Ngọc Lan
(VNTB) – Tại “lễ trưởng thành” của trường mầm non Ngọc Lan (Đà Nẵng), các bé thực hiện nghi thức rửa chân cho mẹ.
Giải thích với báo chí, cô Nguyễn Quốc Thư Trâm – hiệu trưởng Trường mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu, Đà Nẵng) – cho rằng việc tổ chức lễ tri ân trưởng thành cho trẻ mầm non cuối cấp có nhiều ý nghĩa.
Cô Trâm nói rằng lễ tốt nghiệp ra trường là thời gian để các con vui chơi bên bạn bè, ở đó các con được tri ân cô giáo, cảm ơn bố mẹ. Những hoạt động đơn giản nhưng dạy cho con bài học làm người, biết ơn cha mẹ, biết tự chăm sóc bản thân… Cô Trâm cho biết buổi lễ được các giáo viên tự tổ chức, sử dụng những đồ dùng hay vật liệu có sẵn để tránh tốn kém cho phụ huynh, tránh phát sinh thêm chi phí
Cô Trâm không đề cập đến hình ảnh các bé mẫu giáo “ngồi lom khom” dưới đất để rửa chân cho mẹ tại “lễ trưởng thành”.
Ghi nhận ý kiến mang tính cá nhân, nhiều người cho rằng đây là hình ảnh gợi tưởng đến nghi thức “dâng trà cho cha – rửa chân cho mẹ” thường thấy gần đây ở các chùa vào mùa lễ Vu Lan. Nếu bậc cha, mẹ nào có con trai, con gái đi làm ở xa thì con dâu, con rể, hoặc cháu nội, cháu ngoại sẽ rửa chân, tay báo hiếu.
Một nhà báo đã nghỉ hưu cho biết tại trường học ở Trung Quốc, yêu cầu học sinh rửa chân cho bố mẹ hoặc ông bà vẫn là một bài tập về nhà phổ biến trong các tiết học giáo dục công dân. Theo nhà báo này thì các chuyên gia nhận định lòng hiếu thảo đã được quan tâm trở lại những năm gần đây ở Trung Quốc, chủ yếu được thúc đẩy bởi giới chức, những người lo ngại rằng thế kỷ 21 đã làm suy yếu mối quan hệ gia đình trong bối cảnh dân số ngày càng già đi.
“Những buổi lễ rửa chân cùng các sự kiện khác để thể hiện lòng hiếu thảo thường xuyên diễn ra không có nghĩa là mọi người ngày nay biết ơn thế hệ trước nhiều hơn. Ngược lại, chúng cho thấy nỗi lo của xã hội về việc người già đang bị thờ ơ khi ngày càng có nhiều người trẻ chọn sống xa nhà”, vị ký giả hồi hưu này cảm nhận.
Ở nghi thức dâng trà cho cha và rửa chân cho mẹ tổ chức tại các đạo tràng dịp Vu Lan, thông thường có kịch bản đại khái như sau: “Vào giờ phút này kính thỉnh đạo tràng hãy ngồi chắp tay trang nghiêm và nhắm mắt lại, nhắm mắt lại để thấy hình ảnh thân thương của mẹ và cha của chúng ta đang hằng hiện hữu trước mặt của chúng ta và hãy nói với cha mẹ rằng con xin lỗi cha mẹ con đã sai rồi, con cảm ơn cha mẹ con cảm ơn cha mẹ thật nhiều.
Lúc này các tình nguyện viên đã mang những chiếc ghế ra để sẵn cho phụ huynh ngồi – những người có danh sách được rửa chân và dâng trà sẽ nhẹ nhàng ra ngồi sẵn trong nền nhạc nào đó mang ý nghĩa đạo làm con.
Gần đây một số trường phổ thông cũng đưa nghi thức “rửa chân mẹ” đối với học sinh khối 12 ở lễ tri ân và trưởng thành.
Ban tổ chức đã chuẩn bị sẵn nước thơm, khăn và chậu rửa để các em học sinh thực hiện nghi lễ “rửa tay” cho cha mẹ sau lời dẫn của thầy hiệu trưởng: “Cả cuộc đời cha mẹ đã từng rất nhiều lần rửa tay chân và tắm cho cả cơ thể của chúng ta, nhưng có lẽ mỗi học sinh đây là lần đầu tiên thực hiện việc này với cha mẹ mình. Thầy hy vọng, đây sẽ là một kỷ niệm đẹp, khó quên trong cuộc đời các em, để sau này mỗi khi nhớ lại các em sẽ tôn trọng bản thân mình hơn, tôn trọng cha mẹ hơn và yêu thương đôi bàn tay vất vả”.
Sau nghi thức đặc biệt này, những nụ cười và cả những giọt nước mắt hạnh phúc đã bừng lên trên những gương mặt rạng ngời hạnh phúc của các bậc phụ huynh có mặt tại buổi lễ tri ân.
Liệu vận dụng nghi thức tương tự này với tuổi mẫu giáo là có phù hợp đặc điểm tâm sinh lý, hay một hình thức phô diễn của người lớn nhân danh giáo dục?