Việt Thanh
(VNTB) – Xét về địa chính trị và lịch sử cận đại thì sự tương quan giữa Nga-Ukraine và Trung Quốc – Việt Nam rất rõ rệt: một đại cường quốc nằm kế cận với một nước bé nhỏ, và đại cường đó luôn muốn khống chế nước nhược tiểu.
26 – 2 – 2022
Những tia sáng chói loà với những tiếng nổ chát chúa vang động khắp nơi trên vòm trời Ukraine vào rạng sáng ngày 24-2-2022. Quân lính Nga theo lệnh của Putin đã pháo kích và phóng hoả tiễn mở đầu cho một cuộc xâm lăng vào lãnh thổ của đất nước tự do hiền hoà này. Hình ảnh đó đã gợi lại những ngày đau thương của tháng Tư 1975 khi Cộng Sản Việt Nam (CSVN) nã pháo ngày đêm vào Sài Gòn và các thành phố miền Nam; kết thúc một cuộc xâm lăng do khối Cộng Sản quốc tế (Nga, Tầu…) chủ trương và yểm trợ cho CSVN nhằm cướp đoạt vùng đất tự do và thịnh vượng của Việt Nam Cộng Hoà.
Xét về địa chính trị và lịch sử cận đại thì sự tương quan giữa Nga-Ukraine và Trung Quốc – Việt Nam rất rõ rệt. Hình ảnh của một đại cường quốc nằm kế cận với một nước bé nhỏ, và đại cường đó luôn muốn khống chế nước nhược tiểu. Sau đại chiến thứ II, dưới sự thống trị của Liên Bang Sô Viết, khoảng một triệu người dân Ukraine đã chết dưới bàn tay sắt máu của Staline. Nga luôn xem Ukraine như một nước chư hầu, họ muốn lãnh tụ nước này như là một kẻ bù nhìn để dễ bề sai khiến. Người tiền nhiệm của Tổng Thống Zelensky luôn đóng vai trò đó. Tuy nhiên, sau khi đắc cử tổng thống năm 2019 Ông Zelensky và dân chúng Ukraine ước vọng một thể chế tự do và độc lập; đặc biệt là quốc gia này muốn gia nhập NATO ( Khối Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương). Đó là lý do chính của cuộc xâm lăng mà Nga đang chủ trương và hành xử! Putin đã xem thường sự phản kháng mãnh liệt của dân chúng Ukraine; với lực lượng quân sự và võ khí hùng hậu, họ cho rằng Ukraine sẽ phải quy hàng trong vài ba ngày. Sự đoàn kết của dân chúng, sự can đảm của giới lãnh đạo để an dân, giữ nước, và sự yểm trợ vũ khí của Hoa Kỳ và Liên Âu đã giúp cho quốc gia này bền gan chống cự với kẻ ngoại xâm! Dân chúng trên thế giới đã bàng hoàng trước cảnh “Cá lớn nuốt cá bé” giữa thời đại tân tiến này, và nhiều cuộc biểu tình Ủng Hộ Ukraine đã diễn ra khắp nơi.
Trở về Châu Á, thì hình ảnh của Trung Quốc – Việt Nam và các nước láng giềng cũng không khác biệt là bao. Trong thời kỳ đương đại thuộc hậu bán thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, Trung Cộng dần dà đã trở thành một trong các đại cường của thế giới, họ hung hăng, quyết đoán, muốn chiếm đóng, Hán hoá hoặc dạy dỗ các nước hay vùng lãnh thổ lân cận:
Năm 1949 Trung Quốc đã đánh sang Tây Tạng, hậu quả là 1.2 triệu dân nước này bị tử vong và 6,000 tu viện Phật Giáo bị phá huỷ. Sau đó Tây Tạng bị sát nhập vào lãnh thổ Trung Cộng vào năm 1950. Đức Đạt Lai Lạt Ma và một số dân di cư lánh nạn sang vùng Darhamsala, miền Bắc Ấn Độ, và một số nơi ở miền Nam nước này. Trung Quốc đã chấm dứt tập tục cổ truyền của phật Giáo Tây Tạng về việc tìm kiếm và tấn phong vị Đạt Lai Lạt Ma, người lãnh đạo quốc gia và tôn giáo, do hội đồng các cao tăng trách nhiệm, và thay bằng việc tấn phong do nhà Nước chủ trì.
