VNTB – Trong đường hầm ký ức Đà Lạt

VNTB – Trong đường hầm ký ức Đà Lạt

Nguyễn Vĩnh Nguyên

 

(VNTB) – Tính đến cuối tháng 3.1975, chi nhánh Nha Văn khố Quốc gia Đà Lạt lưu trữ khoảng 45.000 tấm mộc bản triều Nguyễn tại tầng hầm trụ sở chi nhánh này ở số 24 Yersin và một số ở garage của Trung tâm giáo dục Hùng Vương.

 

Văn khố trong bom lửa

Trong thời chiến, việc biên mục mộc bản, châu bản sau khi chuyển từ Huế vào Đà Lạt bị gián đoạn, điều kiện cơ sở lưu trữ xuống cấp khiến văn khố này luôn bị đặt vào tình trạng báo động.

Trước đó, trong lúc chiến tranh đang áp sát các đô thị miền Nam, một chương trình không vận hơn 5 tấn châu bản và biên mục tài liệu từ Đà Lạt về Sài Gòn đã được thực hiện trong sự thu xếp khá ổn thỏa và trách nhiệm giữa Nha Văn khố Quốc gia với Air Vietnam. 

Ngày 1.4.1975, một chiếc Cargo C.130 được Air Vietnam yểm trợ đưa ông Trần Xuân Thi (Chủ sự Hành chánh Nha Văn khố Quốc gia) từ Sài Gòn đến Đà Lạt để ghi chép, biên mục, đóng gói những tài liệu mộc bản còn lại. Theo kịch bản, ông Thi sẽ hệ thống, đóng gói và chuyển kho mộc bản còn lại về Sài Gòn ngay ngày hôm sau.

Nhưng từ đêm 31.3.1975, Đà Lạt xảy ra giao tranh dữ dội ở các cửa ngõ và vùng cao điểm của thành phố; đã có một cuộc tháo chạy sớm hơn dự kiến. 19 giờ tối hôm đó, Đại tá Nguyễn Hợp Đoàn, Thị trưởng Đà Lạt gửi mật lệnh cho Trường Chiến tranh Chính trị, Trường Võ bị về việc “Việt cộng tấn công” thành phố. Cuộc di tản của các quân nhân cùng gia đình họ diễn ra trong đêm theo hướng Trạm Hành – Sông Pha – Phan Rang – Phan Rí – Phan Thiết… (với hy vọng sẽ củng cố lại lực lượng ở Bình Tuy và tổ chức phản công). 

Sau đó, là những cuộc rồng rắn chen chúc rời khỏi Đà Lạt của cư dân. Để thông tuyến đường đèo chật chội ùn tắc, người ta phải đẩy xuống vực những chiếc xe hơi chết máy và buông bỏ lại dọc đường những của cải, kỷ vật của gia đình.

Giữa lúc mà người Đà Lạt gọi là rối ren đó, hai ông Trần Xuân Thi từ Sài Gòn ngược lên Đà Lạt và Phạm Lê Thúc (Chủ sự Chi nhánh Nha Văn khố Đà Lạt) – vẫn đi xuyên qua những đợt giao tranh, pháo kích, và ngược dòng người di tản hỗn loạn để theo đuổi kịch bản giải cứu tài liệu. 

Họ dường như không quan tâm tới đại cảnh hỗn loạn bên ngoài của một thành phố suy tàn, vô chủ. Họ lặn vào những căn hầm chứa tài liệu, tranh thủ ghi chép, đóng gói và chờ có thể nối lại liên lạc sân bay, chuyển về Sài Gòn. 

Chờ đến vô vọng. Và đến tận cùng, khi mạng sống bị đe dọa bởi tình hình giao tranh ngày càng khốc liệt, họ phải hòa vào dòng người thoát khỏi thành phố lánh bom đạn giao tranh và những vụ trừ khử nhá nhem. 

Như một chuyến phiêu lưu bất đắc dĩ: ông Trần Xuân Thi trôi dạt theo dòng người sơ tán, đi bộ từ Đà Lạt tới Phan Thiết, rồi từ Phan Thiết đi ghe xuống Vũng Tàu, mãi đến ngày 7.4.1975 thì xuất hiện ở văn phòng Nha Văn khố tại Sài Gòn.

Kịch bản không vận văn khố trên chiếc Cargo C.130 đã bị bẻ gãy, toàn bộ mộc bản nằm lại Đà Lạt. “Hết còn lo kịp” là thông tin dồn nén sự bất lực và nỗi đau đớn xuất hiện trong báo cáo của ông Thi với Tổng trưởng Văn hóa Giáo dục và Thanh niên Sài Gòn.

Ngày 14.4.1975, tức, hai tuần trước khi chính quyền Sài Gòn thất thủ, ông Nguyễn Ứng Long, Tổng trưởng Văn hóa Giáo dục và Thanh niên, đã kịp làm lễ tưởng thưởng cho các ông: Trần Xuân Thi và Phạm Lê Thúc, ông Vũ Đình Bút (tùy phái viên Văn khố Quốc gia) và ông Lê Văn Đồng (tài xế ở Văn khố Quốc gia) đã có công lao trong việc chuyển tài liệu từ Đà Lạt về Sài Gòn trong điều kiện khó khăn của chiến cuộc, mạng sống bị đe dọa. 

Trong bản ghi nhận công trạng của họ, Tổng trưởng Văn hóa Giáo dục và Thanh niên viết: Thực vậy, trong lúc tình hình sôi động và riêng tại Đà Lạt, đồng bào đã lần lượt tản cư gần hết, nhưng các ông Trần Xuân Thi, Vũ Đình Bút và Lê Văn Đồng đã can đảm nhận hết trách nhiệm lên Đà Lạt, đồng thời ở lại đây trong nhiều ngày liên tiếp để tiếp tay với ông Phạm Lê Thúc, Chủ sự chi nhánh Văn khố Đà Lạt gói tài liệu thành từng bó rồi lo phương tiện chuyên chở đã đem về Sài Gòn được 5 tấn tài liệu quý giá cho Quốc-gia.

Riêng ông Trần Xuân Thi, ngày 1.4.1975 vừa qua, lại trở lên Đà Lạt để thực hiện việc chở thêm một chuyến nữa về Sài Gòn, nhưng vào buổi chiều cùng ngày, Hàng-không Việt-Nam đã hủy bỏ các chuyến bay Đà-lạt – Sài-gòn và ngay buổi tối hôm đó, Đà Lạt đã di-tản cho nên đương sự bị kẹt lại. Mấy ngày sau đó là những ngày vô cùng gian nan khổ cực, ông Thi phải lẩn trốn, len lỏi đi bộ về đến Phan-thiết, từ đó đi ghe về Vũng Tàu và sau cùng về đến Sài-gòn chiều ngày 07.04.1975.

Câu chuyện trên đã được ráp nối, tái hiện từ những trang văn bản rời rạc trong bộ hồ sơ số 1304, Phông Nha Văn khố Quốc gia – Phòng kỹ thuật, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, TP.HCM. (Độc giả đã đọc thấy một câu chuyện tương đối liền lạc trong cuốn biên khảo Đà Lạt, bên dưới sương mù (1)).

Những hồ sơ lãng quên

Người viết câu chuyện này đã chạm tới những trang văn bản khốc liệt đó gần nửa thế kỷ. Chất liệu giấy, những bản in ronéo mỏng manh hồ như muốn tan rã để tìm tới sự tự do được tự hủy, buông bỏ sức nặng thời gian và những câu chuyện ẩn mật thuộc về thế giới phức tạp vô kể của loài người. 

Cơ chế tự hủy của ký ức chúng ta có lẽ cũng như vậy, một khi tâm trí không đủ ôm mang những dữ liệu ngổn ngang chìm nổi mà chính chúng ta dự phần tạo ra trong lịch sử khốc liệt của cuộc đời mình và những phần đời liên đới. Tôi đã được ngồi với những người có gốc gác trung lưu ở Đà Lạt, Sài Gòn và các đô thị miền Nam, lắng nghe họ kể về việc gom đốt từng bó tài liệu, hình ảnh gia đình, giấy tờ sổ sách để sống tiếp từ sau 1975. Có người đã đổi tên, sống trong một danh tánh và đời sống khác.

Tôi cũng từng lắng nghe câu chuyện đau lòng về những rương hình ảnh gia đình rơi xuống biển hay thất lạc trong các chuyến vượt đại dương của giai đoạn thập niên 1980… Ký ức, bằng cách này, cách khác, trở nên mờ mịt.

Là một người sinh vào cuối thập niên 1970, tôi đã thôi tự hỏi, vì sao để sống tiếp, người ta (kể cả những người ruột thịt trong gia tộc mình) phải tự hủy đi di chỉ của quá khứ, lai lịch dòng dõi? Quá khứ, hay ký ức, lúc bấy giờ phải chăng được mặc định là một trở lực tinh thần, hay là thách thức quan ngại gì khác (!?) trong việc dẫn con người về phía tương lai? Nếu vậy, bây giờ đây, việc trục vớt quá khứ có ý nghĩa gì, liệu đó sẽ là cách giải thoát con người khỏi sự vướng mắc hay đẩy con người vào sâu trong những hốc kẹt u hoài để giải thoát những bức bối nào đó của hiện tại?

