Việt Nam Thời Báo

VNTB- Trao đổi với TS Lê Đăng Doanh: Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có cải cách thể chế để giảm thiểu nợ công?

Khúc Thừa Sơn
(VNTB) – Trước câu hỏi của Việt Nam Thời Báo rằng liệu Chính phủ Việt Nam hiện nay có dám mạnh tay cải cách thể chế để giảm thiểu tình trạng nợ công hay không, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã trả lời: “Tôi nghĩ rằng cuộc sống sẽ mạnh hơn mọi giáo điều, cuộc sống sẽ đòi hỏi một công cuộc cải cách và tôi tin là công cuộc cải cách ấy đang diễn ra.”                 
 
 TS Lê Đăng Doanh

Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) từng dự báo nợ công của Việt Nam năm 2016 sẽ lên đến mức 63,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và đến năm 2017 sẽ là 64,4% và lên 64,7% vào năm 2018. Với mức trần nợ công cho phép là 65%, khả năng ‘đụng trần’ nợ công của Việt Nam sẽ diễn ra rất gần. Theo thông tin từ báo chí trong nước,  năm 2015, GDP của Việt Nam đạt 4.192.900 tỉ đồng, tỷ lệ nợ công 63,8% GDP tương đương 2.675.070 tỉ đồng. Chia trung bình 90 triệu dân, mỗi người dân Việt Nam đang phải gánh khoản nợ công tương đương khoảng 28,4 triệu đồng.

Tại sao nợ công của Việt Nam lại tăng theo từng năm một cách báo động và nghiêm trọng như vậy? Vấn đề nợ công có ảnh hưởng đến nền kinh tế của một đất nước, vậy có tín hiệu lạc quan nào cho nền kinh tế Việt Nam trước tình hình nợ công đang tăng như hiện nay hay không? Và cuối cùng làm thế nào để giảm thiểu nợ công?

Đó là những câu hỏi mà Việt Nam Thời Báo (VNTB) đã đặt ra trong cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ (TS) kinh tế Lê Đăng Doanh (sinh 1942) nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (Central Institute for Economic Management – CIEM) Việt Nam.   
PV.VNTB: Thưa ông, theo ông thì đâu là nguyên nhân chính yếu khiến nợ công ở Việt Nam liên tục tăng trong thời gian qua?
TS. Lê Đăng Doanh: Nợ công của Việt Nam tăng lên một cách nhanh chóng trong thời gian qua, bây giờ rõ ràng là đáng nghiêm trọng và nguy hiểm là do: Trước hết là do nguồn thu từ dầu của Việt Nam đã bị giảm một cách đột ngột, sự đóng góp của dầu khí ngày trước tức là dầu thô bán đi đã đóng góp vào ngân sách lên đến khoảng độ 23% giờ thì giảm xuống ở con số dưới 10%, việc giảm sút đột ngột như vậy dẫn đến nguồn thu của Việt Nam cũng giảm sút nghiêm trọng. Thứ hai nữa, điều này quan trọng hơn vì nó là một vấn đề ở tính lâu dài, việc chi thường xuyên cho bộ máy của Việt Nam là quá lớn, kỷ luật ngân sách ở Việt Nam lại quá lỏng lẻo. Việt Nam là một nước nghèo nhưng chi tiêu hết sức tùy tiện. Hiện nay, con số nợ của toàn bộ bộ máy là bao nhiêu có lẽ chưa được xác định rõ bởi vì đã có các thông tin ví dụ như; chương trình xây dựng nông thôn mới, các xã cộng lại nợ có thể lên đến con số 10.000 tỷ đồng thì không biết con số nợ này có cộng vào con số kia chưa (nợ công), thứ hai nữa là Ủy ban nhân dân xã có hiện tượng đi nhậu, hát và ghi sổ ở các nhà hàng và chủ nhà hàng họ kêu lên vì nợ của họ để lâu quá, rồi các chi tiêu ăn uống, lễ tân, xe công và đi nước ngoài quá tùy tiện, không kiểm soát dẫn đến việc có thể nói là không có người nộp thuế nào có thể chịu đựng được, không thể chịu đựng được.
  
PV.VNTB: Như ông đã nói trên, rõ ràng cách tính nợ công của Việt Nam và quốc tế có sự khác biệt nhau, ông có thể nêu một vài điểm để dẫn chứng sự khác biệt này?
TS. Lê Đăng Doanh: Theo thông lệ quốc tế, nợ của doanh nghiệp nhà nước phải tính vào nợ công. Kinh nghiệm ở Việt Nam cho thấy là doanh nghiệp nhà nước mà không trả được nợ thì bên thấy chưa trả kịp thời nợ có thể kiện và tòa án có thể quyết định, tức là có thể tạm giữ lại vài chiếc tàu của Việt Nam thậm chí là giữ lại chiếc máy bay của Việt Nam để bắt bên kia phải trả nợ, nhưng hiện nay Việt Nam không tính số nợ doanh nghiệp nhà nước vào số nợ công cho nên đây là điểm khác biệt giữa hai bên là quá rõ ràng. Có điều, Ngân hàng thế giới thì tôn trọng cách tính của Việt Nam nên họ dùng con số đó tính lãi chứ họ không tính số nợ của doanh nghiệp nhà nước vào mặc dù rằng trong trao đổi thẳng thắn, trong nội bộ khi công bố lên thì có nhắc đến số nợ đó nhưng công khai thì không.         
  
PV.VNTB: Nợ công Việt Nam lọt tốp 15 nước nguy hiểm nhất thế giới chắc chắn vấn nạn nợ công sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam và câu hỏi đặt ra cho ông là liệu có sự lạc quan nào cho nền kinh tế Việt Nam trong tình hình nợ công tăng như hiện nay hay không?
TS. Lê Đăng Doanh: Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang có nhiều tiềm năng. Tiềm năng đó đang trở nên rất rõ ràng khi Việt Nam hội nhập, rất nhiều sản phẩm của Việt Nam hiện nay mới chỉ được xuất thô chưa có đầy đủ giá trị nếu được chế biến đi thì sẽ có giá trị cao hơn. Chúng ta có thể thấy, ví dụ như sản phẩm của Việt Nam mới đây là có nước dừa Bến Tre đã xuất khẩu đóng lon được rồi, tất cả sản phẩm từ thủy sản cho đến các sản phẩm khác nếu có tinh chế thì Việt Nam có khả năng là sẽ phát triển. Thêm nữa, sự tiến bộ của khoa học công nghệ nếu Việt Nam tận dụng và phát huy được thì sẽ rất tốt. Cho nên để phát huy được những tiềm năng đó, chính phủ hiện nay do thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu đã có các quyết định để cải thiện môi trường kinh doanh, giảm hình sự hóa để tạo môi trường thuận lợi hơn đối với những doanh nghiệp tư nhân, và đã có mục tiêu là tiến tới sẽ có hai triệu doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam và riêng ở thành phố Hồ Chí Minh hướng tới có năm trăm ngàn doanh nghiệp tư nhân tới năm 2020, đấy là những định hướng đúng đắn. Tôi muốn thêm một định hướng và tôi nghĩ rất quan trọng là phải cải cách thể chế, cải cách bộ máy, giảm tham nhũng, giảm phiền hà và tránh cách kinh doanh thông qua các mối quan hệ. Ví dụ anh có thể thấy, các mặt hàng thủy sản của Việt Nam không hiểu vì lý do gì mà thông qua hàng rào kiểm soát của Việt Nam nhưng sang nước ngoài thì phía họ kêu sản phẩm đó của Việt Nam là có nhiễm nhiều dư lượng kháng sinh, nhiều hóa chất …v..v… Thế thì việc các doanh nghiệp Việt Nam tìm cách thông qua cơ quan kiểm định của Việt Nam để đi ra nước ngoài là không giúp ích được gì cả, nếu như không bảo đảm được các tiêu chuẩn mà chỉ vì mối quan hệ để mà cho qua như vậy là rất nguy hiểm.            
  
PV.VNTB: Vậy nợ công ở Việt Nam đã đặt ra những yêu cầu gì thưa ông?
TS. Lê Đăng Doanh: Nợ công của Việt Nam nó đề ra những yêu cầu: Thứ nhất là phải cải cách bộ máy, nghiêm túc tái cơ cấu ngân sách và cải cách việc chi tiêu ngân sách thật sự là tiết kiệm và phải có trách nhiệm giải trình, minh bạch và luật tiếp cận thông tin phải quy định rõ tất cả các chi tiêu của bộ máy Nhà nước phải được công khai cho người đóng thuế được biết. Thứ hai, đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước cũng rất kém hiệu quả. Thứ ba, mà hiện nay chưa tính vào nợ công là số nợ của doanh nghiệp nhà nước, số tiền vay của doanh nghiệp nhà nước cũng chưa tính vào, nếu tính vào tất cả các khoản đó thì tôi tin là con số nợ công của Việt Nam sẽ cao hơn nữa, hơn con số mà Ngân hàng thế giới công bố.                     
  
PV.VNTB: Tôi nghe ông nhắc đến việc cải cách thể chế như một sự tiên quyết để giảm tình trạng nợ công của Việt Nam, tuy nhiên việc làm này tôi e ngại là đụng chạm nhiều đến chính trị, vậy Chính phủ Việt Nam hiện nay đứng đầu là ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liệu có mạnh tay quyết định cải cách như lời ông nói hay không?
TS. Lê Đăng Doanh: Tôi nghĩ rằng cuộc sống sẽ mạnh hơn mọi giáo điều, cuộc sống sẽ đòi hỏi một công cuộc cải cách và tôi tin là công cuộc cải cách ấy đang diễn ra.                 
  
PV.VNTB: Mỗi người dân Việt Nam hiện tại phải gánh khoản nợ từ nợ công khoảng 28,4 triệu đồng – một con số cao không tưởng, nhưng tôi có làm một cuộc thăm dò nhỏ ở người dân thì kết quả lại cho thấy người dân rất ít quan tâm đến số nợ này. Theo ông thì điều này là do mặt truyền thông đưa đến người dân còn hạn chế hay là vì lý do nào khác?
TS. Lê Đăng Doanh: Tôi không biết anh thăm dò ở đâu chứ tôi thì tiếp xúc với doanh nghiệp, sinh viên và rất nhiều tầng lớp khác thì cho thấy người ta hết sức lo lắng, người ta đòi hỏi rằng phải có sự cải cách để giảm và kiểm soát được nợ công. Tôi nghĩ là họ ý thức được rằng; cuối cùng số nợ công đó sẽ đè lên vai của họ chứ không phải đè lên vai ai khác.    
PV.VNTB: Ngoài việc phải cải cách thể chế thì để giảm thiểu nợ công, Việt Nam cần phải làm những công việc gì thưa ông?
TS. Lê Đăng Doanh: Điều quan trọng là Nhà nước chỉ nên đầu tư vào những cái gì mà doanh nghiệp tư nhân không đầu tư tức là hạn chế việc đầu tư của Nhà nước đi, chứ bây giờ mà Nhà nước đầu tư rất nhiều thứ mà doanh nghiệp tư nhân làm rồi ví dụ như; Nhà nước hiện nay đang nắm giữ cả công ty bia, rượu… thì tôi thấy không cần nữa, tôi thấy nên đầu tư vào những mặt hàng mà doanh nghiệp tư nhân chưa đủ sức hoặc chưa khuyến khích làm lúc bấy giờ sẽ giảm bớt việc chi tiêu thường xuyên lẫn cả nhu cầu đầu tư một cách kém hiệu quả.

VNTB chân thành cám ơn những chia sẻ của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh.

Tin bài liên quan:

VNTB- Phỏng vấn NV Bùi Công Dụng về trưng cầu dân ý: “Không được quy kết những ý kiến đối kháng gay gắt”

Phan Thanh Hung

VNTB – Đại hội 12: Có nên kỳ vọng cho dân chủ nhân quyền?

Phan Thanh Hung

VNTB – “Một công dân tốt, và người chồng tốt không thể là một người chống phá nhà nước”

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.