VNTB – Trích hồi ký sắp xuất bản của Giáo sư Đoàn Viết Hoạt ( Kỳ 7)

VNTB – Trích hồi ký sắp xuất bản của Giáo sư Đoàn Viết Hoạt ( Kỳ 7)

Đoàn Viết Hoạt

 

(VNTB) – Thắng Nghĩa biện chứng pháp không những vượt trội hơn biện chứng pháp duy vật, mà còn phản ảnh được thực tại đời sống con người một cách tròn đầy, sinh động

 

Nói về Thắng Nghĩa với NP Minh

 

      Vì anh là người công giáo nên tôi muốn tìm hiểu xem anh quan niệm như thế nào về Thượng Ðế. Hai câu hỏi căn bản mà tôi nêu lên với anh là anh tin có Thượng Ðế hay không và, nếu có, Thượng Ðế theo anh là gì. Anh

có một cái nhìn khá sinh động và cởi mở về Thượng Ðế và về tôn giáo nói chung, không hề có thành kiến hay mặc cảm với các tôn giáo khác. Nó tạo một không khí tinh thần thoải mái tự do rất cần thiết cho cuộc trao đổi tư tưởng của chúng tôi. Ðể tránh bị “nghe lén”, chúng tôi thường vừa đi bộ giữa buồng vừa nói chuyện.

      Tôi bắt đầu nói chuyện với anh về chủ nghĩa Mác. Trước hết tôi trình bầy với anh về chủ nghĩa Mác một cách có hệ thống, toàn bộ từ phần triết học, biện chứng pháp duy vật tới sử quan duy vật, mô hình kiến thiết xã hội đặc biệt về kinh tế và chính trị, và cuối cùng là quan niệm cách mạng vô sản. Vì anh đã được nghe một cán bộ cao cấp của cộng sản nói với anh đầy đủ về chủ nghĩa Mác mà anh bẻ không được, nên khi tôi nói về chủ nghĩa Mác anh không thấy có gì sai khác. Tôi vận dụng tư tưởng của cụ Lý để bẻ gẫy chủ nghĩa Mác từng điểm một, từ thuần túy lý luận đến biện chứng pháp, các quy luật, sử quan duy vật, đến kiến thiết luận và cách mạng luận. Tôi yêu cầu anh Minh dùng hết khả năng lý luận của anh để phản bác lại từng điểm lý luận của tôi, khi nào không phản bác được nữa tôi mới đi qua điểm khác. Ngày nào chúng tôi cũng nói chuyện với nhau hai buổi, còn buổi tối dành để Minh suy nghĩ. Khoảng độ một tuần chúng tôi mới nói chuyện xong về chủ nghĩa Mác. Minh tỏ vẻ thích thú vì đã bẻ được Mác cả trên lý luận lẫn trong thực tế. Anh nói với tôi:

            — Anh phải có một nền tảng tư tưởng rất vững chắc mới bẻ đuợc Mác như thế này. Anh có thể chỉ cho tôi được không?     

      Tôi cười, trả lời anh:

            — Anh nói rất đúng. Không có một hệ thống lý luận vững chắc, không nhìn thấy những sai lầm căn bản của Mác thì làm sao bẻ Mác được. Nhưng tôi làm sao có khả năng sáng tạo được một hệ thống lý luận như thế. Tôi chỉ cố gắng làm một người học trò tốt mà thôi. Nếu anh muốn tôi sẵn sàng chỉ lại cho anh để chúng ta cùng vận dụng vũ khí tinh thần này trong công cuộc “gỉai giới” cộng sản hiện nay.

       Và từ bữa đó tôi bắt đầu trình bầy cho anh những hiểu biết của tôi về Thắng Nghĩa Lý Ðông A. Tôi cố gắng trình bầy đầy đủ và cặn kẽ, theo hiểu biết của tôi, toàn bộ hệ thống tư tưởng của cụ Lý, từ lý luận thuần túy, công thức biện chứng, quy luật biện chứng, sử quan, đến kiến thiết luận và cách mạng luận. Rất hiếm có trường hợp tôi nói về Thắng Nghĩa một cách kỹ lưỡng và thích thú như thế. Lý do chính có lẽ vì anh Minh quyết tâm trang bị cho mình một vũ khí tinh thần mà anh biết là vô cùng cần thiết cho công cuộc mà anh đã nhất định theo đuổi. Anh lại có khả năng luận lý và say mê lý luận. Anh còn có một trí nhớ tốt, tự mình làm một dàn bài chi tiết những điều tôi trình bầy và ghi nhớ trong đầu đầy đủ, học ôn rất nhiều lần vì không thể ghi chép vào đâu được. Chúng tôi có thì giờ rảnh rỗi có thể tập trung vào việc này, và anh Minh cũng rất chăm chỉ. Tôi lập đi lập lại cho anh đầy đủ 2 lần. Anh nói đối với anh có được hệ thống tư tưởng của Lý Đông A còn hơn có mấy bằng tiến sĩ nữa.

      Khoảng trước Tết cả buồng chúng tôi phải di chuyển xuống buồng 14 ở tầng nhì, cuối dẫy. Tôi và Minh tiếp tục trao đổi về tư tưởng của cụ Lý. Có nhiều điểm chúng tôi trao đổi với nhau nhiều lần, nhất là phần về biện chứng pháp và các qui luật biện chứng. Có những điểm tôi chưa trình bầy hết khi vận dụng để bác bỏ biên chứng pháp của Mác vì không cần thiết, nay tôi trình bấy đầy đủ, để Minh thấy Thắng Nghĩa biện chứng pháp không những vượt trội hơn biện chứng pháp duy vật, mà còn phản ảnh được thực tại đời sống con người một cách tròn đầy, sinh động.

      Nguyễn Phương Minh vừa nhớ hết những gì tôi trình bầy về Thắng Nghĩa thì bị chuyển đi nơi khác. Trước đó Minh bị gọi ra làm việc. Minh cho tôi biết họ yêu cầu Minh giúp họ điều tra trường hợp một người mới bị bắt để quyết định xem có đưa ra tòa hay trả tự do. Anh hỏi tôi nên làm thế nào, nhận lời hay không. Tôi nói cái đó tùy anh quyết định. Tôi chỉ khuyên anh làm gì cũng được miễn đừng hại người khác. Anh nói tôi cứ yên tâm, sau khi đã biết tư tuởng của cụ Lý rồi thì anh quyết tâm thực hiện cho bằng được lý tưởng của Lý Ðông A, ít nhất là làm cho tư tưởng của cụ Lý được phổ biến cho mọi người Việt yêu nước. Anh tâm sự với tôi rằng từ đây cuộc đời của anh đã rẽ sang một khúc quanh mới mà anh tin rằng sẽ rất rạng rỡ vì anh đã có hành trang để lên đường. Anh sẽ không làm bất cứ điều gì để tự hủy hoại tương lai của anh được. Sau đó anh bị kêu ra khỏi buồng.

    Minh gặp lại tôi rất mừng. Tôi lại nói cho Minh nghe về tư tưởng của cụ Lý thêm một lần thứ hai. Lần trước chỉ mới nói tổng lược, dù đầy đủ nhưng chưa đi sâu vào được. Nói theo cụ Lý, thì mới trình bầy được “bình diện”. Lần này tôi cố gắng đi sâu hơn, vào phần “lập thể” của mô hình tư tưởng Thắng Nghĩa. Ðiều này không phải dễ vì đòi hỏi kiến thức vừa rộng lại vừa tinh túy về cả triết học Ðông phương, đặc biệt Phật học và Dịch học, lẫn khoa học, nhất là khoa xã hội học. Minh thì chưa đọc nhiều về các lãnh vực kiến thức này. Còn tôi thì cũng chỉ mới tiếp thu được không lâu và chưa đủ sâu, mà mới chỉ là những kiến thức tổng lược, chứ chưa thật sự tiêu hóa, lại càng chưa hiện thực hóa ra được. Dù sao tôi cũng cố gắng. Và lần nói truyện thứ hai này rất bổ ích cho chính tôi. Trong quá trình tranh luận tôi đã khám phá thêm được nhiều điểm trong tư tưởng của cụ Lý mà trước đó tôi chỉ hiểu rất mơ hồ, hoặc tưởng rằng mình đã hiểu rõ…..

      Hiện nay Minh đang ở California, vẫn thường viết các bài báo ký tên Ðỗ Thái Nhiên. Tên này do Minh tự chọn sau khi đã thấm tư tưởng Lý Đông A, và có thể là sau khi gặp thân sinh tôi, cụ Thái Nhân, nguyên Cán Sự trưởng Cán Sự Bộ 002 của đảng Duy Dân.  Thái Nhiên là tên hiệu như mọi người đã thấm nhuần Thắng nghĩa, còn họ Ðỗ để nhớ ơn người họ Ðỗ, là họ gốc của thân sinh tôi, đã trao truyền tư tưởng cho anh. Sau này Thức và anh đều cho tôi biết khi được trả tự do anh đã thường xuyên lui tới nhà tôi hầu chuyện thầy tôi để được đào sâu thêm về Thắng Nghĩa.

Thầy tôi cũng tỏ ra hết sức quí mến Minh, đem hết hiểu biết ra trao truyền thêm cho anh. Theo Thức, thầy tôi cũng thường xuyên nhắc nhở Minh luôn ghi nhớ rằng điều quan trọng là làm gì với vũ khí tinh thần mà Minh đã có. Mà có lẽ đó cũng là mối ưu tư tâm huyết của bất cứ người nào đã có cơ duyên biết được Thắng Nghĩa. Lúc còn ở tù chung với tôi, Minh đã tâm sự là khi ra khỏi tù, thoát ra khỏi Việt Nam, phải tổ chức một nhóm người đi các nơi thuyết trình về Thắng Nghĩa. Người nào trong đoàn thuyết trình cũng phải mặc một bộ quần áo đặc hiệu. Nguyễn Phương Minh thoát khỏi Việt Nam cộng sản trước tôi, đã tích cực viết các bài viết có giá trị được nhiều người biết đến để phổ biến tư tưởng Lý Đông A với tên hiệu Đỗ Thái Nhiên.

Tuy nhiên chúng tôi chưa tổ chức được các buổi thuyết trình về Lý Đông A như dư định, dù đã thiết lập được một trang nhà và đưa hết các tài liệu của Lý tiên sinh mà chúng tôi thu thập được ở hải ngoại và từ trong nước gửi ra. Đồng thời chúng tôi cũng tổ chức hai nhóm chuyên về Thắng Nghĩa, một là “tổ hạch tâm” gồm một số ít người gắn bó với Thắng Nghĩa, và một nhóm gọi là “Tìm Hiểu Thắng Nghĩa” gồm những người muốn tìm hiểu Thắng Nghĩa. Chúng tôi họp chuyên về Thắng Nghĩa trên mạng mỗi thứ bảy và chủ nhật.

 

Cao Giao và LĐA

 

Nhưng điều đáng chú ý nhất đối với tôi về ông Cao Giao chính là những gì ông kể liên quan đến Lý Đông A. Ông nói thời kỳ trước 1940, ông thường đến thư viện quốc gia đọc sách. Lúc đó ông Ngô Đình Nhu đang làm thủ thư. Ông được gặp Lý Đông A, lúc đó còn giữ tên thật là Nguyễn Hữu Thanh. Ông Cao Giao nói ông Ngyễn Hữu Thanh lúc đó còn rất trẻ nhưng có biệt tài đọc sách nhanh, và có trí nhớ và óc phán đoán rất nhậy bén. Lúc đó có một số sinh viên cũng hay đến thư viện đọc sách, và sau này đều theo Lý Đông A như Thái Lăng Nghiêm, Nghiêm Xuân Hồng, Lê Quang Luật. Mỗi buổi trưa mọi người thường ra vườn, ngồi ăn trưa dưới gốc cây.

Ông Nguyễn Hữu Thanh thường nói về những cuốn sách mà ông đã đọc, tóm tắt nội dung, nhận xét giá trị và đề nghị những cuốn nào mà ông nghĩ mọi người nên đọc. Ông Cao Giao cho biết lúc đó, thỉnh thoảng ông Ngô Đình Nhu cũng ra ngồi nói chuyện với mọi người, và rất chú ý tới ông Nguyễn Hữu Thanh. Ông Cao Giao nói rằng khi ông Ngô Đình Nhu làm báo Tinh Thần và thành lập tổ chức để vận động cho ông Ngô Đình Diệm, ông có nói với ông Cao Giao tìm và mời ông Thanh về hợp tác. Ông Cao Giao nói với ông Nhu rằng lúc đó ông Thanh đã là Lý Đông A rồi, đã lập đảng Đại Việt Duy Dân và đang hoạt động, không dễ gặp và mời về hợp tác được.

Khi ông Ngô Đình Diệm làm Thủ Tướng và ông Ngô Đình Nhu làm Cố vấn, ông Nhu lại yêu cầu ông Cao Giao tìm và mời ông Lý Đông A về làm việc. Trong một lần đi công tác tại Vạn Tượng, Lào, ông Cao Giao gặp một cán bộ cũ của Duy Dân mà ông đã quen biết tại Hà Nội. Người này nay là sĩ quan trong quân đội Hoàng gia Lào. Người này cho biết ông đi theo Lý Đông A sang Lào được cụ Lý dặn hãy gia nhập quân đội hoàng gia Lào.

Ông Cao Giao cho biết ý định của ông Ngô Đình Nhu và nói muốn gặp cụ Lý. Người này nói tôi chỉ biết cụ Lý sang Miến Điện nhưng không biết ở đâu, nhưng biết một người đang sống ở thủ đô Rangoon của Miến Diện, người này may ra biết được. Thời gian sau, ông Cao Giao có dịp đi công tác sang Rangoon (Yangon), hỏi tòa đại sứ, được tòa đại sứ cho biết địa chỉ của người này, lúc đó đang mở tiệm sửa xe gắn máy. Ông Cao Giao tới đó gặp và hỏi về Lý Đông A. Người này lúc đầu từ chối nói không biết, mãi sau, khi ông Cao Giao nói tên người ở Vạn Tượng, người này mới nói muốn tìm ông Lý Đông A hãy lên vùng rừng núi phía bắc Miến Điện. Ông Cao Giao nói với tôi ông đành bỏ cuộc, dù lúc đó ông có nghe tin tức về một tổ chức có tên tiếng Việt là Mặt Trận Giải Phóng Các Dân Tộc Bị Áp Bức đang hoạt động trên vùng rừng núi phía Bắc Miến Điện, không biết có liên quan đến Lý Đông A hay không. Thời gian đó tôi cũng có nghe đài BBC nói đến tổ chức này, nhưng sau đó không thấy nhắc đến nữa.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)