Trong những mảnh vườn riêng kín cổng, sau những khoảng sân luôn ẩm rêu bốn mùa, họ, những người Đà Lạt nhìn tôi bằng ánh mắt dè chừng và lảng tránh. 

Chuyện cũ thì có gì để kể?, họ nói. 

Qua rồi, nhắc lại thì để làm gì? Có thay đổi được gì?, họ lại nói, một cách lịch sự và tỏ tường hơn. 

Và, họ chỉ kể khi hiểu, tin rằng, trong trò chơi về lòng kiên nhẫn, tôi đã thực sự bước ra từ trong các album, trong các khế ước đoạn mãi, sổ sách buôn bán, văn bản bí mật mà gia đình họ đã từng đốt đi, từ rất lâu rồi. Tôi chọn con đường vòng từ những văn khố của lãng quên, từ trong những kho sách trôi nổi mà giới sưu tập giữ ngày nọ qua tháng kia mà không buồn chờ chúng lên giá.

Tôi nói với họ rằng, tôi đã đi lại trong nội thất đóng kín của những căn phòng u hoài và gần như sống cùng họ đã lâu rồi. Và tôi, không ai khác, chính là hậu duệ của người cùng họ đốt đi những bóng hình cũ, hủy hoại dấu vết ký ức chỉ để sống tiếp với một di sản đã chuyển vào sâu trong tâm tưởng, không thể khác. 

Tôi nói với họ về sự chuyển hóa của hoài niệm từ vật thể vào tâm trí để nhìn sâu hơn chiều kích của ký ức, để chiêm niệm từ trong bóng tối của những phôi phai.

Những điều này có lạc lõng trong bối cảnh đô thị thời toàn cầu cho chúng ta niềm tin lớn lao vào công nghệ lưu trữ? Những cuộc trình diễn tương lai của các nhà phát minh công nghệ truyền đạt qua giới quy hoạch, quản lý đô thị và chính quyền đô thị thông minh rằng chẳng có gì lãng quên cả. Chúng ta đang có những kho lưu trữ khổng lồ trên mây và xã hội chúng ta đang được vận hành bởi những đám mây điện toán dữ liệu lớn.  

Không phủ nhận các thành tựu số hóa, kết nối mạng đã nối chúng ta vào trong một lai lịch chung, không còn mất thời gian cho những cuộc truy tìm khi mỗi người đã được đặt mã định danh, những ấn bản xưa và hiếm đã được giải mật trên các thư viện liên mạng. Số hóa lưu trữ cũng cho chúng ta cái nhìn lạc quan về bảo tồn: những trang văn bản không còn phân hủy trên màn hình máy tính. Những gì chúng ta đã đốt sẽ được tái tạo bằng thuật toán thông minh. Và một ngày, câu chuyện hai người đàn ông len lỏi vào thành phố cứu những bó tài liệu sẽ được trải lên trang giấy bằng công nghệ AI sau một lần nhấn phím enter với vài từ khóa (như thả hashtag tên họ, chẳng hạn). 

Khi đó, không cần những nhà nghiên cứu, biên khảo gò lưng trên những bó hồ sơ năm này qua tháng khác để tìm một manh mối câu chuyện diễn ra từ nửa thế kỷ trước, không cần những bước chân dò dẫm với lòng kiên nhẫn và khổ hạnh của kẻ đi gom về những vỡ nát, tái tạo lại thành phố từ những đường hầm ký ức đang hoang hóa.

Nhưng dù là nuôi viễn cảnh tốt đẹp, ta cũng đừng quên nhắc nhau rằng ngày đó chưa đến hoặc chẳng bao giờ đến theo hư cấu của ta. 

Tôi đã đọc thấy Di-Ann Eisnor, giám đốc Khu vực 120, Google viết trong lời giới thiệu cuốn Đô thị thông minh, tương lai xán lạn của Mike Barlow và Cornelia Lévy-Bencheton (2) – một cuốn sách mở ra màn trình diễn về tương lai bằng công nghệ – rằng, một trong những động lực dẫn đường cho hệ thống mạng đô thị mới xuất phát từ các động lực sau: công nghệ có thể giúp các nền văn hóa thăng hoa theo cách đặc trưng riêng của mình và công nghệ phải tiến hóa song hành cùng đạo đức, triết học, và xã hội. Ông đã kỳ vọng vào khả năng “tự nhận thức của các đô thị”. Ông cho rằng: “Tự nhận thức là hòn đá nền tảng của một cuộc sống đáng sống đối với từng cá thể trong một cộng đồng”. 

Tôi lại gặp một quan điểm khác về sự sáng tạo thành phố trong cả hai chiều kích: không gian và thời gian. “Các thành phố không chỉ là những sáng tạo trong không gian mà còn là những sáng tạo trong thời gian, khoác lên mình một tầm vóc lịch sử”, Pierre Laborde viết trong cuốn Không gian đô thị trên thế giới (3)

Tầm vóc văn hóa mỗi đô thị – xét theo bình diện toàn cầu lẫn tính đặc thù riêng biệt của nó – là sự tích tụ những cơ tầng lịch sử hình thành qua thời gian cùng những cơ duyên thăng trầm, cần sự nhận diện đôi khi thật thủ công, tỉ mỉ, kiên trì và mẫn cán trong sự tận hiến như cách những công chức ngành Văn khố Sài Gòn trong câu chuyện mà tôi đã thuật lại đầu bài viết. Cứu cánh là một sự tự thấu đạt lịch sử, văn hóa qua những phân mảnh vi lịch sử, những câu chuyện được kể liền lạc hướng đến một sự tự nhận thức để tìm kiếm khả năng cân bằng trong cơn cuồng lốc phát triển.

Cái gì đổi lấy linh hồn?

Tôi không thể nhớ tên họ nếu không lật lại trang sách mình đã viết về họ, hai chuyên viên Văn khố Sài Gòn. Tôi càng không biết về chặng đời sau 1975 của họ và gia đình, nhưng có điều này: trong những cuộc xê dịch khó khăn của một người làm tài liệu về đô thị Đà Lạt, họ không chỉ là nhân vật trên trang viết của tôi, mà còn là giá trị để tôi kế thừa và âm thầm theo đuổi như người học trò thành tín tiếp nhận những bài học quý giá từ những bậc tôn sư vô hình. Những bậc tôn sư chỉ hiện lên từ trong hầm tối, không phải nơi ánh sáng vinh quang đương thời.

Tôi hiểu, dù là trong xã hội của những trang văn bản ronéo hay số hóa, xã hội của những bức ảnh đen trắng viền răng cưa hay những folder ảnh trên smart-phone, thì một thành phố tự nhận thức, rộng hơn, một xã hội tự nhận thức đều xây dựng trên hệ giá trị độc lập, liêm chính, kiên định trong trách nhiệm và sự chu đáo với lý tưởng, dù ở giai tầng nào, trong tư cách nào. 

Và tới đây, ta có thể nói gì về ký ức, di sản cộng đồng, những manh mối của căn tính đô thị? 

Di sản của quá khứ theo cách hiểu thông thường, thì được thể hiện trên sơ đồ quy hoạch thành phố, cụ thể hóa/thông qua các loại hình kiến trúc. Nhưng di sản của quá khứ còn là những hình thái tâm thức cộng đồng, qua tình trạng xã hội, kinh tế, chính trị và lối sống cộng đồng. Phổ quát hơn, đó chính là linh hồn thành phố, như cách diễn giải của Italo Calvino, một nhà văn mà tôi ái mộ.

Italo Caivino viết về cuộc đối thoại giữa ác quỷ Mephistopheles với Faust – kẻ đổi linh hồn lấy niềm hoan lạc.

“Linh hồn của tôi ư?” Faust của chúng ta đã trả lời. “Thế nhỡ ra tôi không có linh hồn thì sao?”.
Nhưng có lẽ điều mà Mephistopheles bận tâm tới không chỉ là một linh hồn cá nhân. “Với vàng ngươi sẽ xây dựng một thành phố”, y nói với Faust. 

“Toàn bộ linh hồn của thành phố là thứ ta muốn đổi lấy”. “Đó là một thoả thuận”. 

Và ác quỷ sau đó có thể thật sự biến mất cùng với một sự giễu cợt chuyển vào tiếng hú: vốn là cư dân lâu năm trên tháp chuông, từ chỗ ngồi xổm trên vòi máng xối, quen chiêm nghiệm trên dãy mái nhà bát ngát, nó biết rằng những linh hồn của thành phố là quan trọng hơn cả và lâu bền hơn hẳn những gì của tất cả cư dân của nó gộp lại.

Dưới những tầng hầm tối, là kho chứa linh hồn thành phố. 

Tôi sẽ đợi một cuộc thương lượng với ngoại giới hay ta hướng vào cuộc đối thoại với một thành phố trong tâm trí, để linh hồn của thành phố ấy nhất thể với linh hồn của chính mình? 

 

_________________

(1) Nguyễn Vĩnh Nguyên (2019). Đà Lạt, bên dưới sương mù. Sống chết cùng văn khố. Phanbook & NXB Phụ Nữ
(2) Mike Barlow và Cornelia Lévy-Bencheton (2020). Trần Thị Mỹ Duyên dịch. NXB Trẻ, tr. XIV
(3) Pierre Laborde (2011). Phạm Thị Khánh Thủy dịch. NXB Thế Giới, tr. 72

 

Nguồn: Người Đô Thị –  Trong đường hầm ký ức Đà Lạt


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)