VNTB – Trung Quốc hóa: Vĩnh Phúc cử cán bộ sang Trung Quốc nghiên cứu xây Văn Miếu

Đinh Liên (VNTB) Dù có 65 di tích quốc gia và hơn 1.000 di tích văn hoá khác vẫn chưa đủ tiền để duy tu, bảo tồn song tỉnh Vĩnh Phúc vẫn bỏ ra gần 300 tỷ đồng xây dựng một công trình Văn Miếu Vĩnh Phúc hoành tráng.

Khi bị dư luận lên tiếng thì ngay trong ban lãnh đạo của tỉnh Vĩnh Phúc cũng mâu thuẫn trong cách bao biện. Trong khi ông Bùi Minh Hồng (Chánh văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, trong kỳ họp HĐND tỉnh và tiếp xúc cử tri không ai phản đối, thậm chí còn hối thúc làm. Thì Phó giám đốc sở lại giãy bày: “Không lấy ý kiến nhân dân, vì dân có ai biết đâu mà lấy ý kiến.”.

Vấn đề có vẻ đi xa hơn, khi thay xem xét mô hình văn miếu “Quốc Tử Giám – Hà Nội” thì tỉnh Vĩnh Phúc nhiệt huyết đến độ, cử một “đoàn cán bộ đi nghiên cứu công trình văn miếu Khổng Tử ở Khúc Phục – Sơn Đông – Trung Quốc,” theo như báo infonet cho biết.

“Trung Quốc hóa” đang trở thành một vấn nạn và là đề tài nhạy cảm tại Việt Nam, nơi ngày càng xuất hiện nhiều ngôi làng Trung Quốc với bảng hiệu và đèn lồng tiếng Trung như xã Ngũ Lão – Thủy Nguyên – Hải Phòng mà báo chí Việt Nam từng phản ảnh vào năm 2009. Gần đây nhất, nổi cộm lên tình trạng “lao động Trung Quốc làm chủ kinh doanh hoặc lấy vợ người Việt và tìm cách ở lại” tại Khu Kinh tế (KKT) Vũng Áng (Hà Tĩnh). Và điều này sẽ tiếp diễn ngày càng phức tạp khi hầu hết các gói thầu lớn của Việt Nam đều rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc và các doanh nghiệp Trung Quốc có xu hướng công khai hoặc lén lút sử dụng lao động phổ thông từ Trung Quốc sang.

Về mặt văn hóa, vào cuối năm 2014, một Viện Khổng Tử đã chính thức được đặt trong đại học Hà Nội với mục đích là để “nghiên cứu, giảng dạy tiếng Trung Quốc, góp phần củng cố và phát triển quan hệ Việt-Trung …” Nhiều trí thức Việt Nam đã bày tỏ lo ngại về sự “xâm lăng” của tư tưởng, con người từ Trung Quốc vào hệ thống trường đại học cũng như làng xã tại Việt Nam.

Hiểm họa Trung Quốc giờ đây không chỉ nóng ngoài biển Đông, mà còn ở ngay trong vùng đất liền. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ quan ngại: “Mức độ có mặt của người Trung Quốc nhiều đến mức có thể cắt Việt Nam làm đôi thì những thách thức không chỉ vấn đề kinh tế, xã hội.”




Tin liên quan: Ngay từ khi chuẩn bị công tác đầu tư, xây dựng Văn Miếu, tỉnh Vĩnh Phúc đã cử một đoàn cán bộ đi nghiên cứu công trình Văn Miếu Khổng Tử, huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. 

Việc tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành xây dựng công trình Văn Miếu đã được dư luận rất quan tâm trong thời gian vừa qua. Bên cạnh câu hỏi của nhiều người rằng: Công trình này liệu có cấp thiết đến mức buộc tỉnh Vĩnh Phúc phải chi tới gần 300 tỷ đồng để xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 2011-nay, bất chấp đó là thời kỳ khủng hoảng kinh tế và nhiều công trình dân sinh, xã hội khác vẫn đang bị trì hoãn vì thiếu kinh phí? 

Bản tin đăng trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc. 
Trong phần trả lời câu hỏi của phóng viên báo Dân Trí ngày 8/6, ông Kim Văn Ngoan Quýnh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc – cho biết: “Toàn bộ đề án trưng bày nội thất của Văn Miếu mà Sở Văn hóa là chủ đầu tư, đã báo cáo qua nhiều lần hội thảo khoa học, qua nhiều lần họp với các nhà khoa học đều không đưa Khổng Tử vào thờ ở đó, mà chỉ đưa vào gian thờ chính là ông Chu Văn An, chứ không phải Khổng Tử. Sau này mới có một số ý kiến cho rằng phải đưa Khổng Tử vào thờ trong Văn Miếu. Quan điểm của ngành tôi trong việc phê duyệt nội thất ở Văn Miếu là không thờ Khổng Tử trong đó”. 

Tuy nhiên, trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc ngày 18/4/2011 đã đăng tải một bài viết với tiêu đề “Nhiều kinh nghiệm hay trong quy hoạch, đầu tư và xây dựng Văn miếu Vĩnh Phúc” và cho biết: “Chuẩn bị cho công tác đầu tư, xây dựng Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 13/4/2011, Đoàn công tác của tỉnh đi nghiên cứu và học tập về xây dựng Văn miếu do đồng chí Trần Ngọc Tư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Ban quản lý Văn miếu Khổng Tử, huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc”. 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, toàn bộ nội dung của bài viết này đã được đăng trên Báo Xây dựng từ ngày 13/4/2011. Bài viết cũng cho biết thêm: “Tại buổi làm việc, Đoàn đã được nghe trình bày về công tác trùng tu, tôn tạo và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tại Văn miếu Khổng Tử. Đồng thời, trao đổi về công tác quy hoạch, cơ chế đầu tư, phương thức quản lý, cách thức tổ chức các hoạt động tại Văn Miếu”. 

Theo Infonet
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)