VNTB – Trẻ em Việt Nam tiếp tục bị bóc lột lao động

VNTB – Trẻ em Việt Nam tiếp tục bị bóc lột lao động

Định Tường

(VNTB) – Việt Nam có hơn 1.031.000 trẻ em trong độ tuổi từ 5-17 là lao động trẻ em.

 

Không khó bắt gặp hình ảnh những em bé này chỉ khoảng chừng 12, 13 tuổi, nhưng đã phải bỏ học, rời xa ba mẹ, gia đình để hàng ngày làm công việc bán hàng rong trên khắp các ngõ đường.

Con số được nhà chức trách đưa ra: Việt Nam hiện có hơn 1.031.000 trẻ em trong độ tuổi từ 5-17 là lao động trẻ em. Trong đó 20,1% trẻ em làm việc hơn 40 giờ/ tuần và gần 50,6% trẻ em làm việc trong môi trường nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại.

Có ý kiến rằng dường chừng đang lẫn lộn giữa lao động sớm, lao động trẻ em, lao động giúp việc gia đình, lao động kiếm sống vì kinh tế. Có những loại hình trá hình và trẻ em vẫn bị bóc lột như ở các gameshow, ở các loại hình nghệ thuật thì các em bé vẫn còn bị bóc lột để đạt được những giải này giải kia, đạt được mục đích kiếm tiền…

Một quan điểm được đưa ra không phải là không có lý, khi cho rằng vấn đề lao động trẻ em còn gắn liền với văn hóa của mỗi dân tộc.

Ở Việt Nam, trẻ làm việc nhà trong gia đình, giúp đỡ ba mẹ tăng thu nhập, hay như trẻ nông thôn tham gia vụ mùa, trẻ ở miền núi đi kiếm củi không phải là lao động tồi tệ.

Việc xác định lao động tồi tệ hay là lao động bình thường phải căn cứ vào nhiều tiêu chí. Lao động tồi tệ là khi trẻ em làm việc không phù hợp với độ tuổi, trẻ bị bóc lột sức lao động, không được trả lương xứng đáng, quá giờ quy định, không được chăm sóc khám sức khỏe, không được đi học, vui chơi giải trí, lao động trong môi trường độc hại.

Thực trạng lao động tồi tệ, bóc lột sức lao động trẻ em chủ yếu phát sinh ở khu vực mà thuật ngữ lao động nói rằng “phi kết cấu”, cơ sở sản xuất không phép, trái pháp luật như bãi vàng, khai thác than thổ phỉ, khai thác đá, cơ sở may, lao động trẻ em trong dịch vụ như nhà hàng, cơ sở ăn uống, trẻ em giúp việc gia đình…

Một vấn đề khác được ghi nhận từ dự án “Phòng chống các hình thức lao động trẻ em trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, bao gồm bóc lột tình dục trẻ em trên môi trường mạng, và vi phạm các điều kiện lao động tối thiểu” (Dự án ACE) cho biết dưới những tác động to lớn của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế, số lượng lao động trẻ em đang có xu hướng gia tăng.

Tại Đà Nẵng, số liệu ghi nhận ngay sau khi Việt Nam kết thúc dịch giã Covid, cho biết có khoảng 10.600 trẻ em buộc phải ra đời kiếm sống. Đa số các em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em không nơi nương tựa.

Dự án ACE được Hoa Kỳ tài trợ hơn 2,4 triệu USD. Dự án hướng tới mục tiêu tăng cường năng lực của chính phủ Việt Nam nhằm xử lý và ngăn ngừa các hình thức lao động trẻ em trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, bao gồm bóc lột tình dục trẻ em trên môi trường mạng và vi phạm các điều kiện lao động tối thiểu.

Dự án có sự tham gia đồng hành của Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân thành phố, huyện nơi có dự án triển khai.

Theo đánh giá của cơ quan hữu trách, sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghệ tại Việt Nam làm gia tăng tính dễ bị tổn thương của trẻ em trước các nguy cơ bị bóc lột và xâm hại trên không gian mạng, trong đó nguy cơ bóc lột tình dục trẻ em trên môi trường mạng đã đặt ra thách thức mới cho Việt Nam hiện nay bởi đây là một trong những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)