Việt Nam Thời Báo

VNTB- Tranh cử quốc hội Việt Nam: Ứng viên độc lập không ‘hứa cuội’

Mở đầu một năm mới, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã kích hoạt chiến dịch tự ứng cử quốc hội bằng những nội dung không thể gọi là “hứa cuội” như giới đại biểu quốc doanh.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A . Hình Internet
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng người đầu tiên tuyên bố tự ứng cử vào Quốc hội Việt Nam kỳ bầu cử khóa 14 tháng 5/2016. Ông là một trong những nhà hoạt động nhân quyền có chiều sâu nhất của Xã hội dân sự Việt Nam. Khác hẳn với gần 500 đại biểu quốc hội chỉ biết cúi đầu bấm nút, ông Nguyễn Quang A là một trong những ứng viên độc lập đưa ra được chương trình hành động cụ thể và thiết thực với người dân.
Trong cương lĩnh hành động của ông, đáng chú ý là một số nội dung sau:
– Xây dựng thể chế tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân thực thi các quyền con người và các quyền hiến định của mình, cụ thể là hủy bỏ mọi điều khoản trong Hiến Pháp và luật hiện hành vi phạm các quyền con người, vi phạm các luật quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và có nghĩa vụ thi hành; xây dựng luật về đảng, luật biểu tình, luật về quyền tự do lập hội, luật về quyền tiếp cận thông tin, luật về quyền tự do báo chí, xuất bản, tín ngưỡng, … (chứ không phải luật để quản lý, cản trở các quyền tự do đó); đảm bảo sự độc lập và kiểm soát lẫn nhau của ba nhánh quyền lực (lập pháp, hành pháp, tư pháp).
– Sửa đổi các luật về kinh doanh và luật dân sự để đảm bảo tuyệt đối tôn trọng quyền sở hữu tư nhân (kể cả quyền sở hữu đất đai), tháo dỡ mọi rào cản đối với sự phát triển của các doanh nghiệp, chống độc quyền, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
– Sửa đổi các luật về giáo dục, y tế, an toàn thực phẩm, phúc lợi xã hội nhằm đảm bảo ai cũng được học hành, được bảo vệ sức khỏe và được hưởng phúc lợi xã hội phù hợp với sự phát triển kinh tế.
– Giám sát và động viên nhân dân giám sát buộc các tổ chức và quan chức (nhất là các quan chức nhà nước) tuân thủ pháp luật.
Một trong những hoạt động quan trọng nhất của dân biểu là nghiên cứu và làm luật. Nhưng không phải theo cách “làm luật” vốn có của Quốc hội Việt Nam, tức để cho các bộ ngành phụ trách các vấn đề liên quan tự dự thảo luật và trình Quốc hội, còn Quốc hội chỉ tổ chức “thẩm định” rồi cơ bản là thông qua.
Những dân biểu làm luật có trách nhiệm luôn phải độc lập với các cơ quan bộ ngành “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Đơn cử, nếu không xem xét và thẩm định kỹ, một dự luật của Bộ công an về quyền điều tra của công an xã đã được thông qua từ năm 2015, dẫn đến tình trạng “tự chết” của dân trong đồn công an bùng nổ. Hoặc cũng Bộ công an đã từng dự thảo về quy định điều tra viên được ghi âm, ghi hình luật sư bào chữa, nhưng nội dung này đã vi phạm nghiêm trọng quyền con người ở Việt Nam.
Mới đây, Bộ công an lại tiếp tục ban hành một thông tư cho phép cảnh sát giao thông được trưng dụng tài sản, phương tiện của người dân. Sát thời điểm thông tư này có hiệu lực, chỉ nhờ vào sự phản ứng rất mạnh mẽ của truyền thông xã hội, cùng sự lên tiếng theo lối “phản biện kín đáo” của báo chí cùng giới chuyên gia nhà nước, thông tư này mới phải điều chỉnh: cảnh sát giao thông chỉ được quyền trưng dụng tài sản của dân khi có quyết định của bộ trưởng công an.
Những ứng viên độc lập như Tiến sĩ Nguyễn Quang A, bằng chương trình hành động cụ thể rất gần gũi với quyền dân và lời hứa không hề “cuội” của mình, đang trực tiếp khiến cho giới đại biểu quốc hội quen “gật’ phải xấu hổ vì thói ngủ ngày của họ. 
Lê Dung / SBTN

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo