “lẽ phải” mà Thủ tướng Phạm Minh Chính muốn đề cập.

Trong chính trị, người dân ở miền Nam Việt Nam dường như luôn hoài nghi những người nhân danh cộng sản cho những phát ngôn; bởi giữa nói và làm thì một số lãnh đạo của Việt Nam thường chọn được câu hay để nói, nhưng phần nhiều họ làm ngược lại, hoặc không làm được điều đã tuyên ngôn.

Tại Hội nghị Quân chính toàn quân năm 2022 kể trên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đề bài, “ngăn ngừa nguy cơ xung đột, đối đầu, tránh bị cô lập, phụ thuộc, không “chọn bên”, trong bối cảnh mà chính ông Nguyễn Phú Trọng nhận định, đó là năm 2023 với việc ác nước lớn tăng cường điều chỉnh chiến lược, cạnh tranh quyết liệt.

“Xung đột vũ trang, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, nhất là xung đột quân sự Nga – Ukraine còn tiếp tục diễn ra gay gắt, tác động nhiều mặt đến các quốc gia. Xu hướng chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao, chiến tranh từ xa là phổ biến, đặt ra những yêu cầu mới, cấp thiết về quốc phòng,… Biển Đông, vùng biển Tây Nam tiềm ẩn nhiều bất trắc.

Việc điều chỉnh tổ chức lực lượng cũng đặt ra những yêu cầu mới về công tác tư tưởng, tổ chức, chính sách trong Quân đội…” – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có những lưu ý như vậy.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)