Ngày 17 tháng 2, năm 1979 hàng trăm ngàn quân Trung Quốc đã tấn công vào biên giới phía Bắc của Việt Nam và chiếm đóng một số tỉnh thành, hàng chục ngàn dân và quân Việt Nam bị thương vong. Đến ngày 16-3-1979 Trung Quốc tự động ngưng chiến và rút quân, đồng thời tuyên bố là họ đã “dạy xong một bài học” cho CS Việt Nam. Số thương vong về phía Trung Quốc được ước lượng vào khoảng 28,000 người chết và 43,000 người bị thương vong. Tuy nhiên, những cuộc đụng độ nhỏ ở biên giới giữa đôi bên vẫn tiếp tục xảy ra cho đến năm 1986 mới chấm dứt.
Năm 1989 Nhà Nước và quân đội Trung Quốc đã tàn sát dã man cuộc biểu tình bất bạo động đòi tự do dân chủ do sinh viên khởi xướng tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh. Có đến gần một triệu người đã tham gia cuộc biểu tình khởi đầu vào ngày 15-4-1989. Sau hơn một tháng biểu tình ròng rã, 300 ngàn quân đã được điều động đến Bắc Kinh để dập tắt cuộc tranh đấu của dân chúng; họ đã không ngại ngùng giết những người biểu tình và luôn cả những kẻ bàng quan. Từ ngày đó Trung Cộng đã đưa ra các chính sách để triệt tiêu quyền biểu đạt và tự do ngôn luận của người dân.
Hán hoá vùng tự trị Tân Cương, phía Tây Bắc Trung Hoa. Vào năm 2013 Nhà Nước đã đưa hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ theo Đạo Hồi vào các trại tập trung gọi là để “cải tạo”. Họ còn di dời người Hoa lên định cư tại vùng này. Trung Quốc còn buộc dân chúng phải sử dụng tiếng Tầu thay vì tiếng bản địa (thổ ngữ). Hoa kỳ và thế giới đã lên án Trung Quốc về tội kỳ thị tôn giáo và tội diệt chủng này. Hoa Kỳ còn áp dụng một số lệnh cấm vận trên các hàng sản xuất tại đây.
Muốn chiếm được 90% diện tích Biển Đông Trung Quốc đã tự quyền vẽ ra một đường ranh hình lưỡi bò đi từ Bắc xuống Nam và viện dẫn đó là chủ quyền lịch sử của họ. Đường lưỡi bò đã xâm phạm lãnh hải của Việt Nam, Đài Loan, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei và Nam Dương… Trong đó hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam với nhiều tài nguyên về dầu, khí đều nằm trong đường “Lưỡi Bò”! Phi Luật Tân đã kiện Trung Cộng ra toà án Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế (PCA); phán quyết của toà này vào năm 2016 là lãnh hải ấn định bởi đường lưỡi bò của Trung Quốc là bất hợp pháp. Tuy nhiên, Trung Quốc không tuân thủ phán quyết này, và vẫn tiếp tục phủ nhận lãnh hải của các quốc gia khác nằm trong hải phận do đường đó vạch ra. Trung Cộng vẫn lập lờ trong việc tuân thủ hay không đối với Công Ước Quốc Tế về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) được ban hành vào năm 1982, trong đó cả Việt Nam và Trung Cộng đều đã ký chấp nhận. Hiện nay một số các nước thuộc vùng Đông Nam Á (ASEAN) muốn thiết lập một bộ Quy Tắc Ứng Xử (Code of Conduct) trên biển để các nước trong vùng theo đó mà chấp hành, nhưng Trung Quốc vẫn trì trệ không muốn tham gia việc bàn thảo.
Nga đã đặt một tiền lệ xấu cho Âu Châu vào thế kỷ 21, khi xâm lấn lãnh thổ của một quốc gia độc lập láng giềng với ý định biến nước này thành một nước chư hầu. Qua chiều dài lịch sử, nước Tàu đã từng khống chế Việt Nam, một nước láng giềng với nhiều tài nguyên. Chúng đã đô hộ Việt Nam qua ba lần Bắc thuộc với tổng cộng trên một ngàn năm. Tham vọng về lãnh thổ và lãnh hải của Trung Quốc nay lại có dịp được tăng trưởng mạnh. Thấy Putin làm được, không biết khi nào thì Tập Cận Bình lại ép “chú em” CSVN theo lệnh của “đại ca”?! CSVN nên nhớ bài học cay đắng năm 1979; và đừng bao giờ tin vào những sáo ngữ, nghe như chứa đầy tình cảm hữu nghị của “16 chữ Vàng”:
“Sông núi liền nhau” (Sơn thuỷ tương liên)
“Lý tưởng giống nhau” (Lý tưởng tương thông); ý nói về thế giới đại đồng của Cộng Sản?
“Văn hoá đồng điệu” (Văn hóa tương đồng); ý nói về đạo Khổng?
“Vận mệnh như nhau” (Vận mệnh tương quan); chắc hẳn phải là khác nhau, vì bên Mạnh được và bên Yếu – thua!
và “4 Tốt”:
Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